Kiện bạn hàng vì cái máy vặt lông vịt

(PLO)- Cho rằng máy vặt lông vịt - phương tiện kiếm sống chính của gia đình mình bị chiếm giữ, gây thiệt hại về kinh tế nên bà L đã khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản bị xâm phạm giữa nguyên đơn là bà Huỳnh Thị L (sinh năm 1967) và bị đơn là bà Lê Thị S (sinh năm 1981), cùng ngụ huyện Phú Ninh.

Mua giúp máy rồi đòi lại

Theo bà L trình bày, bà có mua của bà S máy vặt lông vịt với giá 6,5 triệu đồng, đã đặt cọc 2 triệu đồng. Sáng 27-2-2019, xe thồ chở máy đến nhưng do không có ai ở nhà nên người này tự bỏ máy vào sân nhà bà.

Tối cùng ngày, bà S chở vịt đến bán thì bà L trả hết phần tiền còn lại và 200.000 đồng tiền mướn xe thồ. Như vậy, bà đã trả cho bà S đủ tiền mua máy nên máy vặt lông vịt đã thuộc quyền sở hữu của bà.

Khoảng 20 giờ ngày 11-7-2019, trong lúc bà L không có nhà, bà S đã dùng hành vi gian dối để dối gạt chồng bà rồi ngang nhiên chiếm máy. Chiều 12-7-2019, bà L đi Đà Nẵng về thì không thấy máy đâu.

Chồng bà kể lại, do bà S nói với ông rằng bà L còn nợ tiền mua máy, có giấy tờ, cơ sở đầy đủ nên ông tin và tháo dây điện nối cầu dao của máy để bà S mang đi. Bà L sau đó gửi đơn đến Công an huyện Phú Ninh và được trả lại máy vào ngày 28-8-2020.

Bà L cho rằng máy vặt lông vịt là phương tiện kiếm sống chính của gia đình mình, việc bà S chiếm giữ máy vặt lông vịt trong thời gian từ ngày 11-7-2019 đến 28-8-2020 đã gây thiệt hại về kinh tế, tổn thất về tinh thần cho bà và gia đình.

Do đó, bà khởi kiện yêu cầu bà S bồi thường số tiền 207 triệu đồng do bị chiếm máy 414 ngày, mỗi ngày bị thiệt hại 500.000 đồng; trả lại 200.000 đồng tiền thuê xe thồ chở máy từ trụ sở Công an huyện Phú Ninh về nhà.

Ngoài ra, bà S còn phải có trách nhiệm sửa chữa máy vặt lông vịt bị hư hỏng và bồi thường tổn thất về tinh thần, danh dự cho bà và gia đình.

Bà L yêu cầu bồi thường về tổn thất tinh thần nhưng không cụ thể, không có chứng cứ chứng minh thiệt hại nên không được tòa chấp nhận.

Tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Phú Ninh tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà S phải bồi thường cho bà L gần 21 triệu đồng, gồm khoản tiền giảm sút thu nhập hơn 20 triệu đồng, tiền thuê xe thồ vận chuyển máy 200.000 đồng.

Bà L sau đó kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và rút một phần yêu cầu khởi kiện liên quan đến việc buộc bị đơn phải sửa chữa máy vặt lông vịt tại phiên tòa phúc thẩm.

Theo HĐXX phúc thẩm, tòa cấp sơ thẩm xác định ngày 11-7-2019, bà S có hành vi xâm phạm quyền chiếm hữu tài sản (máy vặt lông vịt) của bà L, làm cho bà không sử dụng được máy trong lao động hằng ngày là có cơ sở. Thời gian chiếm giữ máy được xác định là 414 ngày.

Ngoài ra, bà L còn xuất trình chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền xác nhận nghỉ buôn bán tại chợ. HĐXX xét thấy thời điểm nghỉ buôn bán của nguyên đơn liền sau ngày bị đơn xâm phạm quyền chiếm hữu tài sản và trước ngày nguyên đơn nhận lại máy vặt lông vịt. Vì vậy, bà L yêu cầu bồi thường toàn bộ thu nhập bị mất trong thời gian nghỉ buôn bán là có căn cứ.

HĐXX phúc thẩm có đủ cơ sở để xác định tổng thiệt hại về thu nhập của nguyên đơn là hơn 36 triệu đồng. Ngoài ra, tòa sơ thẩm xác định số tiền 200.000 đồng bà L thuê xe chở máy vặt lông vịt về nhà là có căn cứ.

Về tổn thất tinh thần, danh dự, nhân phẩm, do bà L không yêu cầu cụ thể và không có chứng cứ chứng minh thiệt hại tổn thất nên việc tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về nội dung này là có căn cứ và đúng quy định.

Từ đó, HĐXX phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, buộc bà S phải bồi thường cho bà L hơn 36 triệu đồng.

Bị đơn mâu thuẫn về quan điểm trình bày

Sau khi bị khởi kiện, phía bị đơn cho rằng nội dung khởi kiện là không có cơ sở nên không chấp nhận. Lý do bà S đưa ra là bà L còn nợ tiền mua máy và tiền thuê xe thồ chở máy nên máy vẫn thuộc quyền sở hữu của bà S.

Ngoài ra, bà L còn nợ bà S khoản tiền mua bán vịt và một khoản tiền vay mà không chịu trả nên bà lấy lại máy để buộc bà L phải trả nợ. Bà S cũng yêu cầu tòa buộc bà L phải trả số tiền nêu trên, nếu không thì trả lại máy vặt lông vịt cho bà.

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định bà S cho rằng do bà L còn nợ tiền mua máy vặt lông vịt nên máy thuộc quyền sở hữu của bà nhưng lại đồng thời yêu cầu bà L trả khoản nợ mua máy là mâu thuẫn về quan điểm trình bày, không phù hợp với thực tế và không có căn cứ pháp luật.

Ngoài ra, bà S không có chứng cứ chứng minh bà L đồng ý để bà S chở máy vặt lông vịt về nên không có cơ sở xác định bà L có lỗi trong hành vi xâm phạm tài sản mà bà S đã thực hiện.

Từ đó, HĐXX phúc thẩm đã tuyên án như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm