Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là vị trí quan trọng về quốc phòng, có các đơn vị quân đội đóng quân, là căn cứ quân sự dự bị chiến lược nên không thể dành toàn bộ đất cho mục đích khai thác dân dụng của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Mở rộng Tân Sơn Nhất: Khó khả thi
Sáng 4-6, báo cáo về dự án cảnh hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết việc mở rộng, nâng cấp Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm là khó khả thi.
Lý do là phải đầu tư kinh phí rất lớn cho việc thu hồi đất, đền bù, tái định cư, quá tốn kém so với phương án đầu tư xây dựng mới Cảng HKQT Long Thành. “Tổng chi phí theo phương án này ước tính khoảng 191.000 tỷ đồng (tương đương 9,1 tỷ USD), bao gồm cả chi phí đền bù, tái định cư khoảng 140.000 hộ dân với khoảng 500.000 nhân khẩu (chưa tính đến di chuyển dân để làm đường giao thông tiếp cận)”- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là khó khả thi. Ảnh: Vietnamnet.
Theo ông Giàu, nguyên nhân thứ hai là không thể khai thác được hết công suất do xung đột vùng trời với sân bay quân sự Biên Hòa.Thứ ba là, cảng HKQT Tân Sơn Nhất nằm trọn trong nội thị TP. Hồ Chí Minh, xung quanh Cảng hàng không có mật độ dân cư cao, do đó tiếng ồn máy bay có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân và khả năng thiệt hại lớn về người nếu xảy ra tai nạn lúc máy bay hạ cất cánh.
Về ý kiến đề xuất nghiên cứu xây dựng thêm một đường cất hạ cánh mới tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cách đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc 350m (sát khu vực sân golf), Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho hay: Việc bổ sung thêm đường cất hạ cánh thứ 3 sẽ phát sinh rất nhiều hạn chế mới về quy hoạch thành phố và độ cao cho các công trình đã được xây dựng. Đồng thời, do chiều dài của đường hạ cất cánh là 4.000 m nên vẫn phải thu hồi đất, tái định cư... Phải xây dựng thêm nhà ga mới nằm, không thuận lợi cho hành khách, hàng hóa cũng như hoạt động khai thác của các hãng hàng không.
Về phương án sử dụng sân bay quân sự Biên Hòa để kết hợp khai thác hàng không dân dụng với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua khảo sát cho thấy, sân bay quân sự Biên Hòa được xác định là sân bay chiến lược về quân sự. Do vậy, không nên đưa hoạt động khai thác hàng không dân dụng vào khu vực sân bay này.
Theo báo cáo của Chính phủ thì kinh phí đầu tư cần khoảng 157.000 tỷ (tương đương 7,5 tỷ USD) cho việc cải tạo, xây dựng nhưng cũng chỉ đạt công suất 25 triệu khách/năm.
Xây sân bay Long Thành là cần thiết
Trong khi đó, việc lựa chọn vị trí xây dựng Cảng HKQT Long Thành là vị trí có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức tạp, mặt bằng tương đối bằng phẳng, gần các nguồn cung cấp vật liệu lớn, thuận lợi cho việc thi công xây dựng.
Thời gian qua nhiều ý kiến cũng cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Việc có thêm sân bay Long Thành là cần thiết. Ảnh: Báo giao thông.
Theo đó, vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư, trong đó trục lộ giao thông chính cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây vừa đưa vào khai thác.
Việc đầu tư giai đoạn một của dự án sẽ giúp giảm tải cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, dự kiến đến năm 2025 giai đoạn một của dự án mới hoàn thành, đưa vào khai thác, khi đó Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã quá tải. Do vậy, việc tiến hành đầu tư tại thời điểm này là phù hợp. Sau khi hoàn thành giai đoạn một, dự án với mục đích giảm tải cho Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, trên cơ sở yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sẽ đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 với quy mô công suất lớn hơn. Sau này, căn cứ tình hình thực tế, sẽ có phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp với nhu cầu khai thác, sử dụng hai Cảng hàng không này.
Theo ông Giàu, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành trước hết là để giải quyết vấn đề quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nước và quốc tế bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, để trở thành Cảng hàng không trung chuyển quốc tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cần phải có các chính sách đồng bộ về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục xuất, nhập cảnh, hải quan... Cùng với đó, áp dụng các công nghệ vào quản lý, điều hành bay, làm tốt các dịch vụ hậu cần hàng không để thu hút khách quốc tế và các hãng hàng không đến Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã có lượng hành khách chuyển tiếp, quá cảnh quốc tế, quốc nội chiếm trung bình khoảng 8,22% tổng lượng hành khách quốc tế đi và 0,78% tổng lượng hành khách quốc nội đi trong giai đoạn 2010-2014.