Liệu Mỹ có đáp ứng nguyện vọng Ukraine, gửi tên lửa có khả năng 'thay đổi cuộc chơi'?

(PLO)- Giới chức Mỹ nói gì khi Ukraine đòi Washington viện trợ loại tên lửa tầm xa ATACMS, và loại vũ khí này mạnh như thế nào?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Mới đây, khi được hỏi về phản ứng trước việc quân Nga tăng cường không kích tại Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông không bất ngờ trước các cuộc tấn công như vậy, đồng thời nhấn mạnh đó cũng là lý do thúc đẩy Washington tiếp tục viện trợ những vũ khí mà quân Ukraine đang cần, theo tờ Newsweek.

Ukraine muốn tên lửa ATACMS của Mỹ

Chia sẻ trên tài khoản Twitter cá nhân ngày 30-5, bà Kira Rudik, nghị sĩ Quốc hội Ukraine cho biết các cuộc tấn công của quân Nga trong tuần này, trong đó có các cuộc không kích nhằm vào Kiev đã cho thấy một thực tế rằng quân Ukraine đang cần thêm khí tài quân sự hơn bao giờ hết.

Bà còn lưu ý rằng những loại vũ khí tầm xa sẽ giúp quân Ukraine “phản ứng” tốt hơn trước các đợt không kích bất chợt từ phía Moscow.

Vũ khí thay đổi chiến trường

Tên lửa ATACMS của Mỹ. Ảnh: US ARMY

Theo Newsweek, Ukraine từ lâu đã yêu cầu Mỹ viện trợ tên lửa ATACMS, một loại tên lửa đối đất tầm xa được phóng từ hệ thống pháo phản lực bắn loạt cơ động cao (HIMARS). Tuy nhiên, Washington đã từ chối yêu cầu này của Ukraine, vì tên lửa này có tầm bắn xa (lên tới 300 km) nên có thể tiếp cận các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, và điều này sẽ khiến xung đột với Moscow thêm leo thang.

Mặc dù vậy, mới đây ông Biden cho biết Washington đang xem xét khả năng gửi loại tên lửa này cho Ukraine. “Chúng tôi đã đưa nó vào kế hoạch của mình và hiện đang thảo luận về tính khả thi của nó” - ông Biden lưu ý thêm.

Mới đây, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cũng cho biết những vũ khí tầm xa như ATACMS là vô cùng cần thiết đối với các lực lượng Ukraine ở thời điểm hiện tại.

Trung tướng Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges, từng là chỉ huy quân đội Washington ở châu Âu cho rằng tên lửa ATACMS sẽ tạo ra chuyển biến lớn cho quân Ukraine. “Tầm bắn 300 km tương ứng khoảng cách từ TP Odessa của Ukraine đến TP Sevastopol của Crimea. Điều đó có nghĩa là quân Ukraine có khả năng tấn công các đơn vị hậu cần của Nga tại Crimea và giành lại vùng lãnh thổ này từ tay Nga” - ông Hodges nhận định.

Chuyên gia này còn nhấn mạnh rằng ông tin chính quyền của Tổng thống Biden sẽ sớm gửi loại vũ khí trên cho quân Ukraine.

Trong chuyến thăm Ukraine diễn ra hồi tuần trước, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng nếu Mỹ viện trợ các loại vũ khí tầm xa cho Ukraine như tên lửa ATACMS, bom, đạn chùm thì quân Ukraine sẽ dễ dàng giành lại nhiều vùng lãnh thổ đang nằm dưới quyền kiểm soát của quân Nga.

ATACMS mạnh tới đâu?

ATACMS là loại tên lửa chiến thuật tầm xa, được phát triển và sản xuất bởi công ty quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ.

ATACMS được thiết kế để hoạt động với nhiên liệu rắn. Tên lửa này có tầm bắn xa (lên tới 300 km), và có vận tốc tối đa trong giai đoạn tăng tốc lên tới 1 km. Điều này khiến chúng khó bị nhắm mục tiêu và khó bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không của quân đối phương.

Quân Mỹ phóng tên lửa từ hệ thống pháo phản lực bắn loạt cơ động cao (HIMARS). Ảnh: WISCONSIN NATIONAL GUARD

Quân Mỹ phóng tên lửa từ hệ thống pháo phản lực bắn loạt cơ động cao (HIMARS). Ảnh:

WISCONSIN NATIONAL GUARD

Theo trang 19fortyfive, lý do Ukraine muốn có được hệ thống tên lửa này là vì tầm bắn xa của nó. So với hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS), tên lửa ATACMS có thể mang đầu đạn lớn hơn 50%, và có thể tấn công các mục tiêu xa gấp 3 lần.

ATACMS có khả năng mang các đầu đạn thông thường lẫn đầu đạn hạt nhân. Nhờ đó, tên lửa này có thể được sử dụng trong các đòn tấn công bất ngờ nhằm vào quân đối phương, đồng thời tạo ra “đột phá” cho các lực lượng không quân của Ukraine.

Bên cạnh đó, với khả năng tấn công trong phạm vi rộng, ATACMS có thể làm giảm khả năng tấn công tầm xa của Nga, vốn được cho là nhằm vào các mục tiêu nằm sâu trong thủ đô Kiev của Ukraine.

Tên lửa này còn có thể giúp quân Ukraine tạo được nhiều lợi thế trên chiến trường khi nó có thể nhắm mục tiêu là các hệ thống cơ sở hạ tầng của quân Nga như hệ thống đường sắt, sân bay, đơn vị tập kết vũ khí... một cách thầm lặng, khó bị phát hiện. Với khả năng này, quân Ukraine có thể gây ra nhiều rắc rối cho công tác trang bị hậu cần và tiếp tế khí tài quân sự của quân Nga ra chiến trường.

Cựu Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu - Trung tướng Mark Hertling nhận định rằng tên lửa ATACMS sẽ cung cấp khả năng tấn công “vượt trội” cho quân Ukraine. Cụ thể, ông cho rằng tên lửa ATACMS có khả năng hoạt động trong nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt, và quan trọng hơn hết là loại tên lửa này có tầm bắn rất xa, xa hơn cả tên lửa Storm Shadow mà Anh vừa viện trợ cho Ukraine (Storm Shadow có tầm bắn 250 km, ít hơn ATACMS 50 km).

Nga cảnh báo rắn khả năng Mỹ viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine

Giới chức Moscow cảnh báo rằng việc Washington cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng, kéo dài chiến sự, và quân Nga chắc chắn sẽ có hành động đáp trả, theo kênh RIA Novosti.

Cụ thể, hồi đầu tháng 5, Thượng nghị sĩ Nga Sergei Tsekov cho rằng một khi Mỹ gửi những vũ khí tầm xa cho Ukraine, quân Kiev có thể dùng những vũ khí này tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Điều này sẽ khiến Nga “thực hiện các phản ứng tương tự, làm xung đột leo thang và đẩy khả năng đàm phán hòa bình thêm xa vời”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm