Kiện hàng xóm đòi bồi thường vì để nước sông tràn tự do vào… ao tôm công nghiệp nhà mình

(PLO)- Cho rằng hàng xóm không gia cố bờ đất, nước thủy triều dâng cao gây bể bờ, tràn nước sông vào ao tôm công nghiệp nhà mình khiến tôm chết nên nguyên đơn đã khởi kiện đòi bồi thường.

Vừa qua, TAND tỉnh Cà Mau đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm giữa nguyên đơn là ông L, bị đơn là vợ chồng ông P.

Một ao tôm công nghiệp ở Cà Mau. Ảnh: TRẦN VŨ

Nước sông dâng cao tràn vào ao tôm công nghiệp

Theo hồ sơ, ông L trình bày, ông có phần đất giáp với đất của ông Y, đất ông Y giáp đất ông C, kế đến đất ông C giáp đất của vợ chồng ông P (bị đơn). Ông L nuôi hai ao tôm công nghiệp trên đất này.

Tháng 6-2023, bờ hậu đất ông P bị sụp một đoạn nhỏ nhưng không bị tràn nước, ông P thuê xáng gia cố khắc phục xong. Sau đó, ông thấy chỗ gia cố bị thấp, không có chân bờ, bờ ngang khoảng hơn 1m bị yếu nên ông đến nhà ông P nhắc nhở việc gia cố lại đoạn này vì ông sợ bờ bị bể làm ảnh hưởng đến ao tôm công nghiệp của ông.

Ông P nói sẽ làm nhưng không làm dẫn đến nước dâng cao vào đêm ngày 5, sáng ngày 6-10-2023 âm lịch (ngày 17, 18-11-2023 dương lịch) làm bể bờ đất của ông P, đoạn bể ngay vị trí ông đã nhắc gia cố thêm.

Nước ngoài sông tràn vào đất ông P, tràn qua đất ông C, ông Y và tràn qua đất ông. Nước chảy vào ao tôm công nghiệp của ông 4 tấc nước. Sau đó, ông đánh thuốc xử lý diệt khuẩn, thuốc phòng bệnh gan, ruột tăng lên gấp đôi, tiếp tục nuôi thêm hai ngày thì tôm có hiện tượng hư gan, ruột.

Vì vậy ngày 20-11-2023, ông bắt bán hết tôm trong hầm. Số tôm bán được 2 tấn, với số tiền 105 triệu. Tiền đầu tư nuôi tôm trong 40 ngày gồm tiền tôm giống, thuốc, thức ăn, điện là gần 263 triệu. Như vậy, số tiền bị thiệt hại là gần 158 triệu, ông L yêu cầu vợ chồng ông P phải bồi thường.

Phía bị đơn xác nhận bờ đất có từng bị sụp chân và đã thuê xáng làm lại… Sau đó, ông L và ấp có lại nhà nhắc nhở đến mùa nước lên cao cần gia cố thêm. Ông bà thấy chỗ mới gia cố bờ cao, không bị mọi và cũng đi thuê xáng lại gia cố thêm nhưng mới kêu được hai ngày, xáng chưa vào làm thì ngày 5-10-2023 âm lịch, thủy triều ngoài sông dâng cao nên bị bể bờ ngay vị trí này. Sau khi bị bể bờ thì ông bà thuê xáng làm liền, khắc phục lại trong ngày.

Ngoài ra, ông bà đã lớn tuổi, điều kiện kinh tế khó khăn nên không có tiền gia cố bờ bao thường xuyên. Sự việc bể bờ do mực nước lên cao đột ngột, ngoài ý muốn, ông bà cũng không muốn chuyện này xảy ra nên không đồng ý bồi thường cho ông L và ông C.

Ông C có yêu cầu độc lập đòi bồi thường 25 triệu tiền tôm giống, cua giống và thuốc xử lý…

Không chứng minh được thiệt hại

Xử sơ thẩm, TAND huyện Năm Căn không chấp nhận khởi kiện của ông L; không chấp nhận yêu cầu độc lập của ông C. Sau đó cả hai ông này kháng cáo theo hướng chấp nhận yêu cầu của các ông.

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Cà Mau xác định, vào đêm 17, sáng 18-11-2023, thủy triều dâng cao làm nước tràn bờ phần đất của ông P đoạn giáp kênh Năm Cùng, đoạn bờ bị bể dài 6m, sâu 1,5m và ngang 2m. Nước tràn tự do vào đất của ông P, sau đó tràn qua bờ đất của ông C, nước từ vuông ông C tràn qua bờ đất ông Y, kế đến tràn qua bờ đất ao tôm công nghiệp của ông L (nguyên đơn).

Nguyên nhân bể bờ đất của ông P một phần do triều cường nước sông dâng cao đột ngột và một phần do sự cẩu thả của vợ chồng ông P. Tuy nhiên, bản thân ông L, ông C nuôi tôm, cua thì các ông cũng phải tự bao bờ, quản lý các tài sản của chính mình và tự gia cố phần bờ của mình nên các ông cũng có một phần lỗi.

Ngoài ra, tòa cho rằng phần đất của ông L cách đất ông P đến hai phần đất của ông Y và C. Như vậy, một phần nguyên nhân cũng do bờ đất của các ông C, Y, L còn thấp làm nước tràn vào ao tôm công nghiệp của ông L chứ không phải lỗi hoàn toàn của vợ chồng ông P.

Xét kháng cáo, tòa cho rằng ông L, C không chứng minh được số lượng tôm, cua nuôi trong ao, vuông trước khi bị nước tràn là bao nhiêu và sau khi bị nước tràn thì còn lại bao nhiêu, số lượng từng loại cụ thể bị chết bao nhiêu, giá trị, nguyên nhân chết…

Ông L đã bán hết tôm trong ao nhưng không chứng minh được nguyên nhân gì khiến tôm bị hư gan, ruột, bỏ ăn và cũng chưa được cơ quan chuyên môn giám định làm rõ; không chứng minh được chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại…

Do hai ông không chứng minh được sau khi nước tràn thì thiệt hại cụ thể như nào nên cấp sơ thẩm không có căn cứ chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm các ông cũng không cung cấp thêm tài liệu gì mới. Vì vậy, tòa phúc thẩm đã tuyên bác kháng cáo, giữ y án sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới