Cần xây dựng luật về phân phối bán lẻ

Một trong những điểm yếu kém của thị trường dịch vụ phân phối bán lẻ ở Việt Nam là chưa đưa ra tiêu chí rõ ràng về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi doanh nghiệp (DN) muốn mở điểm bán lẻ thứ hai trở lên. Điều này tạo ra sức ép đối với hộ kinh doanh nhỏ và thiếu minh bạch đối với nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, một “công thức” rõ ràng hơn về kiểm tra nhu cầu kinh tế cần được quy định trong một văn bản pháp luật cụ thể để tránh tình trạng tùy tiện trong việc cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nội dung trên đây đã được đề cập chi tiết tại buổi hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về quản lý dịch vụ phân phối và kiến nghị chính sách cho Việt Namdo Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap) phối hợp Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM hôm qua (7-9).

Không nên tùy tiện mở điểm bán lẻ thứ hai

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM, nêu ra thực tế hiện việc cấp phép mở điểm bán lẻ thứ hai tại các địa phương rất tùy tiện. Sở Công thương TP đã quy hoạch hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và có ý kiến cụ thể về việc không thể cấp phép mở điểm bán lẻ thứ hai tại một khu vực không phù hợp quy hoạch. Tuy nhiên, dù sở này không chấp thuận thì các trung tâm thương mại, siêu thị… trái quy hoạch vẫn “bất thình lình” xuất hiện tại nhiều nơi vì việc cấp phép đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết.

Cần xây dựng luật về phân phối bán lẻ ảnh 1

Người tiêu dùng trong nước hiện đã quen với việc mua sắm tại siêu thị. Ảnh: T.HẢI

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, người đã kiên trì bảo vệ điều kiện ENT trong quá trình đàm phán WTO, hiện nay do không có quy định cụ thể về điều kiện xem xét cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài về mở điểm bán lẻ thứ hai nên việc cấp phép hoặc từ chối cấp phép ở các địa phương rất khá tùy tiện. Vì vậy, cần có một “công thức” rõ ràng về ENT tạo sự minh bạch cho môi trường đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, việc xem xét “nhu cầu kinh tế” phải đảm bảo ba tiêu chí:

- Bảo vệ sự ổn định của hệ thống bán lẻ đã hình thành từ trước. Một đơn vị bán lẻ mới ra đời không làm giảm doanh thu, giảm thu nhập và việc làm của hộ kinh doanh cũ.

- Phải xem xét điều kiện về mật độ giao thông tập trung tại khu vực.

- Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng tại khu vực đó.

Ông Tuyển đưa ra gợi ý về “công thức” xem xét mở điểm bán lẻ theo hướng: Diện tích cho phép mở thêm điểm bán lẻ phụ thuộc vào việc tính toán; dự kiến doanh số tăng thêm tại khu vực này (dựa trên cơ sở mức doanh số bán lẻ hiện tại); mức độ tập trung dân số tại khu vực và lựa chọn mô hình bán lẻ nào phù hợp.

Sẽ có nghị định riêng về hoạt động bán lẻ

Đồng tình với gợi ý này, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết hiện nay, dự thảo nghị định về quản lý dịch vụ bán lẻ vừa được đưa ra lấy ý kiến. Vấn đề kiểm tra nhu cầu kinh tế được đưa ra theo hướng: Việc mở điểm bán lẻ thứ hai của DN có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với quy hoạch của địa phương và xem xét dựa trên số lượng cơ sở bán lẻ hiện tại, sự ổn định của thị trường và mật độ dân cư.

Số lượng cơ sở bán lẻ sẽ phụ thuộc vào tổng số lượng cửa hàng cùng cấp độ, số cửa hàng kinh doanh cùng loại hàng hóa, số lượng các chợ và cửa hàng có quy mô vừa và nhỏ đang tồn tại trong khu vực. Ngoài ra, cần tính toán dựa trên hệ thống cửa hàng đang hoạt động ổn định. Việc xem xét sự ra đời một cửa hàng mới có làm ảnh hưởng sự tồn tại của các cửa hàng sẵn có kinh doanh cùng ngành hàng tương tự hay không là rất cần thiết.

Theo ông Phạm Đình Thưởng, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Vụ Thị trường trong nước, UBND các tỉnh, TP sẽ thành lập một hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế do thành lập để xác định sự phù hợp của việc lập một cơ sở bán lẻ mới có phù hợp các điều kiện trên đây hay không. Kết quả xem xét của hội đồng phải được gửi đến Bộ Công thương lấy ý kiến chấp thuận.

Theo ông Trương Đình Tuyển, các văn bản về dịch vụ phân phối còn chồng chéo và thiếu minh bạch. Vì vậy cần sớm có văn bản chính thức quy định về các vấn đề quản lý mạng lưới hệ thống bán lẻ để thị trường bán lẻ Việt Nam minh bạch với nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện để DN trong nước đổi mới công nghệ, cạnh tranh lành mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay cần xây dựng một luật riêng về phân phối, trong đó quy định rõ các loại hình phân phối hiện đại như bán buôn, bán lẻ, đại lý hoa hồng, nhượng quyền thương mại, bán hàng trực tiếp (bán tại nhà), bán hàng qua mạng… Được biết, những nội dung trên đây sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi tại website của Bộ Công thương trong thời gian sớm nhất.

THANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm