“Từ nay đến năm 2015, Hà Nội, TP.HCM cần kiểm soát sử dụng xe cá nhân theo giờ tại trung tâm và trên các tuyến đường có lưu lượng xe lớn trong giờ cao điểm, đồng thời kết hợp tăng cường vận tải hành khách công cộng” - đây là giải pháp cấp bách vừa được Bộ GTVT đề xuất với Thủ tướng.
Vận tải cá nhân vẫn chiếm mức cao
Theo Bộ GTVT, hạ tầng giao thông đô thị hiện nay chưa tương ứng với sự phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân. Trong khi đó, phương tiện đi lại công cộng đáp ứng rất ít nhu cầu của người dân khiến các loại xe cá nhân ngày càng gia tăng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nạn kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM. Từ năm 2014, kinh tế có khả năng phục hồi, cộng thêm lộ trình giảm thuế theo cam kết với WTO và AFTA ngày càng gần, cơ hội gia tăng sở hữu xe ô tô cá nhân sẽ càng tăng. Trong khi đó, mãi đến năm 2020 mới chỉ có một vài tuyến metro, xe buýt khối lượng lớn (BRT) được đưa vào khai thác, đáp ứng rất khiêm tốn nhu cầu đi lại của người dân (chỉ 3%-5%).
Quan điểm về hạn chế xe máy đã được Bộ GTVT “nới” hơn (nếu quản lý tốt thì xe máy là một giải pháp, thay vì đề xuất cấm toàn bộ như trước đây). Ảnh: MP
Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, dự báo: “Chúng tôi cho rằng đến năm 2020 vận tải cá nhân ở Hà Nội và TP.HCM vẫn chiếm mức 75%-80%”. Ông cho biết thêm: “Quan điểm của Bộ GTVT xuyên suốt trong đề án trình Thủ tướng là không cấm, không hạn chế mà chỉ kiểm soát mức độ sử dụng xe cá nhân nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân”.
Hạn chế theo giờ ở nơi đông đúc
Theo ông Hùng, đề án lần này đặt nhiệm vụ phát triển hợp lý các loại hình vận tải theo mức độ phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng. Trong đó, ưu tiên phát triển xe buýt, metro... đồng thời điều tiết sử dụng hợp lý xe máy, ô tô theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
“Quản lý giao thông đô thị phải song song với quản lý xe cơ giới cá nhân và phát triển vận tải hành khách công cộng. Nếu có biện pháp quản lý tốt thì xe máy cũng là một giải pháp an toàn, thân thiện với môi trường” - ông Hùng nhấn mạnh. Đó là hai nhóm giải pháp quan trọng được đề án đặt ra trong giai đoạn đến năm 2020.
Riêng ở Hà Nội và TP.HCM, đề án yêu cầu trong giai đoạn đến năm 2015 cần giải quyết cấp bách việc thực hiện đúng tiến độ các dự án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, bao gồm BRT; tổ chức các điểm trung chuyển xe buýt, đảm bảo kết nối thuận lợi dịch vụ xe buýt đến tất cả nhà ga, bến xe khách liên tỉnh... Cạnh đó, các TP có thể thu phí xe cá nhân theo giờ cao điểm, trên các tuyến đường có lượng xe đông đúc.
“Bộ GTVT, Chính phủ chỉ định hướng bằng chủ trương chứ không xác định giải pháp cụ thể cho từng địa phương. Theo chủ trương đó, Hà Nội, TP.HCM thí điểm kiểm soát xe cá nhân tại một số khu vực nội thành trên cơ sở đã có sự thay thế của xe công cộng trước ngày 1-4-2015” - ông Hùng nói.
Ô tô ở Hà Nội, TP.HCM đang tăng vượt xe máy Theo Bộ GTVT, hằng năm lượng xe cá nhân ở cả năm TP Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ tăng rất nhanh. Tại Hà Nội, xe ô tô tăng bình 17%/năm, xe máy tăng 11%/năm. Tại TP.HCM, tỉ lệ này lần lượt là 15% và 9,8%. Ngoài một số biện pháp kiểm soát xe máy, ô tô cá nhân, đề án cho rằng cần khuyến khích đầu tư các điểm giữ xe đạp, xe đạp điện tại các quảng trường, công trình công cộng để vận động người dân sử dụng loại phương tiện này trong nội thành, đặc biệt là khu phố cổ. |
MINH PHONG