Tuy nhiên, suốt tháng 1, dường như phép màu bất chợt biến mất. Hơn 3.000 tỷ USD bị thổi bay khỏi TTCK toàn cầu kể từ đầu năm. Chỉ số S&P 500 giảm gần 5%, chỉ số Nikkei 225 giảm 14% trong khi chỉ số MSCI Emerging-market mất gần 9%.
Không có gì đáng ngạc nhiên nếu như nhà đầu tư muốn chốt lời sau đợt tăng điểm quá mạnh mẽ. Đặc biệt, giá cổ phiếu Mỹ đang ở mức quá cao: chỉ số S&P 500 đã kết thúc năm 2013 với chỉ số P/E (với lợi nhuận 10 năm tiếp theo) lên tới 25 lần – cao hơn nhiều so với mức trung bình 16 lần trong lịch sử.
Tuy nhiên, một vài tin tức kinh tế không mấy khả quan trong thời gian gần đây khó có thể gây nên sự hoảng loạn. Ví dụ, hoạt động sản xuất của Mỹ bất ngờ yếu hơn dự báo không có nhiều khả năng khiến chỉ số Nikkei giảm tới hơn 4% trong 1 ngày.
Từ vững chãi … đến “mong manh dễ vỡ”
Giá cả luôn luôn biến động, nhưng cuối cùng thì chúng vẫn được quyết định bởi những yếu tố kinh tế cơ bản. Do đó, có thể bạn đã mắc sai lầm khi quá lạc quan.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế vốn đã nổi tiếng yếu kém trong khả năng dự báo những bước ngoặt đột ngột trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Còn ở thị trường mới nổi, giá tài sản sụt giảm ảnh hưởng lớn đến triển vọng tăng trưởng của năm 2014 trong bối cảnh các điều kiện tín dụng bị thắt chắt và dòng vốn ngoại không còn dồi dào như trước.
Dẫu vậy, tác giả bài viết này vẫn cho rằng với những bằng chứng hiện tại, nhà đầu tư lại ở trong tình trạng bi quan thái quá. Một loạt số liệu gây thất vọng không có nghĩa là đà phục hồi của kinh tế Mỹ đang chậm lại.
Đúng là kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, nhưng xác suất nền kinh tế lớn thứ hai thế giới “hạ cánh cứng” là rất thấp. Mặc dù các thị trường mới nổi khác đã tăng trưởng chậm hơn trong năm 2014, nhưng không phải chúng sụp đổ trên diện rộng.
Và, có nhiều khả năng chính sách tiền tệ của châu Âu và Nhật Bản sẽ được nới lỏng hơn nữa. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo vẫn sẽ vượt qua tốc độ 3% của năm ngoái.
Do đó, dường như kinh tế thế giới chỉ đang “loạng choạng” chứ không phải “bổ nhào” và sụp đổ.
Triển vọng kinh tế Mỹ là lý do quan trọng nhất dẫn đến quan điểm này. Bởi vì Mỹ đang dẫn dắt đà phục hồi của kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ yếu ớt có nghĩa là triển vọng của kinh tế toàn cầu trở nên u ám hơn.
Tuy nhiên, có vẻ như kịch bản này sẽ không xảy ra. Thời tiết không thuận lợi là nguyên nhân dẫn đến những số liệu không mấy khả quan của tháng 1 – từ số đơn đặt hàng cho tới số xe hơi bán ra.
Nước Mỹ đã trải qua một mùa đông lạnh giá bất thường, với bão tuyết và nhiệt độ giảm xuống mức thấp kỷ lục. Điều này khiến các hoạt động kinh tế bị gián đoạn.
Không có lý do gì để nghĩ rằng chi tiêu của người Mỹ sẽ đột ngột sụt giảm. Bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình Mỹ vẫn khá khỏe mạnh. TTCK sụt giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin tiêu dùng, nhưng việc nhà đầu tư tháo chạy khỏi rủi ro đã khiến lãi suất trái phiếu giảm xuống và sau đó là lãi suất các khoản vay thế chấp cũng giảm. Chính sách tiền tệ của Mỹ cũng không còn bế tắc như trong năm 2013.
Rõ ràng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang giảm tốc. Chỉ số PMI tháng 1 ở mức thấp nhất 6 tháng. Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong bao lâu và với tốc độ nào.
Nhiều nhà đầu tư đã lo ngại về kịch bản hạ cánh cứng. Họ lập luận rằng Trung Quốc đã chạm đến giới hạn của mô hình dựa vào nợ và đầu tư và mô hình này không chỉ kết thúc bằng tăng trưởng suy giảm mà còn là khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chính phủ Trung Quốc vẫn có được khả năng chống đỡ.
Có vẻ như nỗi lo sợ về Trung Quốc đã bị thổi phồng và điều tương tự cũng xảy ra đối với kịch bản các thị trường mới nổi sụp đổ. Điều này cũng là dễ hiểu bởi tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có tác động rất lớn đối với các thị trường mới nổi.
Dự báo về tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến cơn bán tháo của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường mới nổi cũng như chính sách tiền tệ của các nước mới nổi.
Sau khi đã nâng lãi suất lên gấp đôi, Thổ Nhĩ Kỳ có thể may mắn tăng trưởng 2% trong năm 2014 sau khi tăng gần 4% trong năm 2013. Tuy nhiên, ở hầu hết các thị trường khác, nâng lãi suất sẽ chặn đứng đà phục hồi.
Lý do cuối cùng khiến nhà đầu tư không nên quá bi quan là châu Âu và Nhật Bản sẽ thực hiện chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn. Với lạm phát ở mức đáng lo ngại 0,8%, ECB cần phải làm nhiều hơn nữa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Lập luận này còn xác đáng hơn ở Nhật Bản – nơi mà TTCK đã lao dốc mạnh nhất trong năm 2013 và nền kinh tế sẽ phải chịu cú sốc sau đợt tăng thuế tiêu dùng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/4 tới.
Vẫn cần những "thìa đường"
Nếu những lập luận này đúng, sự bi quan hiện nay của thị trường sẽ chỉ là nhất thời. Nhà đầu tư sẽ “hoàn hồn” sau khi họ nhận ra rằng không phải kinh tế thế giới đang lao dốc.
Tuy nhiên, họ cũng không nên quá hứng khởi. Kinh tế thế giới còn một chặng đường rất dài phía trước để phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh thế giới phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế Mỹ, rủi ro xuất hiện ở Trung Quốc và chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn là "liều thuốc phiện".