Kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh

(PLO)- Trong năm 2024, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị quốc tế và chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và thiên tai.

Tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng hết sức tích cực nhờ có sự gia tăng nhu cầu từ các đối tác xuất khẩu lớn như EU hay Hoa Kỳ, dẫn đến sự phục hồi xuất khẩu và sản xuất công nghiệp mạnh mẽ, cùng với sự phục hồi dần dần của tiêu dùng trong nước. Đó là quan điểm của ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Sự dịch chuyển về công nghệ mang đến cơ hội tăng cao năng suất lao động, nhưng đi kèm với nó là không ít thách thức - Ảnh: Bộ Công thương

Ông Coppola đồng thời dự báo sự tăng trưởng tích cực này sẽ tiếp tục trong năm 2025, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều việc cần phải làm để đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt ngưỡng cao, hiện thực hóa nhiều mục tiêu lớn trong những năm tới.

+Phóng viên: Gần đây, một số tổ chức tài chính toàn cầu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Âu, đồng thời cảnh báo về khả năng các biện pháp trả đũa thuế quan của châu lục này sẽ có thể làm yếu triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Á, đặc biệt Trung Quốc và Đông Nam Á năm 2025. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

- Ông Andrea Coppola: Tăng trưởng kinh tế châu Âu và sự hội nhập về thương mại toàn cầu giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung, trong đó có nhóm nền kinh tế Đông Nam Á với định hướng xuất khẩu.

Chính vì vậy nếu tăng trưởng kinh tế châu Âu yếu đi cũng như các biện pháp hạn chế thương mại sẽ gây ra tác động tiêu cực lên xuất khẩu và đầu tư khu vực Đông Nam Á. Dù tăng trưởng kinh tế châu Âu thời gian gần đây ở ngưỡng thấp nhưng đang phục hồi. Hoạt động kinh tế châu Âu cải thiện, từ mức 0,4% của năm 2023 lên 0,8% vào năm 2024. WB dự báo tăng trưởng kinh tế châu Âu sẽ cải thiện lên mức khoảng từ 1 đến 1,5% vào năm 2025.

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2025 với dự báo tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5%, thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất ở Đông Á cũng như ở cấp độ toàn cầu.

Thương mại sẽ tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu có thể không ấn tượng như năm 2024 do có thể xuất hiện sự suy giảm nhu cầu từ phía Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai động lực lớn của nền kinh tế toàn cầu.

Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của WB tại Việt Nam, Lào và Campuchia - Ảnh: WB

+Năm 2024, kinh tế Việt Nam đương đầu với nhiều thách thức, trong đó nổi bật nhất phải kể đến căng thẳng địa chính trị trên thế giới, lãi suất tại các nền kinh tế lớn tăng cao, tăng trưởng kinh tế của một số nước đối tác thương mại chững lại cũng như tác động từ bão lụt. Ông nhận định ra sao về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025?

-Ông Andrea Coppola: Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã tăng trưởng rất tích cực. Cũng giống như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, kinh tế Việt Nam đương đầu với nhiều thách thức ví như căng thẳng địa chính trị toàn cầu cũng như các yếu tố dễ gây tổn thương như biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Bất chấp những yếu tố nghịch cảnh trên, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố vững vàng. Xu thế tăng trưởng kinh tế dài hạn vẫn rất sáng sủa.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế Đông Á năm 2025 sẽ vẫn ở ngưỡng cao, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn ở ngưỡng cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn ba rủi ro chính với tăng trưởng kinh tế Việt Nam:

Bất ổn lớn đến từ việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chững lại, trong đó nổi bật nhất phải kể đến nhóm các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc.

Nếu chất lượng tài sản ngành ngân hàng xấu đi, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể sẽ hạn chế, kết quả tăng trưởng đầu tư sẽ chịu tác động.

Việt Nam sẽ vẫn dễ chịu tổn thương từ những thảm họa thiên nhiên liên quan đến biến đổi khí hậu.

Nếu những rủi ro trên trở thành hiện thực, trong khi dư địa hỗ trợ của chính sách tiền tệ không còn nhiều bởi xét đến việc đồng USD tăng giá trên quy mô toàn cầu, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công sẽ có thể hỗ trợ cho tổng cầu nói chung.

Để giảm thiểu rủi ro và những yếu tố dễ tổn thương trong lĩnh vực tài chính, giới chức có thể khuyến khích các ngân hàng tăng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), đồng thời củng cố cho khung chính sách giúp tăng cường giám sát và can thiệp sớm.

Sẽ cần đến những cải tổ về mặt cấu trúc trong một số lĩnh vực, trong đó bao gồm đào tạo và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để gia tăng năng suất và tính cạnh tranh cho kinh tế nội địa, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp để giúp Việt Nam xuất khẩu các loại hàng hóa giá trị gia tăng cao hơn.

+Vậy theo ông, kinh tế Việt Nam có những cơ hội và thách thức ra sao trong năm 2025 và những năm sắp tới?

-Ông Andrea Coppola: Thế giới đang thay đổi rất nhanh, điều này mang đến nhiều cơ hội và cả những thách thức cho kinh tế Việt Nam.

Sự dịch chuyển về công nghệ mang đến cơ hội tăng cao năng suất lao động, nhưng đi kèm với nó là không ít thách thức. Tự động hóa gia tăng sẽ có những ảnh hưởng nhất định lên việc làm và khả năng cạnh tranh của những nước phụ thuộc vào mô hình xuất khẩu dựa trên chi phí lao động thấp cũng như thâm dụng lao động.

Biến đổi khí hậu và sự dịch chuyển xanh cũng cần đến những nỗ lực để giúp giảm tính dễ tổn thương của Việt Nam với thảm họa thiên nhiên cũng như giảm phát thải các bon của ngành sản xuất tại Việt Nam.

Một cơ hội quan trọng cho Việt Nam trong những năm tới chính là nhu cầu toàn cầu đang dần dịch chuyển về châu Á. Dù rằng xu thế phổ biến của người dân châu Á là tiết kiệm, tiêu dùng người dân Đông Á đang tăng trưởng rất nhanh. Cùng đó, tiêu dùng người dân Mỹ và châu Âu lại giảm. Việt Nam cần nắm bắt được cơ hội nhu cầu tiêu dùng của các nước châu Á gia tăng trong những năm tới.

Trong bối cảnh này, Việt Nam nên tăng cường hội nhập khu vực để hỗ trợ thương mại và đầu tư. Song song với đó, cần đến những nỗ lực chuyển dịch công nghệ, chuyển dịch xanh; gia tăng kỹ năng cho lực lượng lao động, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để tăng năng suất lao động, vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời có được mức tăng trưởng kinh tế cần thiết để trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.

Cám ơn những chia sẻ của ông!

Thu hút FDI trong thời kỳ Trump 2.0

Trong báo cáo thường niên mới công bố, chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán Rồng Việt có đưa ra một số nhận định về tình hình thu hút FDI trong năm 2025:

Chiến lược “Trung Quốc + 1” đã giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài đồng thời góp phần nâng cao giá trị tăng thêm trong hoạt động xuất khẩu của khu vực trong nước. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong Trump 2.0.

Việt Nam xếp thứ 18/25 top thị trường mới nổi thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2024. Chứng khoán Rồng Việt cho rằng cần có những thay đổi nội tại rõ rệt hơn nữa để dòng vốn FDI mạnh mẽ hơn trongTrump 2.0.

Các chiến lược thu hút FDI mới là cấp thiết, được kỳ vọng sẽ được thông qua và thực hiện trong năm 2025

Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút nhiều vốn FDI nhất thế giới

Quý cuối năm, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) –ông Cho Hyun-joon cho biết sau khi “rót” khoảng 4 tỉ USD vào Việt Nam, Hyosung có kế hoạch đầu tư thêm 4 tỉ USD để thực hiện các dự án trong các lĩnh vực trung tâm dữ liệu, sản xuất sản phẩm vật liệu công nghệ cao, nhà máy nhiên liệu bay sinh học… tại Việt Nam.

Với loạt thương vụ lớn như trên, năm 2025 Việt Nam được dự báo tiếp tục thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI, đặc biệt là nguồn vốn từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)...

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, năm 2025, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới