Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, ngày 5-9, tại Trạm thu phí số 1 quốc lộ 5, đoạn qua hai huyện Như Quỳnh, Văn Lâm của tỉnh Hưng Yên, lực lượng CSGT và CSCĐ vẫn tiếp tục có mặt ở khu vực trạm để điều tiết giao thông. Hiện tượng tài xế dùng tiền lẻ vẫn còn rải rác nhưng không gây khó khăn cho công việc thu phí như trước đó.
Xả trạm chỉ vài phút
Trước đó, vào chiều tối 4-9 đã xảy ra tình trạng một số tài xế dùng tiền lẻ khi qua trạm số 1 trên quốc lộ 5. Trạm phải cho xả để tránh tắc nghẽn giao thông. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Điều, trạm trưởng Trạm thu phí số 1 quốc lộ 5, tối 4-9 chỉ có hơn 10 phương tiện, chủ yếu là xe của một doanh nghiệp ở Hải Dương dùng tiền lẻ để qua trạm. Lập tức đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng yêu cầu các xe trên di chuyển ra khỏi vị trí trạm thu phí để nhân viên thực hiện đếm tiền. Sự việc chỉ diễn ra trong vòng hơn 10 phút. “Việc xả trạm thu phí quốc lộ 5 tối cùng ngày không phải do tài xế dùng tiền lẻ, nguyên nhân do có va chạm giao thông ở trước cổng trạm nên xe bị ùn ứ cục bộ. Vì vậy, chúng tôi đã xả trạm để giảm ùn tắc và sau đó vài phút thì tiến hành thu phí bình thường” - ông Điều nói.
Theo ông Điều, đến sáng 5-9, trạm thu phí quốc lộ 5 thông thoáng và không có tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm. “Tuy nhiên, để đối phó với tình huống này, hiện nay chúng tôi đã phối hợp với lực lượng công an địa phương, đồng thời tăng nhân viên ở khu vực trạm để phòng ngừa, tránh gây ùn tắc trên tuyến đường” - ông Điều thông tin.
Trạm thu phí quốc lộ 5 qua tỉnh Hưng Yên thu phí trở lại sau khi xả trạm chiều tối 4-9. Ảnh: VIẾT LONG
Đường xấu, phí cao
Theo nhiều người dân địa phương, trước đây Nhà nước thu phí qua trạm số 1 thấp nhất chỉ 10.000 đồng/xe/lượt. Tuy nhiên, từ khi Nhà nước chuyển giao cho Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) quản lý, phí qua trạm liên tục tăng và đến nay mức thấp nhất đã lên tới 40.000 đồng/xe/lượt.
Anh Thanh Bình, tài xế ngụ Hải Dương, cho rằng mức phí này ngang với tuyến đường làm mới. Trong khi đó, mặt đường tuyến quốc lộ 5 quá xấu so với các tuyến quốc lộ khác ở khu vực này. Mức phí trên khiến thu nhập của anh Bình giảm sút. “Tôi nhận chở một lô hàng giá 300.000 đồng, qua trạm thu phí đã mất trên 100.000 đồng, đó là chưa kể tiền xăng xe, công sức... Theo tôi, Nhà nước nên bỏ trạm này để người dân bớt khó khăn và doanh nghiệp vận tải có điều kiện phát triển, chứ đi đâu cũng gặp trạm thu phí thế này thì không ai chịu được!” - anh Bình nói.
Xem xét giảm phí cho dân Để xem xét giảm phí qua trạm quốc lộ 5 cho người dân, địa phương cần có văn bản đề nghị với Bộ GTVT. Khi nhận được văn bản của tỉnh, Bộ GTVT sẽ xem xét mức giảm như đã thực hiện với các trạm vừa qua. Ông NGUYỄN VĂN HUYỆN, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Sau khi có phản ứng của người dân, tỉnh đã giao Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan cùng chủ đầu tư khảo sát các khu vực dân cư xung quanh trạm thu phí. Tỉnh đang chờ báo cáo để xem xét đề xuất với Bộ GTVT liên quan đến mức phí tại trạm này. Ông NGUYỄN VĂN PHÓNG, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên |
Anh Nguyễn Toàn, tài xế ngụ TP Hải Phòng, cho biết dự án quốc lộ 5 đã thu phí nhiều năm nay và đến nay đã thu hồi vốn, vì vậy không có lý do gì mà tiếp tục thu cao như vậy. “Hằng năm chúng tôi đã phải đóng phí bảo trì đường bộ, giờ Nhà nước phải lấy tiền đó ra để bảo trì, sửa chữa đường, sao lại giao cho công ty thu phí với mức trên trời...?” - anh Toàn bức xúc.
Đây cũng là tâm tư của nhiều người dân, doanh nghiệp tại Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Mới đây, cử tri tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi tới kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV kiến nghị cần có phương án, giải pháp hợp lý để nâng cấp, tu bổ quốc lộ 5 vì tuyến đường trên thường xảy ra ùn tắc, tai nạn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị Bộ GTVT giảm mức phí vì “không có đầu tư mới nhưng trạm này vẫn tăng phí bất thường từ 10.000 đồng/lượt lên 40.000 đồng/lượt”.
Bộ GTVT giải thích thu phí quốc lộ 5 Quốc lộ 5 có chiều dài trên 100 km, được cải tạo, nâng cấp từ tháng 6-1996. Trên tuyến hiện có hai trạm thu phí. Đây là tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông đặc biệt lớn, trong đó nhiều xe container, loại xe nộp phí lớn nhất đi/đến cảng Hải Phòng. Theo Bộ GTVT, để đảm bảo khả năng hoàn vốn cho dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1621/2007 về cơ chế đặc thù cho dự án cao tốc này. Trong đó, cho Vidifi quản lý, thu phí hai trạm trên quốc lộ 5 cho đến hết thời gian kinh doanh dự án BOT, mức phí theo quy định của Bộ Tài chính. “Như vậy, việc thu phí hai trạm trên quốc lộ 5 là để hoàn vốn cho dự án đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (tổng vốn đầu tư hơn 45.000 tỉ đồng). Ngoài ra, thu phí trên quốc lộ 5 là để hoàn vốn trực tiếp cho dự án cải tạo quốc lộ 5” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công thông tin. Trả lời ý kiến cử tri tỉnh Hưng Yên, cách đây vài ngày Bộ GTVT cho biết để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, tháng 11-2016, Vidifi đã thực hiện giảm phí 5.000-20.000 đồng tùy xe. “Vì vậy, việc giảm phí tiếp sẽ phá vỡ phương án tài chính của hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến dự án BOT, có khả năng đổ bể, không thể tiếp tục thực hiện được dự án” - Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh. Sắp sửa chữa quốc lộ 5 Vừa qua Vidifi đã có báo cáo Bộ GTVT về việc sửa chữa tuyến quốc lộ 5. Theo đó quốc lộ 5 hoàn thành vào tháng 6-1998, đến nay đã khai thác được trên 18 năm. Như vậy, quốc lộ 5 đã đến thời hạn phải thực hiện đại tu tổng thể tuyến đường. Căn cứ thực tế nguồn kinh phí và mức độ hư hỏng của từng đoạn tuyến cũng như khả năng triển khai sửa chữa, Vidifi đề xuất phương án sửa chữa quốc lộ 5 gồm hai đợt: Đợt 1 (2017-2018) tập trung sửa chữa một phần mặt đường (khoảng 30 km), một phần cầu và các hạng mục an toàn giao thông; đợt 2 (2019-2021) thực hiện sửa chữa phần còn lại của đoạn tuyến. Theo Bộ GTVT, Vidifi đang lập phương án sửa chữa định kỳ trên quốc lộ 5. Nguồn kinh phí sửa chữa được bố trí từ phương án tài chính của hợp đồng BOT dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. |