Ngày 30-8, đoàn giám sát Quốc hội làm việc với UBND TP.HCM về phòng, chống xâm hại trẻ em. UBND TP đã có một số kiến nghị như tăng nặng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em (người dưới 16 tuổi) tại các điều 142, 144, 145, 146 BLHS năm 2015. Đối với tội dâm ô trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, tội giao cấu với trẻ em, cần tăng thêm số năm hình phạt tù và bỏ luôn hình thức cho hưởng án treo khi xét xử.
Bỏ hẳn án treo là không ổn?
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, cho rằng kiến nghị tăng hình phạt tù đối với các tội xâm hại trẻ em là chưa thuyết phục. Bởi trong các tội phạm xâm phạm tình dục thì 90% là tội phạm nghiêm trọng trở lên, trong đó có 80% là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, hình phạt có cả chung thân, tử hình.
Về kiến nghị bỏ án treo, theo ông Hà, cứ phạm tội mà không cho hưởng án treo là không phù hợp vì chúng ta không thể lường hết được những tính chất, mức độ của hành vi mà phải do tòa án quyết định. “Trong báo cáo cũng nêu có trường hợp phạm tội là do không hiểu biết pháp luật, có khi người bị hại động viên, thôi thúc như giao cấu với người dưới 16 tuổi khi họ yêu nhau, nếu chúng ta chốt luôn là không cho hưởng án treo thì nên cân nhắc lại” - ông Hà nói.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cũng cho rằng cần xem xét lại kiến nghị tăng hình phạt. Trong BLHS thì tình tiết giảm nhẹ cho hưởng án treo này chỉ là một trong bốn căn cứ quyết định hình phạt. Tại Điều 65 BLHS năm 2015 thì đây cũng là quy phạm tùy nghi, chứ không phải cứ có tình tiết giảm nhẹ là bắt buộc phải cho án treo.
Về kiến nghị cắt, vôi hóa công cụ phạm tội của nam giới, ông Bộ cho biết trong quá trình làm BLHS, vấn đề này cũng đã được đặt ra nhưng không phù hợp, không khả thi, mang tính man rợ như thời Trung cổ.
Ông Phan Thanh Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YC
Cần phát triển án lệ
Đại biểu Lê Thế Phúc, Phó Chánh Văn phòng TAND Tối cao, đặt vấn đề: Việc giám định trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua có một số trường hợp chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh tội phạm. Từ đó ông đề nghị Sở Y tế, Công an TP đánh giá thêm về vấn đề này. Công an cũng cần đánh giá thêm về việc hỗ trợ hướng dẫn và yêu cầu gia đình cũng như trẻ em bị xâm hại đi giám định, thời gian để đảm bảo thu thập được chứng cứ.
Đại diện VKSND TP.HCM cho biết khó khăn là do BLHS năm 2015 chưa quy định rõ như thế nào là xâm phạm tình dục, dâm ô, khiêu dâm... Khi xét xử các loại tội này còn những quan điểm khác nhau, do nhận thức khác nhau về các khái niệm nên VKS kiến nghị lãnh đạo liên ngành trung ương, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sớm có hướng dẫn, nhất là tội xâm phạm tình dục đối với người dưới 16 tuổi.
Cũng theo đại biểu Lê Thế Phúc, các tội dâm ô, khiêu dâm hay các hành vi quan hệ tình dục khác thì khi xây dựng luật cũng đã bàn nhưng rất khó và phức tạp. Vì thế, TAND Tối cao đang nghiên cứu và sớm có hướng dẫn. Theo ông Phúc, các nội dung liên quan đến các hành vi xâm hại tình dục trẻ em rất cụ thể nên việc ban hành văn bản hướng dẫn rất khó. Vì thế, một trong những giải pháp hướng tới là phát triển án lệ trong lĩnh vực này, trong đó có các hành vi cụ thể. Ông Phúc đề nghị TAND TP.HCM rà soát, chọn lọc những bản án chất lượng gửi cho Hội đồng Thẩm phán để nghiên cứu, xem xét vì đây là nơi có số lượng và chất lượng án đứng đầu cả nước.
Đã thân thiện với trẻ em
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đặt vấn đề về sự thân thiện trong điều tra và xét xử các vụ án có liên quan đến trẻ em. Ngoài nghiệp vụ chuyên môn thì các cán bộ có đảm bảo được kỹ năng khi làm việc với trẻ em hay không, nhất là trẻ em bị xâm hại.
Ông Trần Văn Phú, đại diện cho Công an TP, cho biết về điều tra thân thiện thì CQĐT cũng đã chọn phòng riêng lúc ghi lời khai. Có những điều tra viên kinh nghiệm, là nữ để hạn chế làm việc nhiều lần với những em bị xâm hại.
Về việc xét xử thân thiện, ông Đỗ Khắc Tuấn, Phó Chánh án TAND TP.HCM, thông tin: TP.HCM là tòa án đầu tiên thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên. Tòa đã xây dựng phòng xét xử thân thiện và có phòng dành riêng cho trẻ em chờ trong thời gian đợi xét xử, có phòng dành cho bác sĩ và cho nhân viên tư vấn để hỗ trợ tâm lý cho trẻ em. Hiện nay mô hình này đang triển khai tại các quận, huyện.
Phải xét xử kín Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong quá trình đi giám sát tòa án ở một huyện tranh luận với đoàn là việc xét xử các em không cần thiết phải xử kín. Họ lập luận vì đó là quyền của gia đình bị hại, muốn kín thì kín, công khai thì công khai. Cần lưu ý nguyên tắc là đối với các em chẳng những thân thiện mà còn không được xử công khai, tránh vấn đề sang chấn lần hai với các cháu. Xâm hại tình dục trẻ em chiếm 86% Theo báo cáo, từ năm 2015 đến tháng 6-2019, TP.HCM xảy ra 499 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Trong đó có 31 bé trai (6,21%) và 468 bé gái (93,79%), 26 trẻ em bị bạo hành, 429 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm 86%), sáu trẻ em bị mua bán, 38 trẻ em bị các hình thức khác. |