Hôm 26-9, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - bà Christine Lagarde cho hay châu Âu đang đối mặt tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức dự kiến trong khi lạm phát tiếp tục tăng cao, theo đài RT.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde. Ảnh: REUTERS |
Phát biểu trước Ủy ban Các vấn đề về Kinh tế và Tiền tệ của Nghị viện châu Âu, bà Lagarde thừa nhận lạm phát vẫn ở mức quá cao và có thể vượt mục tiêu lạm phát mà ECB đặt ra trong khoảng thời gian dài.
Bà cũng cảnh báo rằng “những hậu quả kinh tế đối với khu vực đồng euro (Eurozone)” do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra đã tiếp tục gia tăng kể từ tháng 6, ám chỉ những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào dầu và khí đốt của Nga.
Theo bà, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ "tiếp tục phủ bóng lên châu Âu” đẩy giá năng lượng lên cao làm giảm chi tiêu của người dân và khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chi phí tăng cao.
"Triển vọng đang dần u ám” - bà Lagarde nói, đồng thời cho biết ECB dự báo tăng trưởng kinh tế trong khu vực sẽ "chậm lại đáng kể” trong giai đoạn còn lại của năm 2022 và tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 đạt 3,1%.
Bà cũng nói thêm rằng tốc độ tăng trưởng của năm 2023 sẽ thấp hơn nhiều và chỉ đạt 0,9%, song tình hình kinh tế khu vực châu Âu sẽ khả quan hơn vào năm 2024 khi tốc độ tăng trưởng dự báo đạt 1,9%.
Về tình hình lạm phát, Chủ tịch ECB nhận định rằng lạm phát cao trở nên trầm trọng bởi sự gián đoạn nguồn cung khí đốt, đồng thời nói thêm rằng "sự bất định” và "niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp suy giảm” cũng góp phần vào những dự đoán ảm đạm.
Tỉ lệ lạm phát hằng năm của Eurozone trong tháng 8 đã tăng lên 9,1%, chủ yếu do cuộc khủng hoảng năng lượng và giá thực phẩm cao liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. ECB dự báo lạm phát trong năm 2022 là 8,1% và lạm phát sẽ giảm dần trong các năm 2023 và 2024 với mức tương ứng là 5,5% và 2,4%.
Để đối phó với tình hình lạm phát đang ở mức cao kỷ lục, vào đầu tháng 9 vừa qua, ECB đã đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai của ECB trong 11 năm qua sau khi hồi tháng 7 ngân hàng này quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.
Bà Lagarde giải thích việc tăng lãi suất sẽ "làm giảm nhu cầu” nhưng đảm bảo cho "lạm phát dự kiến vẫn được neo giữ tốt”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch ECB cũng thừa nhận tình hình dự kiến sẽ "tồi tệ hơn trước khi nó trở nên tốt hơn" liên quan đến giá năng lượng và thực phẩm cao”. Tuy nhiên, bà kêu gọi chính phủ các nước đảm bảo sự hỗ trợ tài chính cho “các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất” để không làm trầm trọng thêm “áp lực lạm phát”.