Kinh tế châu Âu bất ổn, ảnh hưởng xuất khẩu Đông Nam Á

(PLO)- Tình hình kinh tế châu Âu bất ổn có thể sẽ khiến người tiêu dùng ở đây khó mở hầu bao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thông thương hai chiều với Đông Nam Á.

Đài DW dẫn lo ngại gần đây của nhiều chuyên gia về hoạt động xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á. Theo các chuyên gia, hoạt động này đang bắt đầu bị ảnh hưởng từ các thách thức kinh tế mà châu Âu đang phải đối mặt. Nguy cơ suy thoái ở phương Tây có thể đặt ra thách thức lớn cho quá trình phục hồi kinh tế Đông Nam Á trong những tháng cuối năm và sang cả năm 2023.

Quang cảnh một cảng biển ở Singapore hồi tháng 10. Ảnh: AFP

Quang cảnh một cảng biển ở Singapore hồi tháng 10. Ảnh: AFP

Kinh tế toàn cầu đi xuống

Báo cáo tháng 9 của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, thậm chí có thể dẫn tới một loạt khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Công ty tài chính Fitch Solutions (Mỹ) dự báo kinh tế Mỹ sẽ có dấu hiệu suy thoái dần bắt đầu từ năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) tuy đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 3,1% trong năm nay nhưng sẽ chỉ đạt 0,5% vào năm sau. Ngoài ra, tình trạng lạm phát tăng vọt, giá năng lượng leo thang do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ khiến các nền kinh tế ở châu Âu chật vật trong năm tới, buộc người tiêu dùng nội địa cắt giảm chi tiêu. Đây là tin xấu đối với các nhà xuất khẩu ở Đông Nam Á, nhất là trong lĩnh vực dệt may - ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của nhiều nước trong khu vực.

“Sự giảm tốc của ngành xuất khẩu ở Đông Nam Á sẽ trầm trọng thêm. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sụt giảm thêm, trong khi rủi ro suy thoái ngày càng cao. Liên minh châu Âu (EU) rất dễ rơi vào suy thoái vì khu vực này tiếp tục gánh chịu những cú sốc về nguồn cung và chi phí sinh hoạt từ chiến tranh Nga - Ukraine” - chuyên gia kinh tế Brian Lee Shun Rong thuộc Công ty tài chính Malayan Banking Berhad (Malaysia) nhận định. Đây là bối cảnh kinh tế mà Đông Nam Á phải đối mặt.

Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN và chiếm khoảng 1/10 kim ngạch thương mại hằng năm của toàn khu vực Đông Nam Á, trong đó tỉ trọng xuất khẩu hàng dệt may cao hơn các ngành còn lại.

Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Trên thực tế, số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu của Đông Nam Á đã sụt giảm từ tháng 7 đến nay. Lấy Campuchia làm ví dụ, trong sáu tháng đầu năm xuất khẩu hàng dệt may tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là ngành trọng tâm, chiếm phân nửa tổng xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng giảm còn 19,9% trong tháng 7 và sụt về 2,7% trong tháng 8. Đến tháng 9, xuất khẩu dệt may của Campuchia thậm chí giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổng cục Hải quan nước này. Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất hàng dệt may Campuchia Ken Loo lo ngại xuất khẩu dệt may của Campuchia sang thị trường châu Âu sẽ còn tiếp tục giảm trong quý IV năm nay và sang năm 2023.

Về phía Việt Nam, các hoạt động thương mại qua lại với EU hồi năm ngoái tăng 14,8%, đạt 63,6 tỉ USD. Tuy nhiên, trong tháng 8 và tháng 9 năm nay, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này giảm còn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên gia Brian Lee Shun Rong dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa hằng tháng của Việt Nam sang EU có thể tiếp tục giảm, thậm chí xuống ngưỡng âm trong quý IV-2022 và đầu năm 2023 nếu tình hình kinh tế ở EU không cải thiện.

Với Malaysia, xuất khẩu sang EU được đánh giá tăng trưởng 26% trong năm nay nhưng có thể giảm còn 1,3% trong năm 2023, theo nhận định của Ngân hàng châu Á UOB. Tương tự, Thái Lan và Myanmar (hai nước xuất khẩu dệt may lớn khác) cũng đã và sẽ tiếp tục chứng kiến thực tế xuất khẩu sang các nước EU giảm sút trong thời gian tới.

Vẫn khả quan về dài hạn

Tuy nhiên, một số tổ chức doanh nghiệp lại đưa ra những kịch bản khả quan hơn về thương mại trong thời gian tới giữa châu Âu và Đông Nam Á. Chủ tịch Hội đồng kinh doanh EU - ASEAN Chris Humphrey khẳng định đầu tư từ châu Âu vào khu vực này đã phục hồi mạnh trong thời gian qua. Tính trong năm ngoái, khối doanh nghiệp châu Âu đã đổ 25,5 tỉ USD đầu tư vào Đông Nam Á. Thương mại hai chiều giữa EU với ASEAN đến cuối năm 2021 đã phục hồi về gần mức trước đại dịch, đạt 270 tỉ USD cả năm.

Ông Humphrey tuy có thừa nhận khả năng thương mại giữa châu Âu với Đông Nam Á trong những tháng sắp tới bị ảnh hưởng tiêu cực, song tin rằng “quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ giữa EU và ASEAN vẫn sẽ tiến về phía trước”.

Chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen thuộc Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) cũng khuyến nghị các doanh nghiệp hai bên nên lường trước “sự chậm đi, chứ không phải đổ vỡ hoàn toàn xuất khẩu”. Theo bà Nguyen, những ảnh hưởng tiêu cực của bức tranh kinh tế chung lên mỗi nước Đông Nam Á sẽ không giống nhau. Những nước như Campuchia dễ bị ảnh hưởng vì các vấn đề kinh tế ở phương Tây hơn, do tỉ trọng xuất khẩu so với GDP lớn hơn. Một vấn đề khác đối với Đông Nam Á là nhu cầu của thị trường Trung Quốc có thể không phục hồi kịp thời để bù đắp cho sự suy giảm từ châu Âu.•

Kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu khu vực

Theo báo cáo mới nhất về kinh tế số Đông Nam Á do Công ty công nghệ Google (Mỹ), Công ty tư vấn quản lý Bain (Mỹ) và Công ty đầu tư Temasek (Singapore) phối hợp thực hiện và công bố mới đây, Việt Nam được đánh giá có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất trong khu vực. Lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng mạnh, đạt 14 tỉ USD vào năm 2022 - tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của ngành dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 49 tỉ USD từ đây đến năm 2025.

Báo cáo còn cho biết kinh tế số Việt Nam bùng nổ trên khắp các vùng thành thị và nông thôn nhờ cơ sở hạ tầng hậu cần được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại diễn ra rộng khắp. Một lý do khác là Việt Nam có lực lượng lao động công nghệ trong nước chất lượng cao.

Trong thời kỳ hậu đại dịch, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia nhanh chóng khôi phục các hoạt động “bình thường mới” và giữ được các xu hướng tiêu dùng trên các nền tảng điện tử giống như giai đoạn có dịch. Khoảng 90% người tiêu dùng kỹ thuật số được khảo sát có ý định duy trì hoặc thậm chí tăng cường sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm