Kiến nghị của Ninh Thuận về dự án điện hạt nhân

(PLO)- Sau khi có chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân, trên 92% người dân và cán bộ đảng viên của tỉnh Ninh Thuận đồng thuận chủ trương.

Trong cuộc làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương ngày 5-12-2024, ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, báo cáo: Theo quy hoạch trước đây, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Tổng diện tích quy hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân là 1.642 ha. Sau khi công bố quy hoạch địa điểm, Đảng bộ, chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động, đa số nhân dân vùng dự án đã chấp hành nghiêm túc chủ trương, đồng lòng tự nguyện chấp thuận di dời, bàn giao mặt bằng.

Tổng Bí thư Tô Lâm quan sát vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, đến tháng 11-2016, QH khóa XIV ban hành Nghị quyết 31 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Chủ trương này đã làm thay đổi các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh. Nhân dân trong vùng dự án cũng gặp nhiều khó khăn do trải qua thời gian dài chờ đợi, mong mỏi sớm được về nơi ở mới, ổn định đời sống - sản xuất.

Để ổn định người dân, tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân. Chính phủ cũng ban hành nghị quyết thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023… Và địa phương vẫn bảo đảm chủ trương giữ vị trí đã quy hoạch, bảo đảm thuận lợi để thu hồi khi tái khởi động nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết sau khi có chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân, trên 92% người dân và cán bộ đảng viên của tỉnh Ninh Thuận đồng thuận chủ trương.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, khi tái khởi động dự án điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Chính trị có chủ trương trình QH ban hành các nhóm chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận gồm: Cơ chế tài chính - ngân sách, nâng mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh để tỉnh có thêm dư địa tiếp cận nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nhà tài trợ nước ngoài tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu.

Đồng thời, thu hút đầu tư để phát triển năng lượng tái tạo bền vững thúc đẩy hình thành các trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước; trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo liên vùng; trung tâm đổi mới sáng tạo ứng dụng khoa học công nghệ năng lượng sạch tại Ninh Thuận; trung tâm công nghiệp xanh - Net Zero; trung tâm dữ liệu quốc gia vùng.

Về tái khởi động nhà máy điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Trung ương sớm xác định lộ trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân; điều chỉnh đồng bộ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch điện VIII, các quy hoạch ngành quốc gia về phát triển điện hạt nhân và hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện hạt nhân.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận đề nghị Trung ương sớm cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó có bổ sung định hướng phát triển nhà máy điện hạt nhân; lựa chọn phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; bố trí lại không gian, phân bổ, khoanh vùng đất đai; tính toán lại kịch bản phát triển; đồng thời điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng phát triển điện hạt nhân để bảo đảm điều kiện triển khai.

Tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất Trung ương chính sách hỗ trợ nguồn vốn để ưu tiên đầu tư hạ tầng khung kết nối trọng điểm, các tuyến đường động lực, liên vùng. Đồng thời có cơ chế xử lý những vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời cho các nhà đầu tư tại tỉnh, tránh lãng phí nguồn lực xã hội…

Dự kiến xây dựng xong vào năm 2030

Ngày 15-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đã chủ trì phiên họp thứ nhất của ban chỉ đạo.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh: Chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân góp phần đáp ứng nhu cầu điện sạch. Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt hai con số thì tăng trưởng điện phải 15%-18%.

Mục tiêu xây dựng xong Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm năm, để tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, chúng ta có nhà máy điện hạt nhân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cần thiết, hoàn thành trước ngày 28-2.

Về nhân lực, hiện Việt Nam đã có khoảng 400 nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân, cần tập trung ngay đội ngũ nhân lực này, đồng thời xác định rõ nhu cầu đào tạo và báo cáo, đề xuất ngay.

Cùng với đó, phải hình thành tổ chức chuyên trách, chuyên nghiệp để rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về xây dựng cơ chế đặc thù, hoàn thiện thể chế về thuế, tín dụng, đất đai, thu hút nhân lực…

Về nhiệm vụ chuẩn bị hạ tầng, Thủ tướng giao Ninh Thuận làm chủ đầu tư, kêu gọi hợp tác công tư, thu hút đầu tư… để khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), chuẩn bị hạ tầng giao thông, điện, nước, văn hóa, giáo dục, thể thao… để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà máy và phục vụ đội ngũ nhân lực triển khai dự án.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Ninh Thuận đề xuất và triển khai các công việc liên quan giải phóng mặt bằng, chính sách cho người dân nhường mặt bằng cho dự án…

Phiên họp thứ hai của ban chỉ đạo dự kiến trong trung tuần tháng 2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới