Chống lạm phát hay ngăn suy thoái, bài toán khó với Mỹ

(PLO)- Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc Fed liên tục tăng lãi suất vừa khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vừa không giải quyết được lạm phát, vì không xử lý được các nguyên nhân chính: Chuỗi cung ứng gián đoạn, hậu quả trừng phạt Nga…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mỹ đang phải đối phó với tình trạng lạm phát cao nhất trong 40 năm. Theo dữ liệu Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13-7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 tăng 1,4% so với tháng 5 và tăng 9,1% so với một năm trước (cao hơn 0,3% so với mức 8,8% các nhà kinh tế dự báo trước đó). CPI hồi tháng 5 cũng tăng 1% so với tháng 4, tăng 8,6% so với một năm trước và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12-1981.

Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hai lần tăng lãi suất để giảm cầu, kìm lạm phát. Ngày 4-5, Fed tăng lãi suất thêm 0,5%, mở biên độ lãi suất chuẩn lên 0,75%-1%. Ngày 15-6, Fed tăng lãi suất thêm 0,75%, mở biên độ lãi suất chuẩn lên 1,5%-1,75%. Và theo thông tin họp nội bộ của Fed thì khả năng lãi suất sẽ tăng nữa trong tháng 7 (thêm 0,5%-0,75%) “nếu áp lực lạm phát vẫn tiếp tục tăng”, kênh CNBC đưa tin.

Người dân Mỹ mua sắm tại một siêu thị ở hạt Manhattan, TP New York (Mỹ) hồi tháng 6-2022. Ảnh: REUTERS

Người dân Mỹ mua sắm tại một siêu thị ở hạt Manhattan, TP New York (Mỹ) hồi tháng 6-2022.

Ảnh: REUTERS

Về lộ trình tăng tiếp theo, theo tính toán của các quan chức Fed thì biên độ lãi suất có thể tăng lên mức 3,1%-3,6% vào cuối năm 2022, lên 3,6%-4,1% vào năm 2023. Với đà tăng lãi suất này, lạm phát ở Mỹ được kỳ vọng sẽ được khống chế xuống mức 4,3% vào cuối năm nay và còn 2,7% trong năm 2023. Mục tiêu của Fed là đẩy lạm phát giảm về mức dài hạn 2%.

Tranh cãi

Việc tăng lãi suất nhằm mục đích kéo giảm nhu cầu tiêu dùng xuống mức đồng đều với nguồn cung đang bị hạn chế, làm dịu áp lực giá cả. Fed lưu ý rằng các động thái chính sách, gồm việc mở rộng biên độ lãi suất chuẩn, đã mang lại kết quả, góp phần giảm lạm phát. Các quan chức Fed thừa nhận việc thắt chặt chính sách có thể “làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong một thời gian”, tuy nhiên cần thiết phải kìm lạm phát vì “nếu không được kiểm soát thì sẽ tốn kém hơn nữa để đưa lạm phát trở lại mục tiêu” 2%.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Fed gây tranh cãi trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang trên đà bất ổn, theo CNBC. Tổng sản phẩm quốc nội Mỹ trong quý I-2022 giảm 1,6% và đang có xu hướng giảm 2,1% trong quý II-2022, theo dữ liệu của Fed. Điều đó sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Dù vẫn lạc quan về con đường dài hạn của nền kinh tế Mỹ, Fed ghi nhận một số báo cáo về việc doanh số tiêu dùng chậm lại và một số lượng doanh nghiệp kiềm chế đầu tư do chi phí tăng. Chính Fed đã giảm mạnh dự báo GDP xuống 1,7% cho năm 2022 từ mức ước tính 2,8% trước đó hồi tháng 3.

Hãng tin Bloomberg đánh giá rằng “sự thúc đẩy tích cực của Fed để kiềm chế tình trạng lạm phát nóng nhất trong 40 năm” đã làm chao đảo thị trường tài chính, khi các nhà đầu tư lo ngại chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận thấy có sự suy yếu trong chi tiêu của người tiêu dùng, giảm các hoạt động tài chính, thu hẹp hoạt động sản xuất ở Mỹ. Lãi suất thế chấp, vốn đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm, cũng đang hạ nhiệt thị trường nhà ở.

Nguy cơ suy thoái của Mỹ trong năm tới là hơn 30%, Bloomberg Economics đánh giá. Trong khi đó, theo GS danh dự về kinh tế học Steve Keen tại ĐH College London (Anh), với đà tăng lãi suất này thì suy thoái ở Mỹ có thể đến vào cuối năm nay.

“Lạm phát giống một căn bệnh và thuốc cần được điều chỉnh cho phù hợp với từng vấn đề cụ thể, nếu không có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn rất nhiều. Và hiện tại, Fed không có khả năng kiểm soát động lực chính khiến giá cả tăng” - Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren nói với Chủ tịch Fed Jerome Powell khi ông Powell điều trần trước Quốc hội. Theo bà, động lực khiến giá cả tăng là các vấn đề về chuỗi cung ứng, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga.

Tăng lãi suất không giải quyết nguyên nhân chính

Không phải ai cũng hài lòng với cách làm của Fed. Một trong 18 nhà hoạch định chính sách của Fed, Chủ tịch Fed ở TP Kansas - ông Esther George đã không đồng tình với việc tăng lãi suất thêm 0,75% hồi tháng 6.

Nhiều chuyên gia kinh tế ở Mỹ cho rằng bước đi của Fed vừa khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, vừa không giải quyết được lạm phát vì không xử lý được các nguyên nhân chính khiến giá cả tăng cao: Chuỗi cung ứng gián đoạn do đại dịch, do chiến tranh, hậu quả trừng phạt Nga…

Trao đổi với CNBC, chuyên gia phân tích và lập kế hoạch đầu tư Paul Gambles, đồng sáng lập Công ty tư vấn tài chính MBMG Group (Thái Lan), cho rằng việc Fed tăng lãi suất với ý nghĩ để kiềm chế nhu cầu từ đó giảm lạm phát không phải là giải pháp phù hợp, vì giá cả tăng chủ yếu do các cú sốc trong chuỗi cung ứng.

Các nhà sản xuất và nhà cung cấp toàn cầu đã không thể sản xuất và cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng hiệu quả trong thời gian đại dịch. Các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga cũng góp phần cắt giảm nguồn cung. Theo ông Gambles, nếu không có biện pháp xử lý cú sốc nguồn cung thì Fed sẽ khó có thể kiềm chế lạm phát về lâu dài.

Ông Gambles kết luận rằng việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ là “giải pháp sai lầm”, thay vào đó Mỹ nên xem xét việc tăng cường tài khóa để khắc phục lạm phát.•

Mỹ có cần thiết chống lạm phát bằng mọi giá, kể cả chấp nhận suy thoái?

Nhà kinh tế trưởng Michael R. Englund của Công ty dịch vụ tài chính Action Economics (Mỹ) tin rằng Fed dùng đến công cụ tăng lãi suất vì “không có lựa chọn nào khác”. Tuy nhiên, ông cho rằng Mỹ không nhất thiết phải chiến đấu với lạm phát bằng mọi giá, kể cả chấp nhận suy thoái.

“Mỹ không nhất thiết phải suy thoái để ngăn chặn lạm phát, vì một phần lớn mức tăng giá quá lớn trong hai năm qua phản ánh sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và những gián đoạn khác đã đẩy giá của nhiều sản phẩm lên mức không bền vững. Năng lượng, vật liệu xây dựng, xe cộ có mức giá hiện tại không bền vững và chúng ta có thể sẽ thấy những mức giá này giảm trở lại vào năm 2023, bất kể Mỹ có bước vào thời kỳ suy thoái hay không” - ông Englund giải thích với hãng tin Sputnik.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm