Tại sao việc Iran sở hữu tên lửa siêu thanh khiến phương Tây chú ý?

(PLO)- Iran vừa công bố tên lửa đạn đạo siêu thanh “nhà làm” Fattah. Vậy vũ khí này có đặc điểm gì, Mỹ và đồng minh phản ứng ra sao?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Iran hôm 6-6 đã công bố tên lửa đạn đạo siêu thanh Fattah, cho biết tên lửa này “có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ” - động thái làm tăng lo ngại cho phương Tây và Israel.

Các chuyên gia của tờ Al Jazeera đã chỉ ra những điểm đáng chú ý liên quan sự kiện Iran công bố tên lửa mới.

Tên lửa siêu thanh là gì?

Tên lửa Fattah tại lễ ra mắt ngày 6-6 ở thủ đô Tehran (Iran). Ảnh: IRNA

Tên lửa Fattah tại lễ ra mắt ngày 6-6 ở thủ đô Tehran (Iran). Ảnh: IRNA

Tên lửa siêu thanh là tên lửa có thể di chuyển với tốc độ nhanh hơn ít nhất 5 lần so với tốc độ âm thanh, tương đương 1,7 km/giây hoặc 6.174 km/giờ.

Điểm đáng chú ý của tên lửa siêu thanh là nó có thể bay theo quỹ đạo phức tạp đến mục tiêu đã định giúp nó khó bị các hệ thống radar phát hiện và đánh chặn.

Nhiều quốc gia đang theo đuổi vũ khí siêu thanh với hy vọng sẽ mang lại lợi thế quân sự. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển loại vũ khí này vẫn còn nhiều thách thức.

Cụ thể, ma sát từ tầng khí quyển tạo ra nhiệt độ cực cao và với tốc độ cực mạnh của tên lửa tạo sẽ các hạt có nhiệt độ cao bao quanh, cản trở hoạt động liên lạc bằng sóng vô tuyến.

Đến nay, Nga và Trung Quốc là hai nước đã trình làng một loạt vũ khí siêu thanh, trong đó Nga là nước duy nhất đã thử nghiệm chúng trong chiến đấu. Mỹ cũng đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh nhưng chậm hơn một chút so với hai đối thủ của mình.

Biết gì về tên lửa mới của Iran?

Tổng thống Iran - ông Ebrahim Raisi phát biểu tại buổi lễ ra mắt tên lửa Fattah ngày 6-6 ở thủ đô Tehran (Iran). Ảnh: IRNA

Tổng thống Iran - ông Ebrahim Raisi phát biểu tại buổi lễ ra mắt tên lửa Fattah ngày 6-6 ở thủ đô Tehran (Iran). Ảnh: IRNA

Vài tháng sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) lần đầu tuyên bố có thể sản xuất tên lửa đạn đạo tên lửa siêu thanh trong nước, Tehran đã đưa Fattah ra mắt công chúng.

Iran cho biết tên lửa “nhà làm” của nước này có tầm bắn 1.400km và có thể di chuyển với tốc độ cực lớn lên tới Mach 15 (5,1 km/giây) trước khi bắn trúng mục tiêu.

Các chỉ huy hàng đầu của IRGC nói rằng tên lửa Fatta sở hữu một vòi đẩy thứ cấp có thể di chuyển được và sử dụng nhiên liệu đẩy rắn nên có khả năng cơ động cao cả trong và ngoài bầu khí quyển. IRGC tuyên bố rằng không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới sánh được với Fatta.

Tại buổi lễ ra mắt tên lửa, Tổng thống Iran - Ebrahim Rahisi nói rằng việc công bố các tên lửa mới đã giúp Iran mở rộng sức mạnh răn đe, mang lại an ninh và hòa bình bền vững cho khu vực xung quanh Iran”.

Tehran cũng bác bỏ sự hoài nghi của phương Tây về khả năng nước này phát triển tên lửa siêu thanh, tuyên bố sự thật sẽ được tiết lộ “vào ngày” những vũ khí này được sử dụng và Mỹ hoài nghi bởi vì công nghệ của Iran làm suy yếu nỗ lực của Washington trong việc bán vũ khí cho khu vực.

Mức độ quan tâm của Israel và phương Tây đến tên lửa Iran

Khác với những lần trước khi công bố vũ khí mới, lần này Iran đã kiềm chế không đe dọa trực tiếp kẻ thù “không đội trời chung” của mình là Israel.

Tuy nhiên, trước thông tin Iran ra mắt tên lửa, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Yoav Gallant nói: “Tôi nghe thấy kẻ thù đang khoe khoang về vũ khí mà họ đang phát triển. Chúng tôi có thể ứng phó tốt với bất kỳ sự phát triển nào như vậy - cho dù đó là trên đất liền, trên không hay trên biển, là phương tiện phòng thủ và tấn công”.

Tầm bắn hiện tại của tên lửa Fattah chưa bằng khoảng cách giữa Tehran và TP Tel Aviv (Israel). Tuy nhiên Tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Iran - ông Amir Ali Hajizadeh ngày 6-6 đã nói rằng lực lượng của ông có thể tìm cách phát triển các vũ khí siêu thanh với tầm bắn 2.000 km (xấp xỉ khoảng cách giữa Tehran và TP Tel Aviv) trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, với tốc độ mà Iran đã tuyên bố, về mặt lý thuyết, tên lửa Fattah có thể tiếp cận các mục tiêu của Israel trong vòng chưa đầy 7 phút. Điều đó sẽ tạo ra rất ít khoảng trống để phát hiện và đánh chặn, ngay cả đối với hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất của Israel là Iron Dome.

Khi đưa tin về sự ra mắt của tên lửa, truyền thông Israel đã tập trung vào đe dọa trước đó của truyền thông Iran rằng một quả đạn siêu thanh của Iran có thể vươn tới Israel trong 400 giây.

Tên lửa Fattah tại lễ ra mắt ngày 6-6 ở thủ đô Tehran (Iran). Ảnh: IRNA

Tên lửa Fattah tại lễ ra mắt ngày 6-6 ở thủ đô Tehran (Iran). Ảnh: IRNA

Về phía Mỹ, Washington không bình luận trực tiếp về tên lửa siêu thanh, nhưng người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden “đã rất kiên quyết trong việc đẩy lùi các hoạt động gây bất ổn của Iran trong khu vực”.

Mỹ cũng đưa ra một loạt trừng phạt mới lên Tehran sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo công bố tên lửa. Lệnh trừng phạt nhắm vào nhiều cá nhân và tổ chức ở Trung Quốc, Hong Kong và Iran mà Washington cho rằng đã mua các bộ phận và công nghệ nhằm hỗ trợ Tehran phát triển tên lửa đạn đạo.

Tại sao Iran công bố tên lửa lúc này?

Theo giới quan sát, việc Iran công bố tên lửa siêu thanh mới vào thời điểm này là đáng chú ý.

Thứ nhất, thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc hiện vẫn đang trong tình trạng lấp lửng, vẫn có những nổ lực hồi sinh thỏa thuận nhưng chưa rõ sẽ đi đến đâu.

Thứ hai, các cường quốc phương Tây tiếp tục bày tỏ lo ngại về liên minh quân sự giữa Tehran và Moscow.

Mỹ và đồng minh cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái tấn công cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine dù Tehran đã nhiều lần phủ nhận.

Trong khi đó, Iran cho biết nước này đang tìm cách mua máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 tiên tiến từ Nga.

Ngoài ra, bối cách khu vực cũng có những chuyển biến. Iran gần đây đã nối lại quan hệ song phương với Saudi Arabia sau một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian.

Phát biểu trong lễ công bố Fattah, Tổng thống Rahisi đã tìm cách trấn an các nước láng giềng về ý định của Tehran, nói rằng tên lửa mang lại “ hòa bình và an ninh bền vững” cho khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm