THỢ LẶN CỬA CẤM - BÀI 2:

“Chuyên gia” vớt xác

Con sông Tam Bạc vốn quanh năm trơ đáy nhưng vào mùa nước nổi, phù sa ngầu đỏ dềnh cao mấp mé đường. Trên mặt sông, ba cậu nhóc chừng 13-14 tuổi đang vừa bơi vừa nô đùa hỉ hả. Bỗng một cậu bé đang ở giữa dòng bị tụt xuống nước, cánh tay giơ lên vô vọng. Hai cậu bạn sợ hãi nhào vào bờ kêu cứu. Cả xóm bờ sông nhốn nháo, lẫn trong những gương mặt lo lắng, mẹ cậu bé mắt đỏ hoe, tiếng khóc tắc nghẹn, còn người cha đứng chết lặng nhìn dòng nước cả.

Bổn phận dân chài

“Có người chết đuối!”. Nhóm thợ lặn đang ngồi trên tàu gần đó chạy vù tới. Không nghĩ ngợi, Lê Văn Giang (45 tuổi) cởi áo, nhảy ùm xuống sông. Hai thợ lặn trẻ Nam và Tràng cũng phóng theo. Mấy sải tay, họ đã tới nơi cậu bé chìm, lặn xuống tìm kiếm. Chốc chốc họ lại ngoi lên lấy hơi rồi ngụp xuống. Hơn chục lần trồi lên rồi thụt xuống, Giang nổi lên mặt nước, tay ôm theo cậu bé lúc này đã tái nhợt vào bờ. Dù họ ra tay rất nhanh nhưng vẫn chậm hơn hà bá.

“Chuyên gia” vớt xác ảnh 1

Chuẩn bị mặt nạ và dây hơi trước khi lặn.

Một năm trước, nhóm thợ lặn này cũng đã có mặt tìm dò ngang quét dọc một quãng sông Cấm ở khu Quán Toan để tìm kiếm thi thể cho một công nhân cơ khí. Anh này sau giờ làm ra sông tắm, mới bơi được một quãng thì bị chuột rút, chìm xuống nước. Người ta gọi ngay nhóm thợ lặn tìm kiếm nạn nhân. Giang dẫn theo năm người đi thuyền máy mang theo đồ nghề là mặt nạ, ống hơi tới khu vực. Sau 8 giờ đồng hồ lặn, đến nửa đêm các anh mới tìm được thi thể người công nhân kia.

Giang và những thợ lặn xóm chài cửa Cấm đã quen với công việc lặn sông tìm xác người từ hàng chục năm nay. Lần đầu tiên Giang vớt xác người cách đây hơn 20 năm. Đang mò sắt vụn trên gần bến cảng, một thủy thủ trên tàu gần đó sa chân rơi xuống sông, bị cuốn vào gầm tàu. Khi anh tìm thấy thì người thủy thủ chỉ còn là cái xác dưới đuôi tàu. “Chẳng ai muốn làm việc này nhưng cũng không tránh được. Gia đình người ta mất đi thân nhân, họ cũng chỉ biết cầu cứu dân chài bọn tôi, từ chối sao được” - Giang nói. Quanh vùng cửa Cấm, từ lâu, khi có người xấu số bị hà bá cướp đi sinh mạng, gia đình nạn nhân chỉ biết nhờ cậy vào nhóm thợ lặn xóm chài tìm kiếm xác.

Mẹo mực trong nghề

Hơn chục năm trước, một tàu cá xa bờ gặp bão đã chìm ở vùng biển gần đảo Cô Tô (Quảng Ninh), mang theo 12 ngư dân xuống biển. Vài ngày sau đó, 10 thợ lặn cửa Cấm tức tốc lên đường ra hiện trường. Trong số thợ lặn ấy có một cậu bé tên Tràng chỉ chừng 15 tuổi, da đen săn chắc. Cậu được cha cho theo vừa làm vừa học kinh nghiệm của nghề thợ lặn. Tới nơi, những người thợ lặn lập tức bắt đầu công việc. Chờ Tràng quấn dây hơi quanh bụng, chuẩn bị chụp mặt nạ vào đầu, ông Giang dặn dò con: “Xuống sâu thấy tức ngực, lùng bùng tai phải lên ngay”.

“Chuyên gia” vớt xác ảnh 2

Đi thuyền nhỏ ra lặn tìm kiếm nạn nhân.

Lát sau, Tràng đã theo nhóm thợ lặn tiếp cận con tàu gỗ dưới đáy biển sâu hàng chục sải nước. Những gì Tràng thấy khiến cậu không khỏi giật mình. 12 thi thể ngư dân trương phềnh lờ lững trong cabin. Mà cửa cabin bị xô lệch co hẹp lại, không thể đưa những thi thể này qua. Lên tàu bàn tính một hồi, họ liền mang sợi dây cáp thép lặn xuống cột chặt cabin tàu đắm. Máy tời quay mạnh, giật tung cabin, thi thể những ngư dân xấu số nổi lên mặt biển, thợ lặn chỉ việc bơi ra ôm lên thuyền.

Nhờ những lần theo cha học nghề như vậy, Tràng đã tích lũy được không ít kinh nghiệm của nghề lặn. Từ những mẹo đưa xác lên khỏi tàu đắm, cách chuyển xác để còn nguyên vẹn, không bị rữa cậu đều học từng chút một. Bây giờ Tràng đã 27 tuổi, anh được mệnh danh là “chuyên gia vớt xác” ở vùng cửa Cấm.

Bằng kinh nghiệm thực tế, khi tiếp cận người chết, những thợ vớt xác phải xem xét thi thể họ đã ngâm nước bao lâu, phân hủy đến đâu. Xác chết đã thối rữa hoặc bị cá rỉa, họ phải mang võng xuống gói lại rồi mới ròng cáp kéo lên. Có khi họ trực tiếp ôm xác chết bơi lên mặt nước. Nếu không làm cẩn thận, khi kéo lên thi thể nạn nhân bị rữa ra những mảnh nhỏ. Đưa xác chết lên thuyền, các anh thường lấy khăn thấm khô và thay cho người xấu số bộ quần áo mới.

Nghiệp gắn với nghề

Những thợ lặn xóm chài từ khi gắn với nghề trục vớt tàu càng thường xuyên làm công việc mò xác người. “Những tàu đắm có thuyền viên chìm theo, chúng tôi phải lặn xuống đưa thi thể người ta lên, sau đó mới trục vớt tàu” - Lê Văn Hiển, đội trưởng trục vớt tàu của nhóm thợ lặn sông Cấm, nói. Trong nhóm trục vớt tàu Mạnh Nam, ngoài vài người lái tàu và thợ kéo cáp ít kinh nghiệm bơi lặn, còn lại cả thợ và chủ đều từng tham gia vớt xác. Làm trục vớt thì công việc vớt xác là nghiệp khó tránh.

“Chuyên gia” vớt xác ảnh 3

Thợ lặn đưa cáp xuống đáy sông.

Hiển kể có lần nhóm của anh đi trục vớt một tàu bị đâm chìm ở gần đảo Long Châu trên vùng biển Cát Bà. Lúc thuê, khách hàng giấu nhẹm việc có ngư dân tử nạn theo tàu. Ra đến nơi họ mang dao, kiếm đe dọa rồi buộc các anh phải tìm kiếm ba tử thi trước. “Nghề của bọn em rồi, không cần ép bọn em cũng làm” - nhóm thợ lặn bất ngờ đáp ứng liền. Ba thợ lặn khảo sát, thấy ba thi thể còn đang lập lờ trong cabin và khoang máy. Những thi thể này đã ngâm nước cả tuần, trương phềnh và phân hủy, không thể đưa qua cửa tàu. Thợ lặn phải lấy dây thừng buộc chân tay người tử nạn lại mới đưa qua cửa tàu kéo lên bờ. Lên đến nơi, vài phần trên tử thi đã thối rữa, tử khí nồng nặc. Một số da và tóc đầu dính vào bàn tay thợ lặn khiến họ không khỏi kinh sợ. Ba thợ lặn vớ chai rượu trắng tu ừng ực để trấn tĩnh.

“Khi tiếp cận thi thể người chết, gặp luồng nước rất lạnh nên làm công việc này, ngoài tài bơi lặn còn phải không biết sợ người chết” - Hiển nói. Có lần các anh lặn xuống thì thấy thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn vì lúc rơi xuống sông đã bị chân vịt tàu chém đứt. Để dằn bớt cảm giác sợ hãi, trước khi lặn xuống, các anh thường thắp trước nén nhang cho người xấu số.

Những thợ lặn coi việc vớt xác như bổn phận. Họ không đòi hỏi, không cò kè với gia đình nạn nhân. Khi xong việc, gia đình người ta muốn bồi dưỡng thế nào tùy tâm. “Gia đình người ta còn đang có chuyện đau buồn nên cũng chẳng dám đòi hỏi gì” - Hiển cho hay. Thậm chí có gia đình khó khăn các anh chỉ làm phúc, không lấy tiền. Hàng chục năm đi khắp các cửa sông, các vùng biển trục vớt tàu đắm và vớt xác người, những thợ lặn cửa Cấm không thể nhớ nổi đã đưa được bao nhiêu thi thể người xấu số lên. Họ chỉ ang áng chắc không dưới con số 100.

KIM LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm