Chiều 17-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành, các bộ, ngành nhằm góp ý dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Dịch còn kéo dài, không thể đóng cửa mãi
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng lúc lắng xuống nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được. “Do đó, chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì, bảo đảm đời sống kinh tế - xã hội!” - Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, trong mục tiêu kép đó vẫn phải quán triệt mục tiêu tuyệt đối là kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan, để chết nhiều người. Trong công tác điều trị, hiện nay chúng ta cứu sống được các bệnh nhân nặng vì cả nước dồn trí, dồn sức vào cứu chữa. Còn nếu nhìn ra bên ngoài, rất nhiều nước có nền y tế phát triển hơn ta nhiều, giàu có hơn ta nhiều nhưng đã có tới hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh, hàng ngàn, hàng chục ngàn người tử vong. “Vì vậy, chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp chiều 17-4. Ảnh: VGP
Kiểm soát chặt không đồng nghĩa đóng hết
Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài và có thể sẽ có những ca bệnh mới thì vấn đề là chúng ta kiểm soát được ngay, không để lây lan rộng thành những ổ dịch lớn, vượt khả năng kiểm soát, điều trị.
Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, trên ba chân kiềng: Kiểm soát - Chung sống - Điều chỉnh tích cực vẫn phải luôn bám sát các nguyên tắc: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch.
Về khâu ngăn chặn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ xuất nhập cảnh cả đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Kiểm soát chặt chẽ không đơn giản là đóng hết. Chúng ta phải tiếp tục tiếp nhận người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ và thực hiện các dự án lớn, hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh… Chúng ta cũng phải tiếp nhận những người Việt Nam có nguyện vọng chính đáng từ nước ngoài về.
Sau khâu ngăn chặn, điều quan trọng nhất khi phát hiện ra người nhiễm bệnh là lập tức tiến hành điều tra dịch tễ, xác định cách ly và khoanh gọn lại ngay.
Chúng ta đã hình thành được mô hình dự báo nguy cơ theo địa bàn từng tỉnh, thành phố để phân ra làm ba nhóm: Nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp.
“Tôi nhấn mạnh chúng ta phải tiếp tục chia nhóm đến cấp huyện, cấp xã, thậm chí đến cấp thôn… để có thể điều hành sát sao hơn, linh hoạt hơn, kịp thời hơn và trên hết là hiệu quả hơn trong thực hiện mục tiêu kép” - Phó Thủ tướng nói.
Cần làm rõ khái niệm “mặt hàng thiết yếu” Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết TP đang thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 khi đóng cửa những cơ sở cung ứng các mặt hàng không thiết yếu nhưng vẫn còn lúng túng nên đề nghị các bộ, ngành trung ương hướng dẫn làm rõ khái niệm các mặt hàng thiết yếu. |
Chung sống nhưng tuyệt đối không chủ quan
Theo Phó Thủ tướng, vì dịch còn dài nên chúng ta phải xác định chung sống nhưng nhất thiết phải an toàn, tuyệt đối không được chủ quan.
Từ đó, Phó Thủ tướng phác ra bức tranh “chung sống an toàn” ở một số lĩnh vực cụ thể.
Đầu tiên là trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe: Từ ăn ở hợp vệ sinh mùa dịch, lau chùi nhà cửa để thông thoáng, luyện tập, tinh thần… đến việc đảm bảo an toàn trong khám chữa bệnh.
Thứ hai là học tập an toàn: Bộ GD&ĐT và các địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng học tập an toàn với các giải pháp rất cụ thể cho từng vùng, từng cấp học, từng loại hình trường lớp để sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì đi học trở lại.
Thứ ba là đi lại phải an toàn: Chúng ta hạn chế ra ngoài, đi lại khi không thật sự cần thiết nhưng khi cần thiết thì đi lại phải an toàn. Cần có quy định thật cụ thể khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe khách tới taxi, xe ôm. Ví dụ, taxi và kể cả xe ôm thì khẩu trang như thế nào, xịt tay khi lên xuống xe như thế nào…
Thứ tư là sản xuất, kinh doanh an toàn: Từ nhà máy, xí nghiệp lớn tới các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gia đình nhỏ lẻ, lao động tự do đều phải có các hướng dẫn rất cụ thể. Đặc biệt, đối với các hộ kinh doanh cá thể, người hành nghề tự do cần có quy định hướng dẫn, kể cả khi cầm tiền, thanh toán… như thế nào cho an toàn.
Thứ năm là các hoạt động của các cơ quan công quyền phải có phương án thật chi tiết, đảm bảo đúng các hướng dẫn về phòng dịch.
Thứ sáu là sinh hoạt vui chơi, văn hóa, thể thao, du lịch: Trước mắt, chúng ta chưa cho phép tập trung đông người. Đối với các hoạt động bắt buộc phải làm như hiếu, hỉ cần tuân thủ quy định về số người tham gia cùng các biện pháp đảm bảo an toàn. Các cơ sở lưu trú không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về y tế thuần túy mà cả các yêu cầu về khai báo lưu trú… đáp ứng yêu cầu chống dịch.
“Tinh thần chung là chúng ta phải chung sống an toàn trên từng lĩnh vực, từng ngõ ngách, từng cấp độ nhưng tuyêt đối không chủ quan” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Điều chỉnh và thay đổi tích cực Để kiểm soát được dịch bệnh, để chung sống an toàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chúng ta đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội đến gia đình, cá nhân. Trong cuộc sống, trong sinh hoạt có rất nhiều lề thói, phong tục không còn phù hợp mà chúng ta cố gắng yêu cầu, kêu gọi thay đổi nhưng vẫn còn chậm như chen lấn, không xếp hàng, ồn ã nơi công cộng, ở các lễ hội xô bồ, vừa thiếu văn minh và cũng không đúng với lễ tiết tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống… Thậm chí, không ít thói quen có tính gia đình, cá nhân cũng nên được thay đổi như bắt tay nhau khi đang ăn uống, dùng chung bát, đĩa… không phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại. |