Kinh nghiệm pháp lý: Ngày tết nhớ đừng đốt pháo!

Ở vụ thứ nhất, TAND thành phố Thái Bình đã tuyên phạt Hoàng Đắc Phong bốn năm sáu tháng tù và Nguyễn Thị Hường, vợ Phong, hai năm tù treo về tội chế tạo trái phép vật liệu nổ. Hội đồng xét xử còn tuyên phạt Nguyễn Đình Chiểu ba năm tù về tội vận chuyển hàng cấm. Ngoài ra, hai bị cáo Phong và Chiểu còn phải nộp 5-10 triệu đồng sung công quỹ.

Theo hồ sơ, đầu tháng 3-2010, Phong ra thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) mua 4 kg thuốc pháo và 4.000 dây ngòi pháo. Sau đó, Phong cùng vợ là Hường sản xuất pháo tại nhà. Chiều 26-9-2010, nhận được đơn đặt hàng mua pháo, hai vợ chồng Phong, Hường thuê Chiểu cùng vận chuyển 99 bánh pháo lên thành phố Thái Bình để giao hàng. Đến tối cùng ngày, cả ba đã bị công an bắt quả tang đang vận chuyển số pháo trên.

Ở vụ thứ hai, TAND thành phố Thái Bình cũng tuyên phạt Nguyễn Văn Phong ba năm chín tháng tù và Vũ Văn Tuyển sáu tháng tù giam cùng về tội gây rối trật tự công cộng. Tối 24-12-2010, Phong chuẩn bị pháo nổ, sau đó bảo Tuyển ba lần đốt pháo tại các nơi công cộng.

Kinh nghiệm pháp lý: Ngày tết nhớ đừng đốt pháo! ảnh 1

Thưởng thức pháo hoa đêm giao thừa. Ảnh: HOÀNG HÀ

Cùng ngày, TAND tỉnh Thái Bình cũng tuyên phạt Phạm Văn Tuyền chín tháng tù về tội buôn bán hàng cấm. Theo hồ sơ, vào sáng ngày 4-12-2010, Tuyền đã bị công an phát hiện, bắt quả tang khi đi xe ô tô khách mang theo 499 quả pháo hình cái cù do Trung Quốc sản xuất, trọng lượng 19 kg về Thái Bình tiêu thụ.

KINH NGHIỆM PHÁP LÝ: Trong những năm qua, dù bị cấm nhưng hành vi đốt pháo vẫn diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt vào đêm giao thừa.

Theo Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 8-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ: Kể từ ngày 1-1-1995, nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Nghiêm cấm việc nhập khẩu các loại pháo, các loại thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo từ nước ngoài vào Việt Nam. Mọi loại pháo nước ngoài đang được buôn bán trên thị trường Việt Nam đều bị tịch thu, tiêu hủy và thu hồi giấy phép kinh doanh, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chỉ thị này cũng nghiêm cấm đốt pháo trong trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang; cấm đốt pháo gây nguy hiểm cho người khác, ảnh hưởng đến môi trường, trật tự chung...

Người đốt các loại pháo trái pháp luật, người sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển pháo, thuốc pháo sẽ bị xử lý hành chính. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Trong trường hợp hành vi có tính chất nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Năm 2008, Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 06 năm 2008 về việc hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm về pháo. Theo đó, căn cứ từng hành vi, người vi phạm có thể bị truy tố theo các tội danh chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 232); tội buôn lậu (Điều 153); vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 154); và buôn bán hàng cấm (Điều 155) của BLHS.

Thông tư cũng quy định rõ phạm vi xử lý hình sự đối với các vi phạm về pháo được thực hiện với tất cả các loại pháo, không chỉ pháo nổ. Đồng thời, người đốt pháo ở nơi công cộng, ném ra đường, gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội gây rối trật tự công cộng (Điều 245 BLHS) với các trường hợp đốt pháo nổ từ 1 kg đến dưới 5 kg (pháo thành phẩm) hoặc từ 0,1 đến dưới 0,5 kg (thuốc pháo).

Khung hình phạt sẽ tăng nặng đối với các hành vi lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo; đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5 kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương 0,5 kg thuốc pháo trở lên.

HOÀNG YẾN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 175)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm