Ngày 24-11, ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Dương, cho biết sở đang phối hợp với Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) tìm phương án giải quyết cho 173 học sinh (HS) bị buộc thôi học giữa chừng. Lý do dẫn đến việc này là do trường đã làm sai quy định.
Nhà trường sai phạm nhưng hàng trăm học sinh phải gánh hậu quả. Ảnh: LA
Nguy cơ đứt gánh giữa đường
Năm 2017, Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương được giao cho Sở LĐ-TB&XH quản lý thay vì Sở GD&ĐT như trước.
Mặc dù theo quy định, các cơ sở đào tạo nghề không được phép tổ chức dạy văn hóa bậc THPT, nhưng năm học 2019-2020 trường vẫn tuyển sinh và tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT song song với đào tạo nghề. Cam kết sau 3 năm HS sẽ đồng thời tốt nghiệp và nhận bằng hai chương trình. Việc này lãnh đạo trường không hợp đồng, liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên để tổ chức giảng dạy và cũng không có văn bản báo cáo xin chủ trương đơn vị chủ quản.
Theo các HS đang theo học tại đây, năm 2019 trường vẫn thông báo tuyển sinh, đào tạo các ngành kế toán, chăn nuôi, trồng trọt, tiếng Anh, công nghệ thông tin… kết hợp với dạy văn hóa chương trình THPT. Thế nhưng đến ngày 27-10-2021, lãnh đạo trường bất ngờ ra quyết định ngưng dạy văn hóa trong khi các HS đã sắp hoàn thành chương trình học khiến HS và phụ huynh hết sức lo lắng.
Dạy học “chui”, kỷ luật lãnh đạo nhà trường
Nói về lý do các học sinh bị buộc thôi học giữa chừng, ông Cường cho biết đầu tháng 10-2021, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH phát hiện Ban giám hiệu nhà trường tổ chức dạy văn hóa trái quy định của ngành giáo dục.
Sau đó, Sở đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Hiệu trưởng là ông Huỳnh Kim Ngân và kỷ luật bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Phó Hiệu trưởng với hình thức khiển trách. Cạnh đó, yêu cầu Ban Giám hiệu nhà trường khắc phục hậu quả, giải quyết việc học tập cho các trường hợp mà trường đã tuyển sinh không đúng quy định.
“Việc làm trên của trường là trái với quy định ngành giáo dục, không chấp hành chỉ đạo của đơn vị chủ quản. Trường làm sai thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, nhưng là đơn vị chủ quản chúng tôi cũng đang phối hợp với trường để họp phụ huynh HS tìm hướng giải quyết cho các em” - ông Cường nhấn mạnh.
Còn ông Ngân cho biết trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu Luật giáo dục đã hiểu sai quy định về việc dạy văn hóa cho HS trong trường nghề, dẫn đến việc tổ chức dạy cho hàng trăm HS. Khi biết đã sai, nhưng do cho các em đang theo học nên trường vẫn duy trì giảng dạy rồi tìm cách giải quyết sau.
Trường làm sai quy định của ngành giáo dục khiến các em HS có nguy cơ không được công nhận kết quả học tập trong thời gian qua. Thế nhưng đến nay năm học mới đã bắt đầu mà trường và đơn vị chủ quản vẫn chưa có hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các HS.