Đức gọi tên Nga, Trung Quốc trong chiến lược an ninh quốc gia

(PLO)- Lần đầu tiên công bố chiến lược an ninh quốc gia, Đức cho rằng Nga, Trung Quốc là những “mối đe dọa” chính, đồng thời cam kết thúc đẩy bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng Reuters ngày 14-6 đưa tin Đức vừa lần đầu tiên công bố chiến lược an ninh quốc gia của mình. Theo đó, chiến lược này xác định Nga và Trung Quốc (TQ) là những mối đe dọa tiềm tàng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Chiến lược của Đức còn đưa ra những cam kết tiếp tục hành động để thúc đẩy đầu tư quốc phòng, an ninh nhằm mục đích bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới.

Lý do Nga, Trung Quốc bị “gọi tên”

Trong chiến lược an ninh quốc gia dài 74 trang của mình, Đức nhận định tình hình an ninh thế giới đang trải qua nhiều thay đổi sâu sắc bởi môi trường quốc tế ngày càng trở nên đa cực và kém ổn định hơn.

“Quyết sách ưu tiên hiện tại của Đức là đảm bảo cho người dân được tiếp tục sống trong nền hòa bình, tự do trong quốc gia giữ vị thế trung tâm của châu Âu, đồng thời tiếp tục khẳng định an ninh Đức sẽ gắn bó chặt chẽ với an ninh của các đối tác và các nước đồng minh” - chiến lược an ninh quốc gia của Đức nhấn mạnh.

Berlin cho rằng Nga hiện là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Mục đích của Nga là theo đuổi lợi ích riêng và làm suy yếu những liên minh có chính sách không mấy thân thiện với mình.

Theo giới chức Berlin, thời gian qua Nga thực hiện những hành vi gây rối loạn an ninh khu vực châu Âu như phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2-2022, có hành vi đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng như một quân bài chính trị.

Giới chức Berlin nhấn mạnh bằng những hành vi trên, Nga đã “vi phạm nghiêm trọng” Hiến chương Liên Hợp Quốc, “phá hoại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine và xa hơn là “đe dọa tới hòa bình và ổn định của Đức và các đồng minh” trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) và các thành viên trong nội các của ông trong buổi công bố chiến lược an ninh quốc gia hôm 14-6. Ảnh: DW

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) và các thành viên trong nội các của ông trong buổi công bố chiến lược an ninh quốc gia hôm 14-6. Ảnh: DW

Berlin lưu ý rằng Đức, NATO hay EU đều không có ý định tìm kiếm bất kỳ sự kèn cựa hoặc đối đầu nào với Nga. Nhưng một khi họ nhận thấy những mối đe dọa hiện hữu từ Moscow, họ sẽ nỗ lực ngăn chặn.

Ngoài Nga, chiến lược an ninh của Đức còn nhắc tới TQ như “một đối tác và một đối thủ cạnh tranh chiến lược” với Berlin trên trường quốc tế.

Theo đó, chiến lược của Đức đưa ra một số cáo buộc rằng với nỗ lực sắp xếp lại trật tự quốc tế và khẳng định vị thế lớn mạnh của mình, TQ đã tìm cách gia tăng quyền lực tại châu Á thông qua việc sử dụng sức mạnh kinh tế để đạt các mục tiêu chính trị quan trọng. “Những hành động đó của Bắc Kinh đi ngược lại lợi ích của Berlin trong việc duy trì an ninh và ổn định trật tự khu vực và thế giới” - chiến lược an ninh quốc gia Đức nêu rõ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn được coi là một đối tác không thể thiếu của Berlin trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu. Theo đó, chiến lược an ninh của Đức lưu ý rằng Berlin vẫn nên đề cao tinh thần hợp tác, tận dụng cơ hội làm việc chung với TQ để cùng nhau giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời nhấn mạnh nếu Bắc Kinh không thực hiện những hành vi đi ngược lại những giá trị của Berlin thì Đức nên tiếp tục xem TQ là đối tác thương mại lớn nhất của mình trong chiến lược phát triển kinh tế.

Phía TQ và Nga không lập tức bình luận về chiến lược an ninh quốc gia mà Đức vừa công bố.

Chú trọng đầu tư quốc phòng - an ninh

Chiến lược an ninh quốc gia của Đức còn khẳng định việc chú trọng đầu tư quốc phòng, an ninh sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định lâu dài của Đức và các nước đồng minh. Theo đó, trong chiến lược an ninh của mình, Berlin cam kết những hợp tác an ninh của Đức với NATO và EU là không lay chuyển.

Đức sẽ nỗ lực phân bổ trung bình 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, đồng thời thiết lập một số quỹ đặc biệt để Berlin có thể hỗ trợ NATO trang bị thêm khí tài và tăng khả năng răn đe của mình. Ngoài ra, Đức cũng sẽ chú ý tới việc tăng cường đầu tư và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này và các đồng minh.

Trong nỗ lực đảm bảo an ninh, chiến lược của Đức còn nhắm tới việc đẩy mạnh kiểm soát vũ khí “độc hại”. Cụ thể, Đức sẽ thúc đẩy các nước giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến loại vũ khí nguy hiểm này trên cơ sở Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân được Anh, Mỹ và Liên Xô trước đây thúc đẩy vào năm 1986.

Về phần đảm bảo duy trì ổn định tại khu vực châu Âu, chiến lược an ninh của Đức cho biết mục tiêu của Berlin là tiếp tục xây dựng một châu Âu thống nhất trong hòa bình, tự do và tiếp tục hành động nhằm duy trì an ninh, chủ quyền khu vực cho các thế hệ tương lai.

Bên cạnh đó, chính phủ Đức sẽ tiếp tục ủng hộ quá trình hội nhập, gắn kết và mở rộng hơn nữa của EU khi trong tương lai khối này có khả năng sẽ kết nạp thêm các thành viên mới như Ukraine, Moldova, Georgia và các quốc gia thuộc khu vực bán đảo Balkan.•

Cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp

Đức cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, tích cực ủng hộ chủ nghĩa đa phương, chống lại những nỗ lực chia rẽ thế giới thành các khối ảnh hưởng riêng lẻ. Để thực hiện mục tiêu này, Berlin cho biết sẽ nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia có cùng chí hướng.

Đức cũng cam kết bảo vệ trật tự dân chủ tự do, kiên quyết ngăn chặn sự can thiệp bất hợp pháp từ bên ngoài, tiếp tục đối phó với hành vi lan truyền mọi thông tin sai lệch. Bên cạnh đó, Berlin còn tập trung đa dạng hóa nguồn cung, tránh tập trung cục bộ vào một bên riêng lẻ, tăng cường an ninh mạng, cũng như chú trọng củng cố khả năng phục hồi và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Đức trên trường quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm