"Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của TP.HCM sẽ được tăng cường hơn nhằm thu hút nguồn lực người Việt Nam (VN) ở nước ngoài đóng góp cho TP theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98”. Đó là điều mà Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đã khẳng định trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xoay quanh câu chuyện thu hút nguồn lực kiều bào từ Nghị quyết 98.
Cộng đồng người VN ở nước ngoài đã làm tốt vai trò cầu nối
. Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về vai trò, sự đóng góp của kiều bào trong việc phát triển TP.HCM trong những năm qua?
+ Ông Nguyễn Hồ Hải: Hiện TP.HCM có liên hệ với khoảng 2,9 triệu người VN ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, hơn 80% người VN đang sống ở các nước công nghiệp phát triển, các trung tâm kinh tế...
TP.HCM đánh giá rất cao đội ngũ doanh nhân, trí thức, nhà khoa học là người VN ở nước ngoài có liên hệ với TP. Họ đã thực hiện tốt vai trò cầu nối để giúp TP kết nối với các tổ chức kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật trên thế giới. Đồng thời, họ cũng là cầu nối hữu nghị, là sứ giả cho hoạt động đối ngoại của TP.HCM.
Cộng đồng người VN ở nước ngoài cũng có vai trò to lớn trong việc quảng bá, giới thiệu, truyền thông đến với bạn bè quốc tế các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, của TP.HCM nói riêng.
Lực lượng doanh nghiệp người VN ở nước ngoài đầu tư về TP đã góp phần trong công tác chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ, giúp TP.HCM làm chủ các phát minh đột phá trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Họ tham gia đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các dự án chiến lược của TP, như đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…
Cộng đồng doanh nhân người VN ở nước ngoài đã cùng đồng hành với TP đưa ra các giải pháp tăng cường huy động, kết nối cộng đồng người VN ở nước ngoài tiêu thụ các sản phẩm thương hiệu TP; đẩy mạnh kênh xuất khẩu hàng hóa và bảo vệ thương hiệu hàng hóa của TP ở thị trường các nước trên thế giới.
Tuyên truyền mạnh để rút ngắn khoảng cách địa lý với kiều bào
. Nghị quyết 98 với những cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện thuận lợi gì để kiều bào tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của TP.HCM thời gian tới, thưa ông?
+ TP.HCM nhận thức Nghị quyết 98 là động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực để phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Vì vậy, công tác chuẩn bị triển khai Nghị quyết 98 ngay từ sớm đã được lãnh đạo TP.HCM xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nghị quyết này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của TP.HCM trong thời gian tới với nhiều nội dung cụ thể.
Thông qua cầu nối của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp người VN ở nước ngoài để kết nối, thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế quan tâm tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào TP.HCM.
Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của TP.HCM sẽ được tăng cường hơn nhằm thu hút nguồn lực người VN ở nước ngoài đóng góp cho TP theo cơ chế, chính sách đặc thù. Từ đó, đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách nhanh nhất, có hiệu quả nhất.
. Vậy TP.HCM sẽ làm gì để giúp kiều bào tiếp cận, hiểu và vận dụng tối đa các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, thưa ông?
+ Trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, cơ hội đầu tư vào TP đều được thông tin công khai, minh bạch đến toàn thể nhân dân trong và ngoài nước trên tất cả phương tiện thông tin đại chúng.
Trong thời gian tới, TP.HCM cũng sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trên báo, đài, trang tin điện tử về chủ trương, chính sách của TP đến tất cả người dân TP cũng như kiều bào ta đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước.
Qua đó giúp người dân, kiều bào có đầy đủ thông tin chính xác, góp phần tạo điều kiện cho đồng bào ta có cơ hội đồng hành cùng TP xây dựng và phát triển trên nền tảng cơ chế mới mà Quốc hội đã trao cho TP.HCM.
Với những thông tin về chủ trương, chính sách, cơ hội đầu tư vào dự án tiềm năng, TP cũng sẽ chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) và Sở KH&ĐT cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp của hai cơ quan này. Đồng thời sẽ chuyển tải tới các nhà đầu tư về các thông tin liên quan tới chủ trương, chính sách, cơ hội đầu tư vào dự án tiềm năng... thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư.
Nhiều đặt hàng cụ thể của TP đến kiều bào trong năm mới
. Năm 2024, TP có “đặt hàng”cụ thể gì cho các kiều bào để thu hút tối đa các nguồn lực từ cộng đồng người VN ở nước ngoài, thưa ông?
+ Đối với kiều bào, TP.HCM đặt hàng một số nội dung. Cụ thể, TP.HCM kỳ vọng kiều bào sẽ cùng tham gia góp ý, hiến kế xây dựng các chính sách, tạo môi trường cho các dự án đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
Ngoài ra, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch… để TP có một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, hướng tới giảm phát thải ròng.
Cạnh đó, tư vấn để triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số của TP trên các lĩnh vực. Đầu tư nghiên cứu phát triển lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, thiết kế, chế tạo linh kiện điện tử, pin công nghệ mới.
Đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải bằng công nghệ mới. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics, đảm bảo cho việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa nhanh chóng với giá cả cạnh tranh.
Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM đã sáng tạo trong tuyên truyền
Thời gian qua, Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM đã rất sáng tạo trong việc lồng ghép thông tin, tuyên truyền không chỉ riêng Nghị quyết 98, mà còn thay mặt lãnh đạo TP.HCM thông tin nhiều nội dung.
Trong đó có triển khai Đề án thúc đẩy quan hệ giữa TP.HCM với các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược của VN, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững của TP.HCM giai đoạn 2020-2025; cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” TP.HCM; Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP...
Ông NGUYỄN HỒ HẢI, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM
Thông qua Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP, các ý kiến hiến kế, đề xuất, kết nối của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào nói riêng và cộng đồng người VN ở nước ngoài nói chung sẽ được tiếp nhận để tham mưu cho lãnh đạo TP đảm bảo thực hiện thành công chủ đề năm 2024 của TP là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”.•
.....................................................
Bà NGÔ PHẨM TRÂN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan:
Xây dựng mô hình “khu tập trung” nhiều doanh nghiệp kiều bào
Nghị quyết 98 ra đời rất kịp lúc, đúng vào thời cơ tốt khi nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đổ về đầu tư vào TP.HCM. Việc TP.HCM cần làm bây giờ là nắm bắt thời cơ, triển khai nghị quyết này có hiệu quả, đi vào thực tế, mở ra con đường mới cho kiều bào, tạo điều kiện để kiều bào quay về TP thành lập công ty, DN.
Để phát huy hơn nữa các nội dung từ Nghị quyết 98, TP.HCM cần thông tin mạnh mẽ về chính sách. Cạnh đó, cần phải cho kiều bào biết TP đang có gì và muốn thu hút gì, lĩnh vực nào... để kiều bào tìm hiểu về TP.
Trước mắt, ngay từ bây giờ TP.HCM có thể đẩy mạnh việc xây dựng một trung tâm kết nối. Đây là sẽ nơi trung gian hỗ trợ kiều bào về các thủ tục hành chính, hỗ trợ kế toán và các dịch vụ đi kèm khác... Kiều bào vướng ở đâu có thể liên hệ để gỡ vướng ngay.
Ngoài ra, TP.HCM có thể hỗ trợ kiều bào thuê văn phòng để thành lập công ty với giá ưu đãi. Qua đó, hình thành “khu tập trung” nhiều DN kiều bào đến từ nhiều nước trên thế giới. Việc này nhằm giúp kiều bào đến từ các nước khác nhau có thể gặp gỡ, trao đổi thông tin, đồng thời giúp TP.HCM dễ dàng quản lý các DN, công ty của kiều bào.
...............................
Ông DANNY VÕ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài:
Định vị và xây dựng thương hiệu cho TP.HCM
Tôi rất kỳ vọng TP.HCM sẽ truyền thông mạnh mẽ hơn về những nội dung cụ thể của Nghị quyết 98, những thay đổi về chính sách đầu tư, kinh doanh, cơ chế thu hút nguồn lực trí thức về đóng góp cho TP... Qua đó, kiều bào hiểu, đón nhận và thấy TP đã có thay đổi sát sườn với thực tế chứ không phải chỉ nằm trên giấy.
Khi triển khai nội dung liên quan đến kiều bào, TP.HCM cũng cần xác định rõ từng đối tượng cụ thể để có những chính sách đi vào trọng tâm. Như nhóm kiều bào lớn tuổi quay về đầu tư vào TP.HCM từ những năm 1980; nhóm những người trí thức, đi du học trở về; làn sóng thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài...
Tùy vào từng nhóm đối tượng mà TP có thể có những chính sách, cơ chế khác nhau để hỗ trợ họ, tạo điều kiện cho họ được đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM. Kiều bào cũng là một kênh thông tin mạnh mẽ để quảng bá những cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98, cũng như những cơ hội đầu tư vào TP.HCM với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, theo tôi, để làm tốt hơn việc quảng bá này thì TP.HCM cần định vị, xây dựng lại thương hiệu của bản thân. Trong phương hướng phát triển, TP có thể có nhiều mũi nhọn để phát triển nhưng cần chọn cho mình mũi nhọn nổi trội nhất, tạo ra “câu chuyện” để kể cho bạn bè quốc tế nghe.
Ví dụ, TP Auckland (New Zealand) tự định vị cho mình là “TP của những cánh buồm”, mỗi năm đều tổ chức các cuộc đua du thuyền thu hút bạn bè quốc tế đến du lịch, khám phá. Hay Singapore được định vị là “TP xanh”... Nếu làm tốt được câu chuyện định vị TP.HCM thì kiều bào có thể dễ dàng quảng bá với bạn bè quốc tế để thu hút nhiều hơn các nguồn lực đổ về.
........................
Ông NGÔ SỸ TUYÊN, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Malaysia:
Tạo hành lang thuận lợi cho kiều bào đầu tư vào các dự án cụ thể
Để tăng cường và phát huy hiệu quả vai trò của doanh nhân, DN kiều bào trong thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM cần đưa ra những thông tin cụ thể về cơ chế đặc thù trên các lĩnh vực thu hút đầu tư của TP. Trong đó, phải nêu rõ các nội dung này có gì khác biệt, ưu việt hơn so với hiện hành, so với các tỉnh và TP ở Việt Nam.
Đồng thời công khai các dự án cụ thể trên từng lĩnh vực, ở từng quận, huyện trên địa bàn TP cần thu hút đầu tư. Chẳng hạn về quy mô dự án, mức đầu tư, các ưu đãi về thuế... để các doanh nhân, DN kiều bào lựa chọn hợp tác đầu tư cho phù hợp, hiệu quả.
TP cũng cần có cơ chế để cho kiều bào tham gia mua trái phiếu địa phương, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, tín chỉ carbon, thị trường mua bán carbon... bằng nguồn kiều hối. Đây chính là kênh thu hút hiệu quả các dòng vốn phục vụ tăng trưởng xanh, thu hút các DN kiều bào triển khai dự án trọng điểm của TP.
TP cần hướng dẫn và hỗ trợ doanh nhân, DN kiều bào về các thủ tục hành chính, tạo hành lang thuận lợi nhất, nhanh nhất cho các DN triển khai và thực hiện các dự án.
......................................................
Giải mã kiều hối về TP.HCM tăng mạnh
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, nguồn kiều hối về nước ta có thể đạt 14 tỉ USD trong năm 2023. Vào năm 2022, kiều hối đạt kỷ lục 19 tỉ USD, đưa nước ta nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Nếu so sánh với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2023 của TP.HCM đạt 3,4 tỉ USD thì nguồn kiều hối chuyển về nước ta cao gần gấp ba lần.
Riêng TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2023 đạt khoảng 8,92 tỉ USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong năm năm trở lại đây.
Lý giải về lượng kiều hối tăng mạnh, ông Lệnh cho biết yếu tố trực tiếp nhất là những chuyển biến tích cực về thị trường lao động, việc làm tại các nước trên thế giới sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát; các biện pháp thắt chặt về xuất nhập cảnh, y tế được tháo gỡ. Đặc biệt, dù kiều bào gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn quan tâm, hướng về quê hương hỗ trợ, giúp đỡ thân nhân và gia đình.
Cùng với đó, kinh tế khu vực châu Á vẫn tăng trưởng. Vì vậy, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực này vẫn tăng trưởng tốt và chiếm tỉ trọng cao trong tổng lượng kiều hối chuyển về TP trong năm qua.
Cụ thể, nguồn kiều hối chuyển về chủ yếu là nguồn tiền thu nhập, tích lũy của kiều bào và người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuyển về cho thân nhân trong nước. Trong đó, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á chiếm tỉ trọng cao nhất (48%), tiếp đến là khu vực châu Mỹ (30,8%).
Theo ông Lệnh, kiều hối là nguồn lực tài chính quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Kiều hối mang lại hiệu quả, khác biệt rất lớn so với các nguồn vốn ngoại tệ khác về mặt chi phí sử dụng cũng như điều kiện sử dụng.
Theo đó, với ưu điểm vượt trội so với các nguồn vốn ngoại tệ khác. Theo đó, mỗi nguồn vốn đều có đặc điểm và điều kiện cụ thể đi kèm, song đều mang bản chất chung nhất là hoàn trả (gốc và lãi). Trong khi đó, nguồn kiều hối không chịu áp lực trả nợ cũng như chi phí sử dụng và điều kiện sử dụng.
“Nếu sử dụng hiệu quả nguồn vốn này thì trở thành nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế - xã hội TP, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Bởi kiều hối được người dân sử dụng vào các mục đích khác nhau từ đầu tư sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ đến mua sắm, xây dựng, sửa chữa nhà ở và tiêu dùng, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống…” - ông Lệnh nói.
Ông Lệnh dự báo kiều hối về TP trong năm 2024 sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 10%-15%. “Môi trường đầu tư thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định và cơ chế, chính sách về kiều hối, kiều bào và phát triển thị trường lao động nước ngoài cũng như dịch vụ chi trả kiều hối tiện ích, thuận tiện, an toàn… tiếp tục là những yếu tố thuận lợi thu hút kiều hối chuyển về đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng” - ông Lệnh phân tích.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng TP cần mạnh dạn cải cách thể chế cũng như thủ tục hành chính thì mới thu hút được nguồn lực từ kiều hối nhiều hơn. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế mở.
Đơn cử, TP.HCM đang muốn mở Trung tâm Tài chính quốc tế thì cần phải có cơ chế giúp dòng vốn luân chuyển dễ dàng hơn. Bởi hiện nay, tiền chuyển về Việt Nam thì dễ mà chuyển ra khỏi Việt Nam thì khó, phải chứng minh nguồn gốc. Vậy câu hỏi đặt ra là sau khi kiều bào muốn chuyển tiền về đầu tư tại TP và có lợi nhuận thì làm sao để họ rút tiền về?
TS Huân nêu ví dụ Việt kiều đang có quốc tịch Mỹ muốn chuyển tiền về mua bất động sản thì phải nhờ người thân đứng tên. Nếu chẳng may sau này xảy ra xích mích thì có thể họ phải đối mặt với rủi ro tranh chấp, kiện tụng.
Do đó, nếu TP có cơ chế hỗ trợ kiều bào trong việc chuyển tiền về đầu tư bất động sản sẽ không chỉ góp phần kích thích dòng vốn đầu tư của kiều bào về Việt Nam nhiều hơn mà còn giải quyết lượng lớn tồn kho bất động sản cao cấp khó thanh khoản.
Theo TS Huân, việc chuyển ngoại hối ra nước ngoài liên quan chặt chẽ đến quản lý ngoại hối và tỉ giá. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam không quá cao nên nếu xảy ra tình trạng rút vốn lớn, bất ngờ có thể sẽ xảy ra rủi ro nhất định và nhất là gây áp lực lên tỉ giá, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ.
“Tuy nhiên, nếu vẫn kiểm soát chặt kiều hối như hiện nay thì rất khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài, không chỉ với nguồn kiều hối mà cả với nguồn vốn đầu tư trực tiếp cũng như đầu tư gián tiếp nước ngoài” - ông Huân phân tích.
THÙY LINH