Hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn: Tiến bộ nhưng vẫn còn rào cản

(PLO)- Sự phát triển của quan hệ quốc phòng Ấn-Mỹ dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát triển vượt bậc, ảnh hưởng sâu rộng trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng vẫn còn tồn tại một số rào cản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vừa kết thúc chuyến thăm kéo dài 2 ngày (4 và 5-6) tới Ấn Độ. Chuyến đi nhằm củng cố quan hệ đối tác quốc phòng và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới thủ đô Washington D.C vào cuối tháng này.

Những năm gần đây, hợp tác quốc phòng đã nổi lên “như một khía cạnh quan trọng nhất” trong quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn và là “động lực chính” của quan hệ song phương.

Chuyến thăm của ông Austin được dự đoán sẽ thúc đẩy nhanh chóng hợp tác công nghệ, sản xuất trong các lĩnh vực như chiến đấu trên không và trên bộ; tình báo, giám sát và trinh sát; đạn dược; cũng như hoạt động dưới đáy biển.

Sự phát triển của quan hệ quốc phòng Ấn-Mỹ trong hai thập niên qua là một hiện tượng đáng chú ý, có những tiến bộ vượt bậc nhưng vẫn còn một số thách thức, theo tờ The EurAsian Times.

Tốc độ phát triển thần kỳ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) ngày 5-6. Ảnh: THE NEW INDIAN

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) ngày 5-6. Ảnh: THE NEW INDIAN

Washington và New Delhi giờ đây đã tiến hành tối đa các cuộc tập trận chung với sự tham gia của các lực lượng hai nước ở cấp độ song phương và đa phương.

Ấn Độ đã mua các hệ thống và nền tảng quân sự của Mỹ trị giá hơn 21 tỉ USD trong vài năm qua, bao gồm: máy bay tác chiến đặc biệt C-130 J, máy bay vận tải hạng nặng C-17, Máy bay tuần tra chống ngầm P-81, trực thăng CH-47 Chinook, tên lửa chống hạm Harpoon., pháo M777, trực thăng hàng hải MH-80 Seahawk cùng nhiều vũ khí khác.

Mỹ đã giúp Ấn Độ có được tư cách thành viên trong các cơ chế kiểm soát xuất khẩu đa phương như Australia Group, Thỏa thuận Wassenaar và Cơ chế Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (gồm 35 nước). Washington cũng hỗ trợ các lĩnh vực quốc phòng và không gian dân sự của Ấn Độ.

Mỹ cũng đã chỉ định Ấn Độ là “Đối tác quốc phòng chính (MDP)” duy nhất. Các chuyên gia cho rằng Washington dường như đã đặt New Delhi phần nào ngang hàng với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Hai nước cũng đã ký kết Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng Ấn Độ - Mỹ (DTTI), Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA), Thỏa thuận Tương thích và An ninh Truyền thông (COMCASA), Bản ghi nhớ về thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) và Sáng kiến Mỹ-Ấn về Công nghệ Quan trọng và Mới nổi (iCET).

Ngoài ra, năm 2018, Mỹ đã trao cho Ấn Độ Trạng thái Cấp 1 trong Cấp phép Thương mại Chiến lược của Mỹ, cho phép nới lỏng kiểm soát xuất khẩu của Mỹ trong việc bán sản phẩm công nghệ cao cho Ấn Độ.

Điều đáng chú ý là ngoại trừ DTTI được ký vào năm 2012, tất cả các thỏa thuận trên đều được ký kết sau khi ông Narendra Modi trở thành thủ tướng Ấn Độ năm 2014.

Các chính phủ trước đây ở New Delhi hạn chế ký kết các thỏa thuận với Mỹ do lo ngại điều này sẽ khiến Ấn Độ trở thành thành viên của “phe do Mỹ lãnh đạo” và ảnh hưởng đến quyền tự trị chiến lược mà Ấn Độ luôn đề cao.

Dưới thời ông Modi, quan hệ Ấn-Mỹ, bao gồm cả quan hệ an ninh, đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ.

Theo giới phân tích, với sự phát triển của cơ chế đối thoại song phương theo cơ chế 2+2 (gặp gỡ giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng 2 nước) và Bộ tứ Mỹ - Nhật - Ấn - Úc (QUAD), quan hệ đối tác Ấn-Mỹ trong lĩnh vực Quốc phòng hiện được cho là có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở.

Vướng mắc khó gỡ

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11-2022. Ảnh: THE EURASIAN TIMES

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11-2022. Ảnh: THE EURASIAN TIMES

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ kể trên, quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn vẫn có những trở ngại đến từ chính sách của 2 nước.

Theo luật và các quy tắc nội địa của Mỹ, đối với những công nghệ quân sự đắt tiền mà Mỹ bán, Washington nghiêm cấm bên mua thực hiện bất kỳ sửa đổi hoặc bổ sung nào đối với các phần cứng. Ngay cả việc sửa chữa cũng cần có sự đồng ý bằng văn bản từ Lầu Năm Góc.

Tương tự, các hệ thống như máy bay chiến đấu mà Washington bán cho một quốc gia thì quốc gia này cũng không được chuyển giao cho nước thứ ba nếu không có sự cho phép của Bộ Quốc phòng Mỹ. Điều quan trọng là Lầu Năm Góc thường xuyên nói “không” do bảo vệ các hệ thống và duy trì tính bảo mật của công nghệ nhạy cảm. Những nguyên tắc này hầu như không thể thương lượng.

Điều này có nghĩa là nếu các công ty Mỹ sản xuất động cơ cho vũ khí Ấn Độ thì New Dehli phải xin phép Mỹ nếu muốn xuất khẩu những vũ khí này.

Chẳng hạn, nếu hai hãng máy bay Mỹ là Boeing hoặc Lockheed đấu thầu thành công để cùng Ấn Độ sản xuất hơn 100 máy bay chiến đấu đa năng (MRFA) cho Không quân Ấn Độ, New Delhi sẽ không thể sử dụng máy bay chiến đấu để vận chuyển hạt nhân nếu không có sự cho phép của Mỹ.

Thậm chí ngay cả khi chính phủ liên bang ở Mỹ cho phép thì việc này vẫn có thể bị một tòa án nhỏ ở Mỹ bác bỏ.

Trong khi đó, các nước khác như Pháp hoặc Nga không áp dụng nguyên tắc như vậy khi hợp tác sản xuất với Ấn Độ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng ở thời điểm hiện tại các bệ phóng tốt nhất cho vũ khí hạt nhân của Ấn Độ lại là Mirages và Rafales của Pháp.

Về phía Ấn Độ, bất chấp những nỗ lực của chính phủ ông Modi trong việc tự do hóa nền kinh tế, New Delhi vẫn còn nhiều biện pháp hạn chế cản trở hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty quốc phòng.

Vẫn còn vô số quy tắc và quy định, chẳng hạn như chương trình “Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI)” mà chính phủ Ấn Độ bố năm 2020 cung cấp trợ cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất có trụ sở tại Ấn Độ có thể tác động đến sự hợp tác vũ khí Mỹ-Ấn.

Lãnh đạo hai nước nhận thức được những thách thức này và gần đây đang tìm kiếm các biện pháp khắc phục.

Dự kiến, trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Modi, chính quyền Tổng thống Biden sẽ chính thức cho phép tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ phản lực cho Ấn Độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm