Kinh tế tuần hoàn: TP.HCM tiên phong xây dựng chính sách đột phá

(PLO)- Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn TP đã quan tâm, rà soát, xây dựng và kiến nghị ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tạo nền tảng, cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM thu gom và tái chế rác thải nhựa. Ảnh: NV

Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội để phát triển

Việt Nam đang trong quá trình điều chỉnh cơ chế, chính sách theo hướng chú trọng tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển bền vững. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) là cơ hội để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và cũng là bước chuyển để tiến tới nền kinh tế xanh.

Trong bối cảnh đó, TP đã ban hành và triển khai các kế hoạch về tăng trưởng xanh và kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, theo báo cáo của UBND TP, TP đang thực hiện quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, TP có xây dựng và tích hợp phương án phát triển KTTH TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn TP đã quan tâm, rà soát xây dựng và kiến nghị ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tạo nền tảng, cơ sở phát triển KTTH, hoàn thiện các chính sách về bảo vệ môi trường như: cơ chế đặc thù về đặt hàng bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khoản 11 Điều 6 Nghị quyết số 98 của Quốc hội đã tháo gỡ vướng mắc của đa số các dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác trên địa bàn TP; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP...

Ngoài ra, UBND các quận, huyện đã ban hành các kế hoạch thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, giảm khai thác nước dưới đất. Đồng thời tăng cường công tác quản lý giảm thiểu tái sử dụng tái chế và xử lý chất thải nhựa giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

TP cũng tiếp tục triển khai chương trình xử lý rác thải sinh hoạt, tiến tới triển khai các hoạt động áp dụng mô hình 3R trong hoạt động sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt thường ngày để giảm thiểu, hạn chế rác thải, làm cơ sở cho phát triển KTTH trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan trên địa bàn TP cũng đang tích cực triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ làm tiền đề phát triển kinh tế xanh, KTTH, như “Hoàn thiện hệ thống khung chính sách tăng trưởng xanh tại TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, “Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ đánh giá tăng trưởng xanh cho các ngành, lĩnh vực TP.HCM”; “Định hướng chuyển đổi sang KTTH hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP.HCM”; đề xuất giải pháp triển khai trong xu thế hình thành các tiêu chuẩn mới về định giá các-bon, đảm bảo tính bền vững và hành xử kinh doanh có trách nhiệm trong thương mại và đầu tư quốc tế...

Tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư về kinh tế tuần hoàn:

Theo thông tin từ UBND TP.HCM, để phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế, TP cũng tiếp tục mở rộng quan hệ và tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước, đón tiếp và làm việc với các đoàn đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thời gian qua, TP.HCM còn tăng cường thúc đẩy, áp dụng mô hình kinh tế xanh, KTTH trong các ngành, lĩnh vực. Cụ thể, trong ngành công thương, đã định hướng ưu tiên sản xuất các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường thông qua lồng ghép, triển khai nhiều chương trình. Trong đó có thực hiện đề án sản xuất hạt nhựa và sản phẩm nhựa từ nguồn nguyên liệu tái chế (rác thải nhựa). Khuyến khích các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thúc đẩy nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện KTTH. Đề xuất các mô hình KTTH nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho các xã nông thôn mới ở khu vực nông thôn TP.HCM.

Đầu tư vào công nghệ xanh

Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là TP.HCM sẽ đầu tư vào công nghệ xanh nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường thông qua nghiên cứu và triển khai công nghệ tiết kiệm năng lượng, năng lượng mặt trời, và các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Đồng thời sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ công nghệ xanh, các chính sách ưu đãi thuế và đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh. Phát triển các dự án bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó là khuyến khích các giải pháp phát triển đô thị xanh với các dự án bất động sản, kiến trúc đô thị xanh, giao thông xanh, ưu tiên phát triển và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Tiếp tục triển khai các đề án thí điểm về Cần Giờ xanh, từ đó phát triển ra các địa bàn khác của TP...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới