Sáng 8-5, Sở Xây dựng TP.HCM cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM tổ chức mít tinh hưởng ứng tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn TP năm 2024.
Lễ mít tinh được tổ chức tại công trình xây Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cơ sở 2, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Tháng hành động năm 2024 có chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng". Mục đích là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động xây dựng. Đồng thời, thúc đẩy công tác quản lý về an toàn vệ sinh lao động của các cơ quan chuyên môn về xây dựng, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng.
Trong đó, chương trình sẽ tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và thi công xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh có sử dụng máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Tại lễ phát động, ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM thông tin: Trong năm 2023, trên địa TP.HCM đã xảy ra 703 vụ tai nạn lao động (giảm 100 vụ so với năm 2022).
Trong đó, có 700 vụ tai nạn lao động xảy ra tại các cơ sở, doanh nghiệp có trụ sở hoạt động trên địa bàn TP, ba vụ xảy ra tại các doanh nghiệp có trụ sở hoạt động tại các tỉnh khác nhưng tổ chức hoạt động trên địa bàn TP. Số người lao động chết, bị thương là 713 người, giảm 119 người so với năm 2022.
Lĩnh vực xây dựng vẫn chiếm tỉ lệ cao về số vụ tai nạn gây chết người. Cụ thể, năm 2023 xảy ra chín vụ trên tổng số 44 vụ tai nạn lao động chết người.
"Trong tháng hành động, Sở Xây dựng TP sẽ tổ chức kiểm tra an toàn điện của hệ thống chiếu sáng đô thị, kiểm tra khoảng 20 công trình trên địa bàn TP về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động" - ông Nguyễn Thanh Xuyên thông tin.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM, nhìn nhận: "Ban luôn xác định rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình thi công có thể gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động và tiến độ dự án.
"Chúng tôi yêu cầu nhà thầu phải chú trọng đầu tư các trang thiết bị, thường xuyên kiểm định các máy móc để đảm bảo an toàn lao động.
Bên cạnh đó, thường xuyên tập huấn, hướng dẫn quy định về công tác đảm bảo an toàn cho người lao động và xử lý các tình huống tai nạn lao động có thể xảy ra.
Đặc biệt, xây dựng phương án ngăn ngừa tai nạn có thể xảy ra trên công trường, tăng cường lắp đặt các biển báo, cảnh báo ở những nơi nguy hiểm" - ông Dũng nói.