Theo quy định hiện nay, một xe kinh doanh vận tải (KDVT) phải gắn đủ bộ ba gồm: Biển số màu vàng do Bộ Công an cấp, tem kiểm định màu xanh do Cục Đăng kiểm (thuộc Bộ GTVT) cấp và phù hiệu do Bộ GTVT cấp.
Quy định chồng quy định
Cụ thể, xe KDVT phải gắn phù hiệu như xe hợp đồng, xe taxi hay xe cố định theo quy định tại Nghị định 10/2020. Đồng thời, xe KDVT cũng phải mang biển số màu vàng được quy định tại Thông tư 58/2020 do Bộ Công an quản lý. Song song đó, các xe này cũng phải dán tem đăng kiểm được quy định tại Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT do Cục Đăng kiểm quản lý.
Như vậy, một chiếc xe KDVT phải chịu đến ba tầng quản lý từ các bộ, ngành khác nhau.
Anh Phạm Xuân Thủy (một tài xế ô tô công nghệ) chia sẻ: Khi hoạt động loại hình này, tài xế phải thông qua một hợp tác xã và trở thành xã viên để được cấp phù hiệu và đổi biển số màu vàng. Khi đăng kiểm cũng phải xuất trình giấy tờ là xe KDVT để được đăng kiểm theo đúng quy định.
“Nhiều thủ tục như vậy nên chúng tôi cảm thấy khá phiền phức. Trong khi tôi chỉ dùng xe gia đình để kiếm thêm thu nhập vào cuối tuần” - anh Thủy nói.
Đa phần khi được hỏi, các tài xế xe công nghệ đều cho rằng chỉ cần biển số xe màu vàng là có thể nhận biết được đó là xe KDVT. Một xe kinh doanh mà phải gắn nhiều đặc điểm nhận biết như vậy là không cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trang (quản lý Hợp tác xã Sen Việt) cũng cho hay: Khi mới đưa ra quy định về đăng kiểm thì tài xế cho rằng phù hợp vì sự an toàn nói chung. Tuy nhiên, các quy định như dán phù hiệu, dán tem hợp đồng khiến các tài xế phải mất thời gian làm thêm thủ tục, chưa kể đến quy định đánh dấu số ghế, lắp giám sát hành trình...
“Khi quy định về biển số vàng ra đời thì các tài xế lại phải đi đổi biển số. Một chiếc xe kinh doanh mà giống như một xe quảng cáo vậy” - bà Trang nhấn mạnh.
Hiện nay xe kinh doanh vận tải phải gắn biển số màu vàng, gắn phù hiệu và dán tem kiểm định. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cần gom về một mối
ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho biết: Hiện nay bất cập ở chỗ cùng quản lý một chiếc xe KDVT nhưng mỗi công tác lại giao cho một bộ, ngành khác nhau.
“Nên thống nhất lại thành một quy định, chẳng hạn một màu sắc biển số vàng là được, còn các quy định khác không cần thiết. Theo đó, các bộ, ngành nên ngồi lại để thống nhất và gom về một đầu mối quản lý nhằm giảm bớt thủ tục cho người dân” - ông Tính góp ý.
Ông Tính cho rằng khi Quốc hội đang lấy ý kiến về việc tách đôi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, khi đó sẽ cần phân định bộ nào quản lý và đưa thêm vào luật luôn.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Chủ, Giám đốc Chi nhánh thuộc Trung tâm Đăng kiểm 5003V-TP.HCM, cũng cho rằng cần có sự thống nhất đưa về một mối.
“Trước đó, quy định về phù hiệu và đăng kiểm là do Bộ GTVT cấp cho các xe KDVT, sau đó Bộ Công an lại quy định thêm về biển số màu vàng. Các bộ không liên thông với nhau nên dẫn đến sự chưa đồng nhất. Chỉ cần một ký hiệu thống nhất thì sẽ dễ dàng hơn cho người dân. Nhiều ký hiệu quá lại trở thành dư thừa” - ông Chủ phân tích.
Ông Chủ cho hay hiện tại Bộ GTVT vẫn đang quy định một loại tem. Tuy nhiên, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 70/2015 thì tem đăng kiểm quy định thành hai loại: Tem màu xanh dành cho xe KDVT và tem vàng cho các loại xe bình thường khác.
“Đặc biệt trong thời đại 4.0, truy cập dữ liệu hoặc quét mã vạch là có thể kiểm tra được hết các thông tin thay vì quy định quan sát bằng mắt thường như vậy” - ông Chủ nhận định.
Nên có cuộc khảo sát khoa học Một chuyên gia giao thông (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho rằng: Cần có một cuộc khảo sát khoa học và xử lý xác suất mới có thể đưa ra kết luận. Xét về mặt quản lý nhà nước, các đơn vị chức năng muốn kiểm soát để tạo sự công bằng giữa taxi và các loại hình xe vận tải khác. Nếu nói rằng các thủ tục này rắc rối thì qua cuộc khảo sát, người dân nên hiến kế cho Nhà nước để đưa vào áp dụng. “Tách riêng việc đăng kiểm là nhằm mục đích kiểm soát kỹ hơn về tiêu chuẩn an toàn. Còn phù hiệu là logo để phân biệt cụ thể hơn xe taxi riêng, xe hợp đồng riêng và xe cố định riêng” - vị này phân tích. Trên thực tế, khi có một sự thay đổi khác với thói quen, thông lệ từ trước đến nay đều sẽ gây cảm giác khó chịu, đây là tâm lý chung của con người. Vì vậy, Nhà nước cần có sự tuyên truyền về lĩnh vực này để người dân thấu hiểu. Vị chuyên gia cũng cho rằng đối với tài xế xe công nghệ, phải làm sao để phân biệt được xe KDVT hoạt động thường xuyên (chuyên nghiệp) và xe chỉ làm thêm cuối tuần (không chuyên). Để tránh trường hợp gây phiền phức đối với người chạy xe KDVT không chuyên thì Nhà nước có thể kiểm soát bằng cách giám sát hành trình thay vì bắt họ phải gắn các thủ tục như xe KDVT thông thường. Theo đó, Nhà nước nên tách riêng loại xe công nghệ hoạt động chuyên nghiệp với xe hoạt động không chuyên và dựa vào dữ liệu truyền về từ hộp đen để kiểm soát. Đối với loại hình không chuyên thì có chính sách không thu thuế hay một chương trình gì đó để khuyến khích cho người dân thay vì để họ phải kiến nghị như hiện nay. |