“Nhìn lại năm 2018, chúng ta vui mừng nhận thấy trong năm qua, dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói và điểm lại tám thành tựu nổi bật.
Lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng lan tỏa
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Đáng chú ý, kinh tế có bước tăng trưởng đáng mừng. Đã lâu lắm rồi, ta mới đạt mức GDP tăng hơn 7%; năm 2018 đã hoàn thành đạt và vượt mức hơn 12 chỉ tiêu đề ra, nâng quy mô GDP lên hơn 245 tỉ USD, bình quân đầu người tăng 2.580 USD/người (tăng gần 200 USD so với năm 2017)…
“Nếu đi thực tế về các địa phương, ở cả nông thôn và thành thị giờ đã khác xa ngày xưa. Tôi về quê tôi thôi, ngày xưa nghèo lắm. Bây giờ nhà nào cũng nâng lên nhà tầng hết, ô tô cũng có ở nông thôn rồi, xe máy thì khỏi phải nói. Ti vi, tủ lạnh, điện thoại cầm tay có hết. Miền núi cũng vậy, đi chăn trâu cũng alo cho nhau hỏi đang ở đâu đấy bằng điện thoại. Cái đó là cái rất mừng, dù ta vẫn kêu đời sống xã hội và tinh thần còn khó khăn” - ông Nguyễn Phú Trọng dẫn chứng.
Cạnh đó, lực quốc phòng an ninh được tăng cường, môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội được giữ vững, đối ngoại được mở rộng, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, tăng cường và nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
“Tôi nhiều lần nói, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay, đi quốc tế giờ mình không kém gì lắm. Ở khu vực vừa qua một số nơi xảy ra nhiều điểm nóng, các khu vực đều có chuyện cả. Ta không chủ quan nhưng rõ ràng đất nước ta thanh bình, ổn định, các nước đều rất quý trọng Việt Nam. Nhiều nơi mời Việt sang thăm và ngỏ ý muốn sang thăm Việt Nam” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách được đẩy mạnh. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng đã phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố và xét xử nghiêm minh, được cán bộ đảng viên hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.
Chính phủ, các bộ, ban, ngành và hầu hết các địa phương nỗ lực đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động, khắc phục hạn chế, đạt những kết quả bước đầu quan trọng…
“Năm 2018 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, để lại ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học quý, tạo đà, động lực, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2019 và cả năm năm 2016-2021” - ông Trọng nói và cho biết không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang tiếp tục lan tỏa rộng khắp trên cả nước.
Bài học đoàn kết
Theo ông Nguyễn Phú Trọng, có ba nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thành công nêu trên. Thứ nhất, chúng ta được thừa hưởng những thành tựu lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới; những kết quả toàn diện đạt được trong hai năm 2016-2017. Đây là những tiền đề quan trọng.
Thứ hai, nhờ có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cả hệ thống chính trị gồm các cơ quan lãnh đạo Đảng, nhà nước, MTTQ, các đoàn thể...
“Cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ ban ngành, từ Trung ương tới địa phương… theo tôi quan sát thấy khá nhịp nhàng, đồng bộ, ăn khớp nhau” - Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và dẫn lại một kinh nghiệm mà ông cho là rất quý.
Đó là hằng tháng, cứ vào đầu tuần là lãnh đạo cán bộ chủ chốt họp với nhau rất thường xuyên để xem công việc vừa rồi thế nào, sắp tới phải làm việc gì, khâu nào yếu phải tập trung chỉ đạo, công việc nào tốt phải phát huy…
“Tại sao Bác Hồ tổng kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết thì thành công, thành công, đại thành công. Chỗ nào có mâu thuẫn, trục trặc thì rõ ràng ở đó phong trào không lên được. Các địa phương cũng vậy, nơi nào đoàn kết thống nhất cao thì công tác tốt. Các bộ, ngành đoàn kết, thống nhất cao thì tốt; còn trục trặc từ trong nội bộ thì phức tạp hết” - ông Trọng nói tiếp.
Thứ ba, nhờ có sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân… đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đồng tâm, nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn, không qua say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi đất nước ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức...
Đặc biệt là những han chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội, không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục được.
“Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nặng nề, nhất là khu vực kinh tế nhà nước. Tình trạng trên nóng dưới lạnh, kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi; CCHC, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều trở ngại, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của DN…” - ông Trọng dẫn chứng.
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Sau cùng, Tổng Bí thư, Chủ tich nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bốn nhiệm vụ trọng tâm. Đáng chú ý, Tổng Bí thư cho rằng yếu tố quyết định sự phát triển của chúng ta là phải giữ cho đất nước ổn định, hòa bình, thân thiện, phát triển. Đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn.
Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
Thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tiếp công dân; rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các khiếu nại, tố cáo để từng bước giảm thiểu, tiến tới chấm dứt hiện tượng khiếu kiện đông người, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát…