Kinh tế trì trệ ảnh hưởng sao đến thói quen chi tiêu dân châu Âu?

(PLO)- Nhiều người dân châu Âu đang chọn cách chi tiêu dè dặt hơn trong bối cảnh giá mọi thứ đắt đỏ hơn và thu nhập có xu hướng giảm xuống.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người dân châu Âu đang phải đối mặt với một thực tế kinh tế mới - một thực tế mà họ chưa từng trải qua trong nhiều thập niên. Đó là họ đang trở nên nghèo hơn và phải chi tiêu dè dặt hơn.

Kinh tế đi xuống

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tiêu dùng cá nhân tại 20 quốc gia thuộc khu vực đồng euro đã giảm khoảng 1% kể từ cuối năm 2019. Cũng kể từ năm 2019, tiền lương đã giảm khoảng 3% ở Đức, giảm 3,5% ở Ý và Tây Ban Nha và giảm 6% ở Hy Lạp.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng khoảng 6% trong 15 năm qua, thấp hơn nhiều so với mức 82% của Mỹ.

Theo một báo cáo vào tháng 7 của Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu (Bỉ), tăng trưởng chậm khiến thu nhập bình quân đầu người của Liên minh châu Âu (EU) thấp hơn so với mọi tiểu bang của Mỹ, ngoại trừ bang Idaho và bang Mississippi. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, đến năm 2035, khoảng cách giữa sản lượng kinh tế bình quân đầu người ở Mỹ và EU sẽ lớn bằng khoảng cách giữa Nhật và Ecuador hiện nay.

Một nhà hàng vắng khách ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: BLOOMBERG

Một nhà hàng vắng khách ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: BLOOMBERG

Vào tháng 4, ông Huw Pill - nhà kinh tế của Ngân hàng Anh - cảnh báo công dân Anh rằng họ cần chấp nhận thực tế là họ đang nghèo hơn và đừng nên đòi hỏi mức lương cao hơn. “Tất cả chúng ta đều tệ hơn” - ông Pill nói. Ông cũng cho rằng việc đòi lương cao hơn để bù đắp cho giá cả tăng cao sẽ chỉ làm tăng thêm lạm phát.

Nguyên nhân nào?

Theo tờ The Wall Street Journal, chi tiêu tiêu dùng rơi tự do đã khiến châu Âu rơi vào suy thoái vào đầu năm nay. Tuy nhiên nếu xét kỹ hơn thì tình trạng khó khăn hiện tại của châu Âu đã manh nha từ lâu.

Dân số già đi, cùng với việc người dân chọn những công việc ít thu nhập để có thời gian rảnh đã khiến kinh tế châu Âu tăng trưởng mờ nhạt trong nhiều thập niên.

Đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng kém của kinh tế châu Âu. Đại dịch và xung đột đã đảo ngược chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt.

Phản ứng của nhiều chính phủ làm phức tạp thêm vấn đề suy thoái. Để duy trì việc làm, nhiều chính phủ hướng các khoản trợ cấp chủ yếu cho người sử dụng lao động, khiến người lao động bình thường không được hỗ trợ.

Một người phụ nữ lớn tuổi rời khỏi trung tâm phân phối thực phẩm tại một nhà thờ ở Berlin (Đức). Ảnh: AP

Một người phụ nữ lớn tuổi rời khỏi trung tâm phân phối thực phẩm tại một nhà thờ ở Berlin (Đức). Ảnh: AP

Trong quá khứ, ngành xuất khẩu chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế của châu Âu, từng chiếm khoảng 50% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của khu vực đồng euro. Ngành xuất khẩu đáng lẽ đã có thể cứu vãn nền kinh tế châu Âu giữa suy thoái, tuy nhiên thực tế không phải vậy.

Chi phí năng lượng cao và lạm phát ở mức chưa từng thấy kể từ những năm 1970 đang làm giảm lợi thế về giá của các nhà sản xuất châu Âu trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, sự phục hồi chậm của kinh tế Trung Quốc - một thị trường quan trọng đối với châu Âu - đã khiến xuất khẩu không thể hiện được vai trò này, theo The Wall Street Journal.

Có thể nói khi thương mại toàn cầu nguội đi, sự phụ thuộc vào xuất khẩu đang trở thành một điểm yếu của lục địa này.

Tiết kiệm chi tiêu

Không chỉ những người có thu nhập thấp, tầng lớp trung lưu ở châu Âu cũng bị cuộc suy thoái đang diễn ra ảnh hưởng.

Tại Brussels (Bỉ) - một trong những thành phố giàu có nhất châu Âu, trong một buổi tối gần đây, giáo viên và y tá phải đứng xếp hàng để nhận hàng tạp hóa nửa giá.

Nhà cung cấp là công ty Happy Hours Market. Công ty này thu gom thực phẩm sắp hết hạn sử dụng từ các siêu thị và quảng cáo thực phẩm đó thông qua một ứng dụng. Khách hàng có thể đặt hàng vào đầu giờ chiều và nhận hàng giảm giá vào buổi tối.

Ông Pierre van Hede - một nhân viên của Happy Hours Market - cho biết: “Một số khách hàng nói với tôi rằng nhờ có bạn mà tôi có thể ăn thịt 2 hoặc 3 lần/tuần”.

Ông Karim Bouazza là một y tá. Ông cũng đến xe tải của Happy Hours Market để nhận hàng. Ông cho rằng lạm phát có nghĩa là “bạn gần như phải làm thêm công việc thứ hai để trang trải mọi thứ”.

Nhân viên xếp hàng hóa tại một siêu thị ở London (Anh). Ảnh: REUTERS

Nhân viên xếp hàng hóa tại một siêu thị ở London (Anh). Ảnh: REUTERS

Các dịch vụ tương tự cũng mọc lên khắp châu Âu. Trong chiến lược quảng cáo, các công ty này cho hay dịch vụ của họ là một cách để giảm lãng phí thực phẩm và tiết kiệm tiền.

Chi tiêu cho các cửa hàng tạp hóa cao cấp đã giảm. Mỗi người Đức tiêu thụ khoảng 52 kg thịt/năm vào năm 2022. Con số này ít hơn khoảng 8% so với năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ khi giới chức Đức bắt đầu tính toán chỉ số này vào năm 1989.

Kể từ năm 2019, tiền lương đã giảm khoảng 3% ở Đức, giảm 3,5% ở Ý và Tây Ban Nha và giảm 6% ở Hy Lạp.

Một số người nói xu hướng giảm này thể hiện mối quan tâm của xã hội về ăn uống lành mạnh và phúc lợi động vật, nhưng các chuyên gia cho rằng nhiều người giảm ăn thịt vì giá thịt đã tăng tới 30% trong thời gian gần đây. Theo Trung tâm Thông tin Nông nghiệp Liên bang Đức, người dân nước này cũng đang đổi các loại thịt đắt tiền như thịt bò sang những loại rẻ hơn như thịt gia cầm.

Ông Thomas Wolff - một nhà cung cấp thực phẩm hữu cơ tại Frankfurt (Đức) - cho biết doanh số bán hàng của ông đã giảm tới 30% vào năm 2022 do lạm phát gia tăng. Ông Wolff cho hay ông đã thuê 33 người trong thời gian đại dịch để giải quyết nhu cầu mua thực phẩm hữu cơ đắt tiền của người dân, nhưng sau đó ông phải cho tất cả họ nghỉ việc vì doanh số cửa hàng đi xuống.

Lạm phát hàng năm của Anh xuống mức thấp nhất trong 15 tháng

Lạm phát hàng năm của Anh trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2022. Theo đó, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết mức lạm phát hàng năm đã giảm từ 8,7% trong tháng 5 xuống 7,9% trong tháng 6.

Lạm phát cơ bản (không tính giá lương thực và năng lượng) của Anh ở mức 7,1% trong tháng 5 - mức cao nhất trong 31 năm qua. Tuy nhiên, chỉ số lạm phát này cũng đã giảm trong tháng 6, xuống mức 6,9%.

Ngoài ra, lạm phát giá lương thực của Anh giảm từ 18,3% trong tháng 5 xuống 17,3% trong tháng 6. Lạm phát dịch vụ hàng năm cũng giảm xuống mức 7,2% trong tháng 6, từ mức 7,4% trong tháng 5.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm