Ngày 30-12-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm bác yêu cầu của bà ĐTH đòi hủy quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp buộc bà phải tháo dỡ, di dời nhà vệ sinh để giao phần đất trên cho ông VQT.
Toilet dưới cầu thang
Tháng 9-2011, bà H. khởi kiện chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ra tòa án tỉnh này. Lý do: Bà không đồng ý với quyết định ngày 3-11-2009 của chủ tịch tỉnh buộc phải tháo dỡ nhà vệ sinh vì nhà vệ sinh đã tồn tại từ trước khi bà mua căn nhà trên.
Tại tòa, bà nói năm 2005 bà nhận chuyển nhượng phần diện tích đất gắn liền với căn nhà cấp 4 của anh ruột tại phường 2, thị xã Sa Đéc. Căn nhà này được xây dựng trước năm 1975, sau năm 1975 được Nhà nước quản lý, giao cho Ty Văn hóa thông tin sử dụng làm nơi làm việc. Năm 1977, Ty Văn hóa thông tin cải tạo và xây dựng cầu thang trên nhà vệ sinh để đi lên lầu. Sau đó, Nhà nước bán hóa giá căn nhà trên cho cán bộ, rồi người này bán cho anh bà. Còn căn nhà ông T. mua hóa giá nằm kế bên.
Đến năm 2005, sau khi nhận chuyển nhượng, bà làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì xảy ra tranh chấp. Ông T. cho rằng phần diện tích đất nhà vệ sinh dưới cầu thang đi lên nhà ông là của ông, được cấp quyền sử dụng. Ông T. khởi kiện ra tòa án nhưng sau đó thì rút đơn và chuyển qua khiếu nại.
Bác đơn vì toilet xây sau cầu thang
Sau khi bị UBND thị xã Sa Đéc bác đơn, ông T. khiếu nại lên tỉnh. Ngày 3-11-2009, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định buộc bà H. phải tháo dỡ phần nhà vệ sinh để giao đất lại cho ông T..
Tuy nhiên, đại diện người bị kiện trình bày: Nguồn gốc căn nhà của bà H. và của ông T. được xây dựng trước năm 1975. Sau năm 1975, Nhà nước quản lý và giao cho Ty Văn hóa thông tin sử dụng làm trụ sở làm việc. Năm 1977, Ty Văn hóa thông tin bố trí cho ông T. căn nhà phía sau gồm một trệt và một tầng lầu, tiếp giáp trước nhà có công trình phụ là cầu thang để lên lầu. Phần căn nhà của bà H. lúc đó được sử dụng làm bếp ăn tập thể. Khoảng năm 1984-1985, do nhà vệ sinh trong phòng ăn bị hư nên Sở Văn hóa thông tin xây nhà vệ sinh phía dưới cầu thang đi lên lầu nhà ông T. để mọi người sử dụng. Năm 1986, bếp ăn giải thể, Nhà nước bán hóa giá phần này (sau này bà H. mua ở) nhưng không có diện tích nhà vệ sinh.
Nội dung trên được nhân chứng từng công tác tại Ty Văn hóa thông tin xác định là đúng.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp nhận định chứng cứ do người bị kiện đưa ra là có căn cứ. Vì vậy, quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND tỉnh là đúng nên bác yêu cầu khởi kiện của bà H.
Tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX nhận định người khởi kiện không đưa ra được chứng cứ mới nên đã bác kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm.
HOÀNG YẾN