Đối với người Việt, cứ đến đâu có bát hương, có thần linh họ đều khấn lạy. Hiện nay họ đi khấn lạy chỉ nhằm mục đích cho sự việc cụ thể nào đó chứ không đặt một trọng tâm về vấn đề tư tưởng. Việc vào chùa lễ, đền lễ, đình lễ đối với họ không mấy khác nhau, họ không có sự phân định. Họ đi lễ thần, lễ thánh như một sự đặt cược để cầu xin và đem lễ vật lên như một khoán ước.
Những hoạt động hướng về tâm linh rầm rộ như vậy không có nghĩa là con người hướng đến đạo. Hỏi họ đi chùa, chùa thờ ai, họ nói là thờ Phật. Họ không phân định được thờ Phật mà Phật là trí tuệ, đến chùa là để hướng đến thiện tâm trên nền tảng trí tuệ. Họ chỉ nghĩ đến cầu cho sang giàu bình an, đạt được cái này cái kia. Họ không biết đạo Phật, giáo lý nhà Phật vốn dĩ là một hệ triết học vô thần từ bi và thoát tục nhưng họ đã đi ngược lại và họ biến Phật Bồ Tát thành thần để cầu xin, cho nên chuyện đi lễ hiện nay không phải là một tập quán mà nó là một xu thế để cầu sự yên ổn, khỏe mạnh, sự phát tài phát lộc cho những cá nhân chứ quốc thái dân an ít được người ta nghĩ tới, mặc dù trong lễ hội họ vẫn đọc lên nhưng khi đi theo những người đi lễ thì họ lại cầu xin kiểu khác.
Bây giờ lễ hội đầy sự lộn xộn mà không ai hướng dẫn họ, lỗi không phải chỉ ở cá nhân người đi lễ mà ở sự hướng dẫn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tâm linh. Đó là một điều tất yếu trong sự không định hình được đường đi tâm linh, đây không phải sai lầm mà là sự thiếu hiểu biết của những người dẫn dắt tinh thần tâm linh. Kinh tế thị trường cần thúc đẩy cho đi lễ và lễ hội của những người liên quan đến các việc này quá mạnh, ý đồ về kinh tế nhiều hơn vấn đề tâm linh. Tâm linh phục vụ cho kinh tế thì kinh tế tất phải thắng.
Tình trạng này tác động một phần đến xã hội. Tâm linh sai lệch ngay cửa chùa, cửa đền bởi ở đây phải hướng đến điều thiện thì đã có những hành động vũ phu tàn ác như tranh cướp. Hành động người ta giẫm đạp lên người khác để tranh cướp về cho mình cũng là một biểu hiện có thực trong đời sống xã hội, chứ không đơn thuần chỉ ở lễ lội.