Kiến nghị bỏ 2 trạm thu phí quốc lộ 5

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu với Bộ Tài chính và UBND TP Hải Phòng ngày 19-9, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị nghiên cứu giảm phí hoặc xóa bỏ hai trạm thu phí trên quốc lộ (QL) 5.

Tăng phí gấp bốn lần

Phản ánh nỗi bức xúc của doanh nghiệp (DN) về phí, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết hiện nay DN vận tải Hải Phòng đang chịu rất nhiều gánh nặng về phí cầu đường, nhất là sau khi phí trên QL5 tăng gấp bốn lần so với trước.

Từ đó, ông Thanh đề nghị nên nghiên cứu xóa bỏ hai trạm thu phí trên QL5 để DN có sự lựa chọn giữa việc đi lại trên QL5 chậm nhưng miễn phí; ngược lại DN muốn đi nhanh thì lựa chọn đường cao tốc (QL5B). Theo ông Thanh, trong trường hợp không xóa bỏ thì nên nghiên cứu giảm phí xuống chứ để mức phí như hiện nay là quá cao. “Người dân trong khu vực và DN rất bức xúc về việc đường cũ do ngân sách nhà nước làm mà phí lại tăng lên cao gấp bốn lần so với trước. Không thể chấp nhận được điều này” - ông Thanh nói.

Một phương án khác cũng được ông Thanh đề xuất là nếu không xóa bỏ, miễn giảm phí trên QL5 thì cần miễn thu phí bảo trì đường bộ cho toàn bộ DN vận tải chạy tuyến cố định, xe container ở khu vực Hải Phòng để tránh tình trạng phí chồng phí.

Vị trí hai trạm thu phí bị đề nghị xóa trên quốc lộ 5. Đồ họa: plo.vn

Thêm khó khăn cho doanh nghiệp

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng phí cầu đường quá cao cộng với phí sử dụng cơ sở hạ tầng cảng biển của Hải Phòng cũng tăng khiến DN rất khó khăn. “Cứ với đà tăng phí thế này, vô hình trung các cơ quan lại đổ thêm khó khăn cho DN. Thủ tướng đã nói năm 2017 là năm giảm phí nên chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giảm phí cho phù hợp” - đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu ý kiến.

Tổ công tác đã ghi nhận kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng xem xét. Đây là lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ GTVT, do vậy Tổ công tác của Thủ tướng cũng sẽ trao đổi với bộ này để cùng tham gia giải quyết. Chủ trương của Chính phủ, của Thủ tướng hiện là nỗ lực giảm chi phí chính thức và không chính thức của DN.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ 
MAI TIẾN DŨNG

 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thành Trung, đại diện Công ty TNHH TM Vận tải Trung Thành, cho biết: “DN chỉ biết âm thầm chịu đựng nhưng đúng là phí cầu đường qua QL5A ảnh hưởng rất lớn tới các DN vận tải. Theo tôi được biết, trạm BOT ở QL5 được xây dựng vào năm 1993, được phép thu phí 20 năm. Đến nay đã quá 20 năm rồi nhưng vẫn còn hai trạm BOT ở địa phận Hải Phòng và Hưng Yên. Dẹp hai trạm đó bây giờ là đúng với các quy định của Nhà nước chứ không phải đòi hỏi quá đáng của các DN vận tải”.

Tỉnh Hưng Yên xin giảm phí, dời trạm

QL5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 100 km. Dự án nâng cấp QL5 theo hình thức BOT được giao cho Vidifi. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ hai trạm thu phí đặt tại Hưng Yên (trạm 1) và Hải Phòng (trạm 2). Mức phí qua trạm BOT hiện thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 180.000 đồng mỗi lượt. Ngoài ra, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (QL5B) dài 105 km cũng do Vidifi đầu tư, thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015.

Trước đó, trong các ngày 4, 5, 6, 7-9, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ phản đối mức phí tại trạm thu phí số 1 QL5. Họ cho rằng mức phí trạm này quá cao, không tương xứng với mặt đường. Trạm phải cho xả để tránh tắc nghẽn giao thông.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ Tài chính kiến nghị giảm phí, di dời trạm thu phí số 1 trên QL5. Tỉnh cũng kiến nghị miễn phí qua trạm cho những hộ dân sinh sống quanh trạm trong vòng bán kính 5 km. Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên còn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, di dời trạm thu phí số 1 hiện tại về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm