Chiều 17-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng cho biết nội dung quan trọng của buổi họp này là lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương cho Dự thảo chỉ thị mới để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 mà Thủ tướng đã chỉ đạo. “Làm sao chỉ thị mới phải rõ ràng nhất để các địa phương có thể thực hiện được, không phải thắc mắc nhiều” - ông Đam nói.
Dự thảo chỉ thị mới do nhóm chuyên viên của Bộ Y tế soạn thảo. Dự kiến trong ngày mai dự thảo sẽ được trình lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình dự thảo mới về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trình bày dự thảo chỉ thị mới, ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết chỉ thị mới này có ba phần lớn. Trong đó có 14 điểm chính.
I. Các biện pháp áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc
1. Chính quyền các cấp, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện và quán triệt sâu sắc “chống dịch như chống giặc”, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân để chống dịch.
2. Tiếp tục kiên định thực hiện nguyên tắc phòng chống dịch, ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong, ngăn chặn kịp thời nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh đối với các cửa khẩu. Công dân Việt Nam ở nước ngoài tạm thời chưa về nước và tuân thủ qui định phòng chống dịch của nước sở tại.
3. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch ở cơ quan, công sở, đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở bảo trợ xã hội, công trường đang thi công. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nhân viên khi làm việc tại cơ quan, đơn vị.
“Chỉ thị này nói rõ chúng ta không phải dừng hoạt động tất cả cơ quan hành chính, chúng ta tiếp tục cho hoạt động nhưng người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn” - ông Long nói thêm.
4. Tăng cường năng lực, tập trung xét nghiệm tại các ổ dịch, nhóm người có nguy cơ cao, xử lý triệt để các ổ dịch. Tiếp tục thực hiện tốt cách ly, hạn chế lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung.
5. Bảo đảm khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, tổ chức phân luồng phân tuyến hợp lý, tuân thủ quy định về chống dịch ở các cơ sở y tế ngay khâu tiếp đón, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện, khám chữa bệnh từ xa và khám tại nhà, đảm bảo an toàn cho đội ngũ y tế, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết để sẵn sàng các tình huống dịch bệnh.
6. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị y tế.
7. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.
8. Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế thực sự cần thiết phải tổ chức, cấp ủy và người đứng đầu chính quyền địa phương quyết định nhưng phải làm theo hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
9. Yêu cầu mọi người tiếp tục đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc và không tập trung đông người.
10. Không tổ chức các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng đông người, tạm dừng các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí, du lịch, karaoke, quán bar, quán massage, vũ trường, sân vận động.
11. Người đứng đầu cơ quan đơn vị, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc do cơ quan đơn vị một cách phù hợp, không để chậm chễ công việc, nhất là công việc có thời hạn, thời hiện theo quy định của pháp luật và các dịch vụ công.
12. Các nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm, xăng dầu, điện, nước, nhiên liệu; cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, chứng khoán. Bưu chính viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa; khám chữa bệnh, tang lễ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở trên chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, nếu không đảm bảo an toàn phải dừng hoạt động.
13. Hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, xe phục vụ cho phòng chống dịch, xe ngoại giao, xe đưa đón công nhân, xe chuyên gia, xe chở công chức viên chức, xe chở người cách ly, xe phục vụ môi trường...
“Ngay từ đầu kể cả chỉ thị 15, 16 thì chúng ta chưa bao giờ cấm xe phục vụ chở hàng hóa, vật liệu phục vụ sản xuất. Các địa phương lưu ý”- ông Long nói.
14. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm hoặc có hành vi vi phạm các quy định về phòng chống dịch… kể cả xử phạt qua hình ảnh lưu giữ và xử lý hình sự.
II. Các biện pháp áp dụng cho từng nhóm nguy cơ
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân loại theo ba nhóm: nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Tất cả địa phương thuộc ba nhóm trên đều phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo 14 điểm chính trên và một số biện pháp sau quy định riêng đối với từng nhóm:
Nhóm nguy cơ cao: Yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn và làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại điểm 12 và 13 như mục I.
Không tập trung quá hai người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc (theo Chỉ thị 16).
Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; hạn chế giao thông liên tỉnh; sắp xếp giao thông nội tỉnh cho phù hợp. Đóng cửa các cơ sở cung ứng các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu.
Đối với nhóm có nguy cơ: Hạn chế người dân ra ngoài, không tập trung quá 10 người, khi ra ngoài phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như quy định ở trên; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc; hạn chế vận chuyển hành hành khách công cộng, vận chuyển liên tỉnh; khuyến cáo hạn chế vận chuyển hành khách nội tỉnh.
Hạn chế mở cửa các cửa hàng, cơ sở phục vụ các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu; hạn chế một số loại kinh doanh đường phố, lao động tự do trên đường phố. Việc này UBND các tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền nhưng phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ thấp: Khuyến khích người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; không tập trung quá 20 người nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiếu 1 m khi tiếp xúc; khuyến khích hạn chế vận chuyển hành khách công cộng, vận chuyển hành khách liên tỉnh; khuyến khích không mở cửa hàng phục vụ các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu và các hình thức kinh doanh, lao động tự do tự làm việc cũng phải đảm bảo các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
Tinh thần là theo ba mức độ: cao nhất là yêu cầu, thứ hai là hạn chế và thứ ba là khuyến khích.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Quy định cụ thể việc thực hiện cách ly xã hội và các biện pháp áp dụng trên địa bàn một cách phù hợp theo từng nhóm nguy cơ. Đối với nhóm có nguy cơ và nguy cơ thấp có thể áp dụng mức cao hơn theo hướng dẫn nhưng phải đảm bảo việc sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Quyết định công bố công khai các loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc công trình phải tạm đình chỉ hoạt động. "Vừa qua có một số địa phương báo cáo về Văn phòng Chính phủ xin ý kiến, thống nhất thẩm quyền quyết định những việc này thuộc về địa phương" - ông Long nói.