Đức chật vật trong nỗ lực thoát Trung

(PLO)- Việc kinh tế Đức và Trung Quốc phụ thuộc nhau trong thời gian dài đang khiến doanh nghiệp Đức chật vật chạy theo nỗ lực tách rời kinh tế Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong lúc chính quyền Mỹ tăng cường các biện pháp nhằm tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc (TQ) và hối thúc các đồng minh như Đức làm điều tương tự, giới doanh nghiệp Đức lại phát tín hiệu muốn liên kết sâu hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này được giới quan sát nhận định nền kinh tế Đức vẫn chưa thể sớm giảm phụ thuộc vào TQ.

Nước đi từ phía các tập đoàn Đức

Tập đoàn Ô tô Volkswagen của Đức, với hơn 40 nhà máy ở TQ, ngày 13-4 cho biết đang chuẩn bị hợp tác với Công ty công nghệ TQ ThunderSoft để phát triển các chức năng mới trên xe Volkswagen dành cho người dùng TQ như hệ thống buồng lái và hệ thống giải trí công nghệ cao. Tập đoàn Đức cho hay sẽ đầu tư 12,2 triệu USD cho thương vụ này và giữ 49% cổ phần. Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Volkswagen cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 2,3 tỉ USD cho dự án phát triển xe tự lái với Công ty công nghệ TQ Horizon Robotics và mở rộng thêm các dây chuyền sản xuất mới.

Với xuất nhập khẩu đạt gần 328 tỉ USD vào năm ngoái, TQ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong bảy năm liên tiếp. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại giữa Đức với TQ cũng ngày càng tăng. Năm ngoái, nhập khẩu từ TQ tăng hơn 33%, lên 210 tỉ USD; trong khi xuất khẩu chỉ tăng 3%, lên 117 tỉ USD.

Tập đoàn hóa chất BASF, với 30 cơ sở sản xuất tại TQ, đang đẩy mạnh kế hoạch chi 10,9 tỉ USD cho một khu phức hợp sản xuất hóa chất mới có quy mô ngang ngửa với khu phức hợp trụ sở khổng lồ ở TP Ludwigshafen có diện tích gần 10 km2.

Tờ The New York Times cho biết thực trạng là lãnh đạo các doanh nghiệp Đức hoàn toàn biết rõ những khoản đầu tư mới vào TQ lúc này đi ngược lại những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập TQ về kinh tế. Tuy nhiên, các lãnh đạo này cho rằng doanh thu từ thị trường TQ là điều cần thiết để doanh nghiệp của họ phát triển ở châu Âu.

Đơn cử, ông Martin Brudermüller, Giám đốc điều hành BASF, cho biết lợi nhuận từ thị trường TQ cho phép công ty bù các khoản lỗ do chi phí năng lượng cao và các quy định nghiêm ngặt về môi trường của châu Âu.

“Nếu không có hoạt động kinh doanh ở TQ, việc tái cơ cấu cần thiết ở đây sẽ không thể thực hiện được. Hãy chỉ cho tôi một khoản đầu tư ở châu Âu mà chúng tôi có thể thu lời” - ông Brudermüller nói trong một cuộc họp báo hồi tháng 2.

Một số giám đốc điều hành của Volkswagen thì thừa nhận rằng nhà sản xuất ô tô này cũng đang ở trong một tình thế khó khăn tương tự. Chi phí năng lượng và lao động cao đã khiến tập đoàn này phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng từ TQ để hỗ trợ các hoạt động ở châu Âu.

Ô tô Đức trên đường phố TP Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng 2. Ảnh: AFP

Ô tô Đức trên đường phố TP Thượng Hải (Trung Quốc) hồi tháng 2. Ảnh: AFP

Đức còn phụ thuộc nhiều vào thị trường TQ

Trả lời hãng tin DW, chuyên gia Carsten Brzeski thuộc Ngân hàng ING (Hà Lan) nhận định mức độ phụ thuộc kinh tế của Đức và TQ lúc này là “cực kỳ cao”, đặc biệt là đối với nguyên liệu thô và các sản phẩm trung gian. “Sự phụ thuộc này lớn hơn đáng kể so với sự phụ thuộc của Mỹ vào TQ chẳng hạn. Và nó cũng lớn hơn sự phụ thuộc của Pháp vào TQ” - ông Brzeski cho hay.

Trên thực tế, TQ từ lâu đã nỗ lực xóa bỏ hình ảnh là công xưởng của thế giới, chủ yếu phục vụ các quốc gia công nghiệp hóa như Đức. Với kế hoạch “Made in China 2025”, Bắc Kinh đã bắt tay vào thực hiện chính sách công nghiệp do nhà nước lãnh đạo nhằm tìm cách đưa TQ chiếm ưu thế trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao toàn cầu.

Trong một số lĩnh vực, kế hoạch này đã đem lại nhiều thành công. Đơn cử, một lĩnh vực mà Đức từ lâu đã thống trị trong mối quan hệ với TQ là ngành công nghiệp ô tô. Các nhà sản xuất ô tô Đức, bao gồm BMW và Mercedes-Benz, bán khoảng 1/3 tổng số xe họ sản xuất tại TQ - vượt quá doanh số bán hàng ở khu vực Tây Âu. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy các hãng xe Đức dường như đang mất dần thị phần ở TQ khi mức độ phổ biến của xe điện sản xuất trong nước này tăng mạnh, thay cho xe có động cơ đốt trong truyền thống.

Hồ sơ đăng ký bảo hiểm ô tô cho thấy chỉ 2,4% tổng số xe điện bán ra ở TQ năm ngoái là do Volkswagen sản xuất, trong khi BMW và Mercedes-Benz không vượt quá 1%, theo tờ Handelsblatt.

Có lẽ đáng ngại nhất là việc là các thương hiệu xe điện của TQ, chẳng hạn như BYD và Nio, đang xâm nhập thị trường Đức, gây ra mối đe dọa cho các nhà sản xuất ô tô Đức trên chính thị trường quê nhà.

Ngoài ra, trong lĩnh vực sản xuất pin cho ô tô điện, chỉ riêng nhà sản xuất CATL của TQ đã cung cấp khoảng 1/3 tổng số pin cần thiết cho ô tô điện trên toàn thế giới. Khoảng 80% pin lithium-ion cho xe điện (EV) trên toàn thế giới đến từ TQ.

“Không có TQ, sẽ không có ô tô điện. Không có TQ, sẽ không có quá trình chuyển đổi năng lượng. Không có TQ, sẽ không có pin mặt trời trên mái nhà của chúng ta” - ông Brzeski nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh không thể cắt đứt quan hệ kinh tế của Đức với TQ trong ngắn hạn.

Ông Mikko Huotari, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu TQ Mercator (Đức), cho rằng “giảm thiểu rủi ro” nên là nhiệm vụ hằng ngày của Berlin trong “tình hình khó khăn” hiện nay liên quan đến TQ.

“Rất nhiều doanh nghiệp Đức lúc này đang phải chơi một trò chơi kép: Một mặt phải giữ ổn định ở thị trường TQ cũng như các mối quan hệ kinh doanh. Nhưng đồng thời họ cũng phải cố gắng giảm bớt các điểm yếu của mình trên thị trường này” - ông Huotari nói.

Một nghiên cứu gần đây của Viện Kinh tế quốc tế Kiel (Đức) cho thấy việc tách rời kinh tế khỏi TQ sẽ rất tốn kém cho châu Âu, đặc biệt là Đức. Kiel tính toán dựa trên tổng sản phẩm quốc nội từ năm 2019 cho thấy Đức có thể thiệt hại hơn 144 tỉ USD, thậm chí nhiều hơn nếu TQ trả đũa.

Dù vậy, đối với vấn đề TQ thì Đức lúc này được đánh giá không có nhiều lựa chọn trong chính sách. Ông Brzeski cho biết kể từ khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine, phản xạ đầu tiên của châu Âu là phải tập trung nhiều hơn vào các nước thân thiện và chấm dứt hoặc giảm bớt sự phụ thuộc vào TQ. “Nhưng rõ ràng tình hình thực tế thì điều đó hoàn toàn không thể” - ông Brzeski nhấn mạnh.•

Đức xem xét bán cổ phần cảng Hamburg cho TQ

Ngày 12-4, người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức cho biết Berlin đang cân nhắc quyết định cho Tập đoàn Vận tải biển Cosco của TQ mua cổ phần một trong ba bến cảng của Công ty Vận tải và hậu cần HHLA tại cảng Hamburg, theo hãng tin Reuters. Người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức cho biết hiện xác định liệu Cosco có được phép mua cổ phần trong bến cảng hay không và sẽ mua với những điều kiện nào?

Tháng 10-2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã “bật đèn xanh” cho Cosco nắm giữ 24,9% cổ phần. Mặc dù trước đó Cosco thương lượng mua 35% cổ phần của một trong ba nhà ga của cảng Hamburg nhưng ông Scholz đã điều chỉnh cổ phần xuống còn 24,9% để tránh yêu cầu phê chuẩn bắt buộc từ nội các.

Người phát ngôn của Công ty Vận tải và hậu cần HHLA cho biết quyết định này diễn ra sau khi một hạng mục mới được tạo ra cho các cơ sở bốc xếp hàng hóa ở cảng biển và cảng nội địa Đức với khối lượng hàng hóa là 3,27 triệu tấn/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm