'Kiểm soát được dịch bệnh là kết quả rất đáng trân trọng'

Ngày 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ tư, cho ý kiến về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ hai, QH khóa XV.

Mong cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật

Trình bày dự thảo báo cáo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay cử tri và nhân dân cảm nhận sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban bí thư; sự ủng hộ và sáng kiến pháp luật của QH, UBTVQH; sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,
tại phiên họp. Ảnh: Đ.MINH

Cử tri và nhân dân cũng đánh giá cao các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng tuyến đầu, các nhà hảo tâm, tình nguyện viên…, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở ngày đêm bám địa bàn, bám dân, không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng hy sinh quên mình để phòng chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Kinh tế, sức khỏe cộng đồng, sức chống chịu của doanh nghiệp và người dân bị bào mòn, chỉ có lòng nhân ái, tình dân, nghĩa Đảng, lòng yêu nước thương nòi được nhân lên gấp bội” - ông Chiến nói.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, đến nay cơ bản kiểm soát được dịch bệnh là kết quả rất đáng trân trọng, nhiều quyết sách được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, cử tri cũng mong muốn các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân có trách nhiệm phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với một số nội dung chỉ đạo chưa sát với thực tiễn, thiếu thống nhất, những việc còn lúng túng, chậm trễ, bị động…

Giám sát việc trục lợi trong phòng chống dịch

Ông Đỗ Văn Chiến cho hay: Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời có các chính sách hỗ trợ về thuế, giãn, khoanh nợ ngân hàng, cho vay mới; giảm lãi suất ngân hàng, giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động… để doanh nghiệp có thể vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lao động mất việc làm lớn; một bộ phận người lao động nhận trợ cấp BHXH một lần, nhiều đối tượng chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội…

“Vẫn còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng chống dịch để trục lợi, gây bức xúc trong dân…” - ông Chiến nói và cho biết.

Phát biểu sau đó, Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 tác động rất mạnh mẽ, người dân có nhiều tâm trạng khác nhau.

Sau đợt bùng phát thứ tư của dịch bệnh, một số chỉ đạo, thực hiện của các địa phương đã gây ra một tâm trạng bất an cho bộ phận nhân dân. Ông Cường nêu lại việc vào tận nhà cưỡng chế người dân xét nghiệm, câu chuyện “bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu”, hay cuộc di dân chưa từng thấy từ năm 1975 trở lại đây…

Tổng thư ký QH đề nghị “phải xem xét để đánh giá” toàn bộ những việc này để thấy tâm trạng của người dân…

Đề xuất thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về đề xuất của Chính phủ phát triển khu thương mại tự do tại Hải Phòng.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, hiện khu thương mại tự do chưa được áp dụng ở Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đề cập đến khái niệm này.

Tuy nhiên, một số khu thương mại tự do thành công trên thế giới cho thấy việc hình thành khu thương mại tự do là một yêu cầu tất yếu.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: Việc quy định hình thành khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, chấp thuận về chủ trương trước khi trình QH xem xét, quyết định vì liên quan đến các chính sách đặc biệt về đất đai, quy hoạch, tổ chức chính quyền, ưu đãi đầu tư, thuế…

Đặc biệt, đối chiếu với mô hình đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Chính phủ đã trình QH năm 2018 cho thấy có nhiều điểm tương đồng về dự kiến đề xuất chính sách (đất đai, mô hình tổ chức, cơ chế tài chính). Tại thời điểm đó, nhiều đại biểu QH, dư luận cử tri đã đề nghị tạm dừng việc thông qua dự án luật.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về một số định hướng, nội hàm khái quát như nghiên cứu tiền khả thi để Bộ Chính trị chấp thuận về chủ trương. Ông Huệ lưu ý cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và Chính phủ trình QH quyết định vào thời gian phù hợp.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết QH về cơ chế đặc thù đối với Nghệ An và Thừa Thiên-Huế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm