Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), đợt nghỉ tết Nguyên đán kéo dài, cộng thêm tình hình bùng phát đại dịch COVID-19 đã khiến cho xuất khẩu cá tra sang thị trường lớn nhất của năm 2019 là Trung Quốc bị ngưng trệ.
Cá tra gặp khó đủ đường
Trong hai tháng, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 28 triệu USD, giảm hơn 52% so với cùng kỳ năm 2019. Một số doanh nghiệp cho biết số lượng đơn hàng trong tháng 2 và 3-2020 chỉ còn khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong hai tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng chỉ đạt 26 triệu USD, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là từ tháng 3 khi Ý, Đức và Anh là những thị trường tiềm năng cho cá tra Việt Nam trở thành trọng tâm của đại dịch đã khiến hoạt động giao thương sang các thị trường này ngưng trệ.
Hệ thống nhà hàng, khách sạn đã ngưng hoạt động để tránh lây lan dịch COVID-19, nhiều đơn hàng bị ngưng và khách hàng thông báo chưa biết thời điểm nào sẽ giao dịch trở lại.
Một số khách hàng EU còn khả năng tương tác đang liên tục đưa ra yêu cầu giảm giá bán. Trong khi đó, giá cá tra xuất khẩu trung bình sang một số quốc gia tại EU trong đầu năm nay đã giảm từ 10%-15% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cá tra sụt giảm mạnh vì tiêu thụ các thị trường giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đầu năm nay, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của cá tra Việt Nam (sau Mỹ và Trung Quốc - Hong Kong) với giá trị xuất khẩu trong hai tháng đạt hơn 26 triệu USD, giảm 19%. Trong đó, ba thị trường đơn lẻ xuất khẩu lớn nhất là Thái Lan giảm 10,9%; Malaysia giảm 5,8% và Singapore giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, Malaysia đã phong tỏa toàn bộ đất nước trong hai tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus gây dịch COVID-19. Nhiều đơn hàng cá tra sang thị trường này đã bị ngưng trệ.
Đây được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng và ổn định trong khối ASEAN trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Trước tình hình hiện tại, các đơn hàng cá tra sang Malaysia trong ba tháng tới vẫn tiếp tục chờ phản hồi từ phía các đối tác.
Trong tháng 2 và tháng 3, tình trạng hạn mặn bất thường đã xảy ra ở ĐBSCL khiến cho vùng nuôi cá tra nguyên liệu bị ảnh hưởng nặng nề. Người nuôi ở một số địa phương đã ngưng thả nuôi do không đủ điều kiện nước, thủy lợi cho việc thả vụ mới.
Cho tới thời điểm nay, do ảnh hưởng của thị trường và dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động.
Tín hiệu lạc quan trở lại
Dù đang gặp rất nhiều khó khăn, xuất khẩu giảm sút nhưng thị trường đang có những dấu hiệu tích cực trở lại.
Theo Vasep, kể từ giữa tháng 3, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, khách hàng Trung Quốc đã bắt đầu đặt hàng trở lại, lưu thông hàng hóa bắt đầu khởi động.
Kể từ tháng 4, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hong Kong nhiều khả năng sẽ ổn định dần.
Như tại thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 2 giá trị xuất khẩu cá tra giảm gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 2, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 20,6 triệu USD, chiếm gần 19% giá trị xuất khẩu cá tra và tăng gần 67% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường Mỹ, Trung Quốc đã bắt đầu mua cá tra trở lại.
Theo Vasep, đầu năm nay, khi lượng tồn kho sản phẩm cá thịt trắng, trong đó có cá tra tại Mỹ đã giảm, doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường này.
Trong tháng 2, xuất khẩu cá tra sang Brazil, Colombia và Úc cũng tăng trưởng lạc quan hơn so với cùng kỳ năm trước.
Cộng với việc "hồi sinh” nhập khẩu cá tra ở thị trường Trung Quốc - Hong Kong, Vasep đánh giá sẽ có nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong thời gian tới.
(PLO)- Đức là thị trường xuất khẩu cá tra với giá cao, sản phẩm chủ yếu là cá tra cắt khúc, phi lê, da cá tra đông lạnh và phi lê cá tra organic (hữu cơ).