Kiện chủ ruộng kế bên vì… mất mùa lúa

Ông N. có thửa đất rộng hơn 10.000 m2, tọa lạc tại ấp 2, xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Giáp ranh với phần đất của ông N. là thửa đất ruộng của ông V. Hai gia đình canh tác trồng lúa nhiều năm trước không xảy ra xích mích, cãi cọ gì.

Nhưng đến ngày 6-10-2015 âm lịch, ông N. sạ vụ lúa mới trên ruộng của mình trong khi ruộng của ông V. sạ trước đó bốn ngày. Lần gieo trồng này lúa của ông N. không đạt năng suất như ông mong muốn và ước tính. Sau một thời gian nghiên cứu nguyên nhân mất mùa, ông N. cho rằng lúa năng suất thấp là do ông V. làm ảnh hưởng tới. Từ đó ông N. đâm đơn ra TAND huyện Cái Bè khởi kiện yêu cầu ông V. phải bồi thường thiệt hại. Lý do ông V. đã thả nước tràn qua ruộng của ông khiến lúa ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển, kéo theo là giảm năng suất đáng kể.

Trong đơn khởi kiện và trình bày của mình, ông N. cho rằng thời điểm đó ông V. có hỏi ông để khơi nước qua ruộng nhưng ông không đồng ý. Vào đêm 8 và 9-10-2015 âm lịch, ông V. đã thả nước vào ruộng của mình rồi tự ý đào ranh giáp với đất của ông N. Mục đích của việc này là để cho nước tràn qua ruộng của ông N. Đến hôm sau có người cùng ấp báo thì ông N. mới biết ruộng lúa của mình ngập băng nước. Ông N. lập tức đến xả nước ra để cứu lúa, thấy cây lúa yếu ông còn phải xịt thuốc, rải phân để phục hồi lại.

Đến đêm 15 rạng sáng 16-10-2015 âm lịch, ông V. lại tiếp tục thả nước tràn qua ruộng của ông N. nhưng không may là hôm đó do thủy triều cao nên ông N. không tháo nước ra được để cứu ruộng lúa như lần trước. Canh me mãi đến bảy ngày sau khi thủy triều rút thấp thì ông N. mới tháo nước trong ruộng ra được. Đợt này do bị ngập nước lâu ngày nên cả ruộng lúa rộng của ông N. bị thiệt hại khoảng 80%.

Cũng theo ông N., ngay sau đó ông có nộp đơn yêu cầu UBND xã Mỹ Tân giải quyết, buộc ông V. phải bồi thường với số tiền hơn 30 triệu đồng nhưng ông V. không đồng ý. Không còn cách nào khác ông N. đã khởi kiện ra TAND huyện Cái Bè yêu cầu ông V. phải bồi thường thiệt hại với số tiền nêu trên.

Trong khi ông V. không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông N. vì cho rằng vào ngày 15-10-2015 âm lịch, do ống bọng kinh Bà Sáu bị vỡ nên nước mới tràn vào khu vực ruộng lúa. Việc ngập úng xảy ra ở các ruộng cả khu, trong đó có cả ruộng của ông và ông N. Nhưng do ruộng của ông N. thấp hơn và ông N. không tìm cách dùng máy bơm tháo nước ra nên lúa mới bị ngập úng. Như vậy nguyên nhân mất mùa lúa không phải do ông gây ra nên ông không đồng ý bồi thường 30 triệu đồng theo đơn kiện của ông N.

Tháng 9-2017, TAND huyện Cái Bè xử sơ thẩm vụ kiện. HĐXX nhận định căn cứ vào biên bản xác minh từ UBND xã Mỹ Tân và các hộ xung quanh đều khẳng định ngày 15-10-2015 âm lịch do thủy triều lên cao nên ống bọng kinh Bà Sáu bị vỡ. Nước tràn qua bờ kinh chảy vào ruộng của các hộ ở xung quanh khu vực, trong đó có ruộng của ông N. và ông V. Do ruộng của ông N. thấp hơn các ruộng xung quanh và ông N. không dùng máy bơm để bơm nước ra ngay, dẫn đến cả ruộng bị ngập nước và lúa chết.

Tuy nhiên, diện tích lúa bị thiệt hại không phải là 80% như ông N. trình bày mà chỉ là 20% (tức 80% diện tích lúa còn sống). Cũng theo tòa, sau khi xảy ra sự cố, ông N. có bỏ công ra dặm lúa và cuối mùa năng suất lúa của ông vẫn đạt như các hộ xung quanh. Từ đó, HĐXX sơ thẩm đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N. vì ông V. không có lỗi trong việc ruộng lúa bị chết.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm này, ông N. kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm sửa án theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông.

Tháng 11-2017, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm vụ kiện đã tuyên xử không chấp nhận kháng cáo của ông N., giữ y án sơ thẩm. Tại tòa ông N. không đưa ra được chứng cứ nào khác chứng minh rằng ông V. có lỗi trong việc ruộng lúa của mình bị ngập và năng suất lúa bị giảm 80%. Các lập luận, nhận định của tòa phúc thẩm để bác yêu cầu khởi kiện cũng tương tự như tòa sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm