Phản ánh đến PLO, ông Trịnh Văn Chung, một trong số phụ huynh của 173 học sinh (khóa 36, niên khóa 2019-2021) trong vụ việc hàng trăm học sinh bị buộc thôi học tại Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), cho biết đã ba năm rồi những vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng.
"Vì sai phạm của Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương mà kết quả học tập của 173 em học sinh thành công cốc", ông Chung nói.
Phụ huynh muốn được bồi thường cho 2 năm đi học công cốc
Còn nhớ cuối năm 2021, vì nhà trường sai phạm trong công tác tuyển sinh mà 173 học sinh (HS) Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương bị buộc thôi học giữa chừng (đã học được hai năm).
Theo ông Trịnh Văn Chung, đã 3 năm trôi qua kể từ ngày Trường bỏ ngang việc dạy văn hóa cho các em học sinh, đến giờ phía nhà trường và cơ quan chủ quản chưa bồi thường cho những thiệt hại của các em học sinh.
Cũng theo ông Chung, năm 2019, các em học sinh đăng ký học tại Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương, với chương trình đạo tạo song song văn hóa và nghề. Khi ra trường các em học sinh sẽ có hai bằng (bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề).
Đến ngày 27-10-2021, nhà trường bất ngờ thông báo ngưng việc dạy học chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên, đối với các em học sinh khóa 36.
Ông Chung cho biết kể từ thời điểm đó các em học sinh chỉ được học nghề. Đến thời điểm hiện tại, các em đã tốt nghiệp và được cấp bằng nghề.
“Chúng tôi đã gửi nhiều đơn kiến nghị đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết bồi thường” - ông Chung cho biết.
Theo ông Chung, phụ huynh mong muốn phía nhà trường phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường tổn thất về thời gian và chi phí trong suốt 2 năm học tại trường.
“Trong 2 năm học, con chúng tôi mất thời gian, chi phí để đi học. Nhưng vì sai phạm của nhà trường mà con tôi cùng nhiều học sinh khác không được công nhận kết quả học tập. Hai năm học coi như công cốc” - ông Chung nói.
Cũng theo ông, sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị không được giải quyết, mới đây ông Chung cùng nhiều phụ huynh khác, đã gửi đơn kiện ra tòa án yêu cầu Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương phải bồi thường chi phí 2 năm học (lớp 10, lớp 11) cho con ông với tổng số tiền gần 30 triệu đồng. Ngoài ra, các phụ huynh khác cũng có đơn khởi kiện tương tự ông Chung.
Hiện nay, những em không theo học theo học tại trường Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương yêu cầu nhà trường phải bồi thường chi phí 2 năm học (lớp 10, lớp 11) và chi phí học lại. Còn những em đang theo học thì yêu cầu được bồi thường tổn thất về chi phí và thời gian hai năm học trước đó.
Ông Chung cho biết thêm, TAND TP Thủ Dầu Một đã thụ lý đơn và một số lần triệu tập các bên liên quan lên để hòa giải, nhưng không thành. Thời gian tới, TAND TP Thủ Dầu Một sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Bao học phí cho học sinh học lại từ đầu
Trao đổi với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, chúng tôi được biết tháng 2-2023, UBND tỉnh Bình Dương đã có báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của tập thể phụ huynh.
Theo vị lãnh đạo này, đơn vị cùng các ngành đã họp nhiều lần mới đi đến thống nhất kết quả giải quyết. Đến nay, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của trường này đã bị xử lý kỉ luật.
"Phương án giải quyết cho các em học sinh đã được thực hiện. Nếu như phụ huynh không đồng ý phương án này thì có thể khởi kiện ra tòa án", vị lãnh đạo nói.
Theo văn bản của UBND tỉnh Bình Dương, khi cơ quan chức năng kiểm tra đã phát hiện việc dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương là chưa đúng quy định. Tất cả các học sinh khóa 36 không đủ điều kiện hợp lệ để tiếp tục học lớp 12 trong năm 2021-2022.
Sau khi phát hiện sai phạm, ông Huỳnh Kim Ngân (hiệu trưởng) đã bị kỉ luật với hình thức cảnh cáo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (phó hiệu trưởng) bị kỉ luật với hình thức khiển trách.
Sau nhiều lần họp với phụ huynh, các đơn vị đã thống nhất phương án cho các em học sinh học lại lớp 10 từ đầu.
Ngày 26-8-2022, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương đã xét duyệt danh sách 96 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên (năm học 2022-2023) tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, thị xã Tân Uyên (nay là TP Tân Uyên) và tổ chức học tại Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương.
Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương sẽ bao toàn bộ học phí cho hai năm học lớp 10 và 11 (kinh phí gần 683 triệu đồng). Nguồn tiền này trích từ quỹ phúc lợi của Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương.
Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, lý do chỉ có 96 học sinh trúng tuyển vì những em còn lại đã theo học tại những nơi khác hoặc không tiếp tục theo học. Trong số 96 học sinh trúng tuyển học lại, hiện nay, một số em học sinh cũng đã bỏ không theo học. Thực tế, chỉ còn khoảng gần 70 em học sinh đang theo học.
"Dạy chui", thu gần 342 triệu đồng
Năm 2017, Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương được giao cho Sở LĐ-TB&XH quản lý thay vì Sở GD&ĐT như trước.
Theo quy định, các cơ sở đào tạo nghề không được phép tổ chức dạy văn hóa bậc THPT, nhưng năm học 2019-2020, trường vẫn tuyển sinh và tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT song song với đào tạo nghề.
Trường cam kết sau 3 năm học, HS sẽ đồng thời tốt nghiệp và nhận bằng ở hai chương trình. Tuy nhiên, lãnh đạo trường này không có hợp đồng liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để tổ chức giảng dạy và cũng không có văn bản báo cáo xin chủ trương từ đơn vị chủ quản.
Thời điểm đó, ông Huỳnh Kim Ngân (hiệu trưởng) cho biết trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu Luật Giáo dục đã hiểu sai quy định về việc dạy văn hóa cho HS trong trường nghề, dẫn đến việc tổ chức dạy cho hàng trăm HS.
Trong hai năm học, Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương đã thu của 173 học sinh số tiền gần 342 triệu đồng.