Bài toán khó của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu

(PLO)- Nhiều chính trị gia châu Âu cho rằng để giải quyết vấn đề phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí của Mỹ, lục địa này phải làm chủ nền công nghiệp quốc phòng của chính mình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2022, chi tiêu quốc phòng ở châu Âu đã tăng 13%, đạt mức 345 tỉ USD. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI - Thụy Điển), đây là tốc độ tăng chi tiêu nhanh nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Tờ The Wall Street Journal cho rằng một phần lớn trong ngân sách chi tiêu quốc phòng này được trả cho các công ty quốc phòng của Mỹ. Điều này tạo thành xương sống trong hợp tác quốc phòng của các nước thuộc liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, khi ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu tăng lên, nó đặt ra một câu hỏi nan giải cho các chính phủ tại lục địa này: Liệu có nên tiếp tục mua vũ khí từ Mỹ hay đẩy mạnh sản xuất trong nước?

Máy bay chiến đấu F-16 trên đường băng của một căn cứ ở Lithuania, trong một cuộc tập trận gần đây của NATO. Ảnh: AFP

Máy bay chiến đấu F-16 trên đường băng của một căn cứ ở Lithuania, trong một cuộc tập trận gần đây của NATO. Ảnh: AFP

Vấn đề của châu Âu

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng châu Âu đã phụ thuộc vào Mỹ trong việc cung cấp vũ khí, từ máy bay chiến đấu F-35 đến hệ thống phòng không Patriot. Ông Macron cảnh báo các ưu tiên chính sách của Washington có thể thay đổi khi Mỹ chuyển trọng tâm hợp tác sang Thái Bình Dương và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.

Trong cuộc họp gần đây của các bộ trưởng quốc phòng châu Âu, Tổng thống Macron cảnh báo việc phụ thuộc nhập khẩu vũ khí ngày hôm nay là “tự gây rắc rối cho chính mình vào ngày mai”.

Việc thúc đẩy tăng chi tiêu quốc phòng của châu Âu sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh NATO, diễn ra tại thủ đô Vilnius của Lithuania trong hai ngày 11 và 12-7.

Ngoài ra, 31 nước đồng minh dự kiến phát triển kế hoạch chiến đấu đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Theo đó, kế hoạch này sẽ quyết định hành động của mỗi quốc gia trong trường hợp bị tấn công, thiết bị nào cần thiết để trang bị và cần đầu tư bao nhiêu.

NATO đang hướng đến mục tiêu các nước dành tối thiểu 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ có 10 thành viên NATO ở châu Âu đạt ngưỡng này. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông hy vọng tỉ lệ đó “sẽ tăng đáng kể trong năm tới”.

Xe tăng Mỹ tham gia sự kiện huấn luyện năm 2017 ở Đức. Ảnh: EUROPEAN PRESSPHOTO AGENCY

Xe tăng Mỹ tham gia sự kiện huấn luyện năm 2017 ở Đức. Ảnh: EUROPEAN PRESSPHOTO AGENCY

Theo The Wall Street Journal, tất cả nỗ lực muốn vẽ lại bản đồ mua sắm quân sự của châu Âu đều gặp phải những trở ngại lớn.

Nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Đông Âu, coi việc mua vũ khí đắt tiền của Mỹ là cái giá mà châu Âu phải trả để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Washington.

Các nước này cho rằng sự trao đổi như vậy mang theo nguy cơ làm suy yếu NATO, khiến tổ chức này phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ. Theo đó, NATO sẽ không thể hoạt động nếu không có máy bay vận tải, máy bay không người lái và các hoạt động giám sát trên không của Mỹ.

Xung đột Nga-Ukraine khiến nhu cầu về vũ khí tăng lên ở châu Âu. Cuộc chiến này vô tình chứng minh rằng phương Tây không thể nhanh chóng tăng sản lượng trong một sớm một chiều.

Trong nội bộ các nước châu Âu, sự cạnh tranh trong nền công nghiệp quốc phòng cũng đang diễn ra.

Chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu cũng được phân bổ cho nhiều công ty quốc phòng trong nước, khiến lĩnh vực này bị phân mảnh và thiếu định hướng tổng thể. Thị trường bị chia cắt đồng nghĩa với việc khó có thể sản xuất cùng một loại vũ khí với số lượng lớn.

Tự chủ và thôi phụ thuộc vào Mỹ

Ông Éric Béranger, giám đốc điều hành của MBDA - nhà sản xuất tên lửa lớn nhất châu Âu - nói: “Ukraine là một hồi chuông cảnh tỉnh về khả năng phục hồi phòng thủ của (châu Âu). Các nước cần bổ sung vũ khí dự trữ, các nước cần có khả năng giao hàng nhanh chóng và tăng tốc độ”.

Tổng thống Macron cũng cho rằng đã đến lúc châu Âu nên thôi phụ thuộc vào việc mua sắm vũ khí của Mỹ.

Hệ thống tên lửa Patriot được triển khai ở đông nam Ba Lan. Ảnh: ZUMA PRESS

Hệ thống tên lửa Patriot được triển khai ở đông nam Ba Lan. Ảnh: ZUMA PRESS

Chủ nhân Điện Élysée cho rằng nền quốc phòng châu Âu sẽ chỉ thôi phụ thuộc vào Mỹ trừ khi lục địa này đầu tư vào ngành công nghiệp quân sự của riêng mình. Tổng thống Macron nói nếu còn phụ thuộc vào Mỹ, châu Âu sẽ không có “quyền tự chủ chiến lược”, cũng như khả năng định hình chính sách đối ngoại và quốc phòng của riêng mình.

“Xung đột ở Ukraine cho chúng ta thấy rằng chúng ta chỉ có thể cung cấp cho Kiev những gì chúng ta tự sản xuất” - ông Macron nói.

Trong một cuộc phỏng vấn, Tướng Pierre Schill - tư lệnh lục quân Pháp - nói quyền tự chủ chiến lược của một quốc gia có liên quan chặt chẽ với việc kiểm soát các chuỗi cung ứng quân sự của quốc gia đó. “Mua thiết bị công nghệ cao từ một quốc gia khác có nghĩa là bạn đặt mình dưới sự kiểm soát của họ” - ông Schill nêu quan điểm.

Tổng thống Macron không phải là người duy nhất ủng hộ châu Âu tự chủ về mặt sản xuất vũ khí.

Một số quan chức châu Âu lo ngại việc mua vũ khí của Mỹ có thể đi kèm các quy định về mục đích sử dụng và chia sẻ công nghệ. Trả lời tạp chí The Economist, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói “Người Pháp có lý trong nhiều lĩnh vực. Nước Mỹ trên hết không phải là câu trả lời khi nói đến mua sắm vũ khí”.

Nền công nghiệp quốc phòng trong nước cũng mang lại việc làm cho người dân và góp phần tăng thu thuế cho chính phủ. Ông Christophe Salomon - phó chủ tịch điều hành của Thales (nhà sản xuất hệ thống radar cho hệ thống phòng không SAMP/T) - cho biết: “Mỗi khi một radar hoặc một tên lửa được mua từ bên ngoài châu Âu, nó sẽ làm suy yếu cơ sở công nghiệp của chúng tôi”.

Người dân ở miền bắc nước Đức quan sát một máy bay cất cánh, trong cuộc tập trận không quân lớn nhất lịch sử của NATO hồi tháng 6. ẢNH: ZUMA PRESS

Người dân ở miền bắc nước Đức quan sát một máy bay cất cánh, trong cuộc tập trận không quân lớn nhất lịch sử của NATO hồi tháng 6. ẢNH: ZUMA PRESS

Theo công ty phân tích Oxford Economics, BAE Systems - công ty quốc phòng lớn nhất châu Âu - hỗ trợ 132.000 việc làm toàn thời gian và đóng góp 11 tỉ bảng Anh (14,1 tỉ USD) vào GDP của Anh. Con số này tương đương 0,4% nền kinh tế của Anh.

Để trấn an các nước châu Âu, một số công ty quốc phòng Mỹ đã đưa ra giải pháp.

Ông Frank St. John - giám đốc điều hành của công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin - cho biết công ty sẽ chế tạo một phần tên lửa Patriot ở Ba Lan. “Mỗi khi chúng tôi bán hệ thống của mình ở châu Âu, nó sẽ tạo ra việc làm ở châu Âu” - ông nói.

Tuy nhiên, một số công ty quốc phòng châu Âu tự tin châu lục này có thể tự chủ về sản xuất vũ khí mà không cần các công ty Mỹ. KNDS là một trong số đó.

Ông Ralf Ketzel - giám đốc điều hành chi nhánh KNDS ở Đức - cho biết châu Âu đã đủ khả năng tự cung cấp về xe bọc thép trên bộ. Ông cũng tự hào cho hay xe tăng Leopard 2 do công ty này sản xuất đã trở thành loại vũ khí phổ biến ở châu Âu.

“Không cần phải phụ thuộc vào Mỹ” - ông Ketzel khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm