THỢ LẶN CỬA CẤM - BÀI 3

Kiếm sống trên miệng hà bá

Những rủi ro dễ xảy ra nhất là ống hơi bị nổ, máy nén khí đang chạy dở chứng. Cũng có khi là lúc thổi bùn đào hầm chui qua thân tàu để đặt cáp, nếu gặp phải nơi lòng sông nhiều cát, khi chui vào, cát ập xuống vùi luôn trong lòng sông...

Nghề nguy hiểm

Máy nén khí khởi động. Giang cầm đoạn ống hơi buộc quanh bụng, chụp chiếc mặt nạ vào, mình trần trùng trục nhảy ùm xuống lòng sông Cấm. Nước sông Cấm đỏ ngầu, anh lặn xuống, hai tay quờ quờ trước mặt, chân đạp nước liên tiếp, quét qua quét lại không lâu tay anh đã chạm vào vỏ con tàu đắm lật úp dưới đáy sông. Phải kiểm tra xem đất cát có chui khoang không rồi mới trục được. Giang ngoi lên cầm ống thổi bùn xuống chĩa vào đáy sông xẻ một đường hầm dưới lòng sông để chui vào khoang tàu. Vào trong, sờ vách tàu không thấy có đất, vẻ mừng rỡ vừa hiện chợt Giang tái mặt. Luồng hơi trong ống thở đã bị ngắt.

Biết có chuyện, Giang vội đưa tay túm ống hơi, theo hướng dây hơi nhào ra đường hầm. Đến bên miệng hầm, khí thở đã cạn, Giang cảm nhận cái chết đang đến gần mình. Đúng lúc tuyệt vọng ấy, bất ngờ anh phát hiện trong bụng tàu phía trên đầu có khoảng trống nhỏ không có nước. Tay Giang giật tung cái mặt nạ, ngoi đầu lên ngửa mặt hít một hơi thở. Trên tàu, mọi người phát hiện máy nén khí của Giang gặp sự cố, cả nhóm tái mặt, mường tượng đến chuyện chẳng lành. Họ vội vã nổ máy nén khí khác, một thợ lặn ôm mặt nạ, ống hơi dự phòng lao xuống đáy sông ứng cứu.

Kiếm sống trên miệng hà bá ảnh 1

Bữa ăn vội tranh thủ tại hiện trường. Ảnh: KIM LINH

Lúc này Giang đang hít chút không khí hiếm hoi sót trong bụng tàu. Chợt thấy một cánh tay chạm vào người và chiếc mặt nạ đưa đến. “Có đường sống rồi” - anh thầm reo. Giang vội chụp lấy mặt nạ mang vào đầu, thở phào. Anh đã thoát khỏi cái miệng háu đói của hà bá trong đường tơ kẽ tóc. Lên đến tàu, cả nhóm thợ lặn nhào ra ôm lấy anh nghẹn ngào.

Tai nạn như vậy luôn rình rập những người thợ lặn. Chỉ một trục trặc nhỏ, rủi ro ập đến, họ có thể mất mạng trong giây lát. Luôn đối mặt với nguy hiểm nhưng trang bị của những người thợ lặn nghèo nàn đến khó tin. Trang bị đáng giá duy nhất của họ là chiếc mặt nạ có ống cấp hơi thở khi xuống nước. Quần áo lặn hay chân vịt người nhái với họ là thứ xa xỉ. Bất kể xuống sông hay lặn biển, họ chỉ độc một bộ quần áo cộc, thậm chí cởi trần trùng trục. Cho nên dù không bị tử thần gọi tên nhưng bị sắt cứa vào người, hay vỏ hà bám ở thân tàu cào rách da thịt là chuyện xảy ra như cơm bữa. Chân tay, thân thể những người thợ lặn chi chít những vết sẹo do những vết thương rách da, rách thịt.

Mất mạng vì mưu sinh

Hai tàu trục vớt dừng lại ở vụng Quỳnh trên sông Cấm đoạn chảy qua khu Quán Toan. Nhóm thợ trục vớt túa ra mặt boong, mang đồ nghề chuẩn bị trục vớt một tàu chở đá bị đắm trên sông. Ba thợ lặn trẻ sung sức là Hùng, Thủy và Chinh ôm theo mặt nạ, ống hơi ra mạn tàu lao xuống sông. Chỉ vài cú đạp nước họ đã tiếp cận tàu đắm. Đây là loại tàu nhỏ chỉ cần đi hai đường cáp ngang thân là kéo lên được. Khảo sát xong, họ trồi lên mang theo ống thổi bùn thay phiên nhau xuống tạo rãnh lắp cáp.

Sau khi Chinh làm xong một đường cáp, Hùng cầm ống hơi và thuốn sắt xuống tiếp tục thổi rãnh thứ hai. Không ngờ đây là lần lặn cuối cùng của anh. Qua nửa giờ đồng hồ, một đoạn hầm dài chừng 60 cm được tạo ra. Rãnh khoét tới đâu Hùng cầm đầu ống thổi bùn trườn theo tới đó, cây thuốn sắt cắm ngay bên sườn. Mọi việc đang suôn sẻ bỗng nhiên chiếc máy cấp hơi thở cho anh bị tuột dây curoa. Lập tức hơi cấp qua mặt nạ cho Hùng bị đình trệ. Anh hoảng hốt, tháo mặt nạ trườn ngược lại, định nín thở thoát khốn.

Kiếm sống trên miệng hà bá ảnh 2

Ngồi canh chừng dây cấp hơi cho thợ lặn xuống đáy sông. Ảnh: KIM LINH

Nhưng đúng lúc này, sợi dây hơi buộc quanh bụng anh bị quấn vào cây thuốn sắt, mắc cứng tại đó, giữ chặt Hùng lại. Dù anh cố gắng giật dây hơi ra nhưng không thoát ra nổi. Vùng vẫy chốc lát, Hùng đành thúc thủ, toàn thân vô lực, buông thõng. Tới khi Chinh từ tàu lặn xuống ứng cứu thì Hùng chỉ còn là cái xác tái nhợt. Những thợ lặn nói nếu Hùng bình tĩnh tháo sợi dây hơi buộc quanh bụng ra, rồi tháo mặt nạ vọt lên thì có lẽ anh đã không đi vào tử lộ.

Ở khu vực này trước đó chưa đầy một năm, một thợ lặn trẻ măng cũng đã mất mạng khi mới 14 tuổi. Sáng đó, hai anh em Dự và Nam đi chiếc thuyền gỗ nhỏ ra đây lặn tìm sắt vụn. Sau khi Nam lặn xong thì đến phiên Dự xuống. Lúc này Nam ở trên giữ ống hơi và dây thừng định vị. Dự xuống một lát đưa lên hai cục sắt chừng hơn 30 kg. Chừng một tiếng sau, Nam thấy Dự trồi lên khỏi mặt nước, trườn lên mặt thuyền, giật cái mặt nạ ra kêu: “Nam ơi, cứu anh, anh bị sao ấy!”. Sau tiếng kêu Dự nằm gục xuống ván thuyền. Nam gọi xe cấp cứu nhưng đã trễ. Trong lúc lặn, Dự bị tai biến mà mất mạng.

Thỉnh thoảng xóm chài lại ảo não bởi một thợ lặn đột ngột ra đi khi đang mưu sinh. Lê Văn Giang kể anh từng bất lực đứng nhìn thằng Thạch, cháu mình ngộ nạn. Lúc ấy Thạch mới 16 tuổi, được đưa theo ra biển Quảng Ninh mò sắt vụn. Đang lúc Thạch tìm được một đống thép lớn thì ở trên ống hơi tụt khỏi bình khí. Đến khi các anh cắm được ống hơi vào, Thạch chỉ còn là cái xác nổi lên trên mặt nước. Áp suất nước quá lớn khiến cho tai, mũi Thạch rỉ máu, hai con mắt lồi ra hết sức thương tâm. Cái chết của anh Nguyễn Văn Lợi cũng thương tâm không kém. Lúc đó anh đang chui dưới lòng sông khoét đường hầm đặt cáp. Nhưng đáy sông phần nhiều là cát, khoét được nửa đường thì cát từ hai bên ụp xuống vùi anh trong đó.

Chỉ cần một chút sơ sểnh hay máy móc gặp sự cố, lập tức phải đổi một mạng người. Không ai thống kê đã có bao nhiêu thợ lặn không may bỏ mạng nhưng có lẽ cũng gần đạt tới con số 20. “Đã làm thợ lặn, không biết sống chết lúc nào. Ai cũng từng một vài lần gặp sự cố, may mắn thì thoát chết” - Giang cảm khái nói về công việc. “Biết là nguy hiểm nhưng dân chài bọn tôi chữ nghĩa không có, nghề ngỗng cũng không, chỉ biết liều mạng kiếm sống bằng công việc này”.

KIM LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm