Mới đây, TAND tỉnh Cà Mau đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng đặt cọc (mua bán phà) giữa nguyên đơn là ông D và bị đơn là vợ chồng ông T.
Theo hồ sơ, ngày 18-1-2024, ông T có thỏa thỏa thuận bán chiếc phà cho ông D với giá 185 triệu. Hai bên chỉ thỏa thuận miệng với nhau. Ông D đã đặt cọc 50 triệu để thực hiện việc mua bán phà với ông T. Số tiền 50 triệu ông D nhờ cháu chuyển khoản vào tài khoản của vợ ông T.
Ông D cho rằng, trước khi đưa tiền cọc thì ông có đến xem phà nên mới đồng ý mua. Khi ông đến nhận phà thì ông T đã bán phà cho người khác nên ông khởi kiện buộc vợ chồng ông T trả lại 50 triệu và bồi thường theo quy định.
Ông T thừa nhận có thỏa thuận mua bán chiếc phà với ông D và đã nhận cọc như ông D trình bày. Tuy nhiên, ông cho rằng chiếc phà ông vẫn đang quản lý, nếu ông D nhận thì ông đồng ý giao. Do không vi phạm hợp đồng đặt cọc mua bán phà nên ông không đồng ý với yêu cầu của ông D.
Xử sơ thẩm, TAND TP Cà Mau đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông D. Sau đó, ông D kháng cáo sửa án theo hướng chấp nhận yêu cầu của ông.
Theo tòa phúc thẩm, hai bên chỉ thỏa thuận mua bán bằng miệng, không có giấy tờ chứng minh kiểu dáng, kích cỡ, loại phà… đã thỏa thuận như nguyên đơn trình bày.
Nguyên đơn cho rằng chiếc phà mình thỏa thuận mua thì bị đơn đã đem bán cho người khác nên bị đơn vi phạm hợp đồng đặt cọc. Vì vậy, nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại tiền đã nhận đặt cọc trước đó.
Bị đơn xác định chiếc phà thỏa thuận bán cho nguyên đơn thì bị đơn vẫn đang quản lý, trong thời hạn một năm nếu nguyên đơn đồng ý nhận chiếc phà này thì bị đơn đồng ý giao.
Nguyên đơn từ chối việc tiếp tục giao kết hợp đồng do bị đơn đã vi phạm nhưng cũng không chứng minh được bị đơn vi phạm hợp đồng. Bị đơn yêu cầu tiếp tục hợp đồng nhưng cũng không chứng minh được chiếc phà hai bên thỏa thuận mua bán là chiếc phà nào.
Bị đơn thì xác định trong thời gian giao dịch với nguyên đơn, bị đơn không thỏa thuận mua bán phà với bất cứ ai. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cung cấp giấy xác nhận của một người với nội dung có mua bán một chiếc phà với bị đơn vào ngày 22-1-2024, tức là sau thời gian nguyên đơn chuyển tiền đặt cọc mua phà cho bị đơn (ngày 18-1-2024).
Theo đó, tòa phúc thẩm xác định lỗi dẫn đến không tiếp tục thực hiện hợp đồng được là do khi thỏa thuận đặt cọc để mua bán phà, hai bên chỉ giao dịch bằng miệng mà không làm hợp đồng đặt cọc bằng văn bản thể hiện đối tượng mua bán (phà) cụ thể như thế nào (kích thước, màu sắc, hình dáng, trọng tải…).
Đồng thời hai bên cũng không dự trù được tình huống tranh chấp thì phạt cọc hay mất cọc. Do vậy, xét về mức độ lỗi thì cả hai bên nguyên đơn và bị đơn đều có lỗi ngang nhau. Vì vậy, mỗi bên phải chịu 50% số tiền đặt cọc, tương ứng với ½ mức độ lỗi của mình.
Từ đó, tòa phúc thẩm đã tuyên chấp nhận kháng cáo của ông D, sửa án sơ thẩm, chấp nhận một phần khởi kiện của ông D, buộc vợ chồng ông T trả cho ông D ½ tiền đặt cọc mua bán phà là 25 triệu đồng.
Tuân thủ quy định để tự bảo vệ quyền lợi cho mình
Trong cuộc sống hằng ngày, việc giữa các cá nhân với nhau giao kết hợp đồng về tài sản bằng miệng diễn ra rất phổ biến vì mối quan hệ quen biết, tin tưởng lẫn nhau giữa đôi bên nên thường chọn phương cách này cho tiện.
Về mặt pháp luật, theo Bộ luật dân sự năm 2015, hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung thì có thể được thể hiện bằng văn bản, bằng hành vi cụ thể hoặc bằng lời nói giao kết của các bên tham gia giao kết hợp đồng… Và trong một số trường hợp, theo quy định của pháp luật mà hình thức của hợp đồng phải thể hiện bằng hình thức văn bản hoặc hình thức văn bản có công chứng, chứng thực…
Cạnh đó, trong thực tiễn, hình thức giao kết hợp đồng miệng dễ phát sinh các tranh chấp ảnh hưởng đến quyền lợi của đôi bên và sứt mẻ, rạn nứt mối quan hệ thân hữu đầm ấm trước đó. Quy chiếu về việc mua bán chiếc phà trong vụ kiện giữa ông D và ông T, chiếc phà là phương tiện thủy nội địa, theo quy định phải làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng có lẽ theo thói quen, sự tin tưởng lẫn nhau nên hai bên chỉ giao kèo miệng mà không xác lập hợp đồng bằng văn bản và cụ thể hóa chi tiết chiếc phà mà hai bên mua bán…
Thế nên, khi kéo nhau ra tòa, việc chứng minh những nội dung giao kèo miệng là rất khó và khi tòa yêu cầu chứng cứ thì gần như là bất khả, thế nên người đi kiện phải lãnh phần thiệt.
Do vậy, trong xã hội vận hành theo pháp luật, để đảm bảo quyền và lợi ích của mình và cũng là để được pháp luật bảo vệ khi phát sinh tranh chấp, các bên cần tuân thủ theo đúng quy định về nội dung, hình thức đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định về hợp đồng.