Đầu tàu châu Âu suy thoái: Vì đâu nên nỗi?

(PLO)- Vì đâu "đầu tàu" kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái, và giới quan sát nhận định thế nào?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến thăm các nhà máy bán dẫn và các nhà máy sản xuất xe điện trong những ngày gần đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng khẳng định rằng Đức vẫn là nền kinh tế đi đầu châu Âu trong quá trình chuyển đổi công nghiệp, theo hãng tin AFP.

Tuy nhiên, trái với nhận định của ông Scholz, giới quan sát lại tỏ ra quan ngại về triển vọng phát triển kinh tế của "đầu tàu châu Âu". Theo họ, nền kinh tế Đức có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là đối mặt một cuộc suy thoái dài do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có năng lượng và việc làm.

Vì đâu nên nỗi?

Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê Destatis (Đức), so với cùng kỳ năm ngoái tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong quý I đã giảm 0,3%. Ở quý IV-2022, GDP của nước này cũng giảm 0,5% (so với cùng kỳ năm 2021). Theo hãng tin Reuters, Mức giảm GDP trong hai quý liên tiếp đồng nghĩa với việc nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.

Người dân Đức mua thực phẩm. Ảnh: GETTY IMAGES

Người dân Đức mua thực phẩm. Ảnh: GETTY IMAGES

Chuyên gia phân tích Andreas Scheuerle của Trung tâm quản lý tài chính và thị trường DekaBank (Đức) nhận định rằng một trong những nguyên nhân khiến đầu tàu kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái là do tỉ lệ lạm phát của Đức hiện vẫn ở mức cao (lạm phát tháng 5 là 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái), khiến chi tiêu hộ gia đình sụt giảm.

Theo ông Scheuerle, chi tiêu hộ gia đình tại Đức trong quý I năm nay đã giảm 1,2% so với quý IV-2022. Cùng giai đoạn, chi tiêu chính phủ cũng giảm 4,9%.

Trong khi đó, ông Claus Vistesen, nhà kinh tế học nghiên cứu về khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics (Anh), cho rằng Đức rơi vào suy thoái là do kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất công nghiệp, song cú sốc năng lượng hồi năm ngoái (chủ yếu do Nga thắt chặt nguồn cung) đã khiến nhiều nhà máy tại Đức điêu đứng vì ‘khát’ năng lượng.

Theo tờ The Wall Street Journal (WSJ), chỉ tính trong tháng 4-2023, sản lượng các ngành sản xuất dùng nhiều năng lượng tại Đức đã giảm 12,9%. Trong khi đó, chỉ số quản lý thu mua (PMI) tại Đức trong tháng 6 là 41 %, thấp hơn nhiều so với mức 50% - mức ngăn cách giữa tăng trưởng và thu hẹp. Điều này cho thấy ngành công nghiệp Đức đang có xu hướng thu hẹp trong bối cảnh lượng hàng tồn đọng và lượng hàng dự trữ giảm.

Ông Herbert Brucker - chuyên gia về lao động tại Viện Nghiên cứu việc làm (Đức) cho rằng nguyên nhân sâu xa khiến kinh tế Đức rơi vào tình trạng ảm đạm như hiện tại là do thị trường việc làm tại của nước này gặp nhiều khó khăn.

Giải thích cho nhận định của mình, ông Brucker cho biết dân số Đức đang có xu hướng già hóa, trong khi lĩnh vực sản xuất của nước này cần hàng trăm ngàn lao động lành nghề mỗi năm. “Điều đó [thiếu lao động] khiến các ngành sản xuất quan trọng tại Đức đối mặt tình trạng thiếu nhân công sản xuất” - ông Brucker nói thêm.

Hãng tin AP dẫn thông tin từ Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho biết trong năm 2022, 53% số công ty tại Đức đã phải vật lộn để lấp đầy các vị trí tuyển dụng do thiếu lao động lành nghề.

“Với chi phí năng lượng cao, tình trạng thiếu lao động, thủ tục hành chính cồng kềnh, hoạt động sản xuất tại Đức dường như không còn hấp dẫn nữa” - Bà Ingeborg Neumann, người đứng đầu Hiệp hội dệt may Đức nhận định.

Giới quan sát lo ngại

Theo AFP, dù đối mặt nhiều thách thức, giới chức Berlin vẫn khá lạc quan về triển vọng kinh tế của mình. Cụ thể, mới đây Ngân hàng Trung ương Đức dự đoán rằng kết thúc năm 2023, GDP của nước này sẽ tăng trưởng 0,4% (tăng 0,2% so với dự đoán hồi tháng 1). Tuy nhiên, giới quan sát lại cho rằng kinh tế Đức có khả năng sẽ tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm nay.

Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế mới đây đưa ra dự báo rằng kinh tế Đức có khả năng sẽ tăng trưởng âm từ 0,2-0,4% trong năm nay. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế IFO (Đức) cũng cho rằng nhiều khả năng đầu tàu kinh tế của lục địa già sẽ tiếp tục suy thoái trong quý quý II-2023 (đánh dấu quý thứ ba liên tiếp suy thoái), và xa hơn là tiếp tục suy thoái trong suốt năm 2023.

Nhà máy sản xuất hóa chất hàng đầu của Đức - BASF tại bang Brandenburg (Đức). Ảnh: REUTERS

Nhà máy sản xuất hóa chất hàng đầu của Đức - BASF tại bang Brandenburg (Đức). Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, giới quan sát còn quan ngại về khả năng các doanh nghiệp tại Đức sẽ chuyển hoạt động của họ ra nước ngoài. Ông Siegfried Russwurm - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ có xu hướng chuyển hoạt động của họ ra nước ngoài.

WSJ dẫn tuyên bố của BASF - nhà sản xuất hóa chất lớn nhất của Đức, cho biết doanh nghiệp này có kế hoạch đóng cửa các nhà máy lớn của mình tại bang Brandenburg (Đức) để chuyển hoạt động sang các thị trường khác như Bỉ, Pháp, do giá năng lượng cao khiến hoạt động sản xuất của họ gặp nhiều trở ngại.

Theo hãng tin Bloomberg, sau nhiều thập niên giữ vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế châu Âu, sự kiên cường của Đức dường như đã bị phá vỡ. Điều này là một mối nguy đối với kinh tế của lục địa già.

Berlin ra tay ứng phó

Theo WSJ, để ứng phó tình trạng trì trệ tại các nhà máy sản xuất, giới chức Berlin đã đưa ra các khoản trợ cấp năng lượng nhằm giúp họ duy trì hoạt động của mình cho đến khi họ tiếp cận được các nguồn năng lượng tái tạo mở rộng và ít tốn kém hơn.

Để giải quyết vấn đề việc làm, Quốc hội Đức mới đây đã thông qua luật nhập cư mới với nhiều quyền lợi cho người lao động nước ngoài. Giới chức Berlin cũng hy vọng rằng luật mới này sẽ giúp Đức thu hút được khoảng 400.000 lao động nước ngoài lành nghề mỗi năm để giải quyết tình trạng thiếu lao động.

Hồi tháng 4, Thủ tướng Scholz cho biết hiện giới chức Berlin đang nỗ lực để đạt tình trạng trung hòa về khí nhà kính nhằm giúp Đức tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn, ổn định. Theo đó, ông cho biết Berlin sẽ chuyển đổi sang năng lượng xanh, đẩy mạnh chế tạo xe điện, sản xuất các loại vật liệu ít gây ô nhiễm môi trường,...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm