Chiêu mới phá bỏ lời nguyền “được mùa, mất giá”

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đều thống nhất cho rằng: Để giải quyết bài toán về vấn đề tiêu thụ cho nông sản cả nước, Việt Nam (VN) cần xây dựng bản đồ số để kết nối các vùng nguyên liệu, kết nối vùng nguyên liệu với DN, DN với thị trường…

Canh cánh nỗi lo rớt giá

Vừa qua là những ngày đầy khó khăn của nông dân trồng khoai lang tím ở Vĩnh Long. Khoai đã quá lứa thu hoạch nhưng vẫn nằm im ngoài đồng vì không thể xuất khẩu do ảnh hưởng dịch COVID-19. Giá khoai xuống thấp, có thời điểm xuống dưới 1.000 đồng/kg. Nông dân mất trắng. Để giảm bớt khó khăn cho bà con, lực lượng chức năng địa phương đã phối hợp với các đoàn thể kêu gọi DN trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiêu thụ khoai lang tím.

Ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện tại tình hình tiêu thụ khoai lang tím trên địa bàn tỉnh đã tốt hơn nhưng giá bán vẫn chỉ ở mức hơn 3.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân vẫn chưa có lãi.

Kết nối tốt cung - cầu sẽ giảm được tình trạng nông sản rớt giá, giải cứu. Trong ảnh: Sơ chế vải thiều ở Bắc Giang trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: NGỌC QUANG

“Lâu nay, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long vẫn thường xuyên phối hợp tìm hiểu thị trường, xúc tiến tiêu thụ cho nông sản của tỉnh nhưng lượng thông tin còn rất hạn chế” - ông Dãnh thừa nhận.

Còn tại Khánh Hòa, trong tháng 4, tháng 5 vừa qua là vụ thu hoạch xoài nhưng giá rớt mạnh, còn khoảng 3.000 đồng/kg. Lý do chủ yếu là ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên khó xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, thông tin: Tỉnh có quy hoạch vùng trồng rất rõ ràng, quy củ. Thế nhưng cũng chẳng tránh được tình trạng khi xoài được giá cao, người nông dân phớt lờ khuyến cáo của cơ quan chức năng mà trồng tự phát, tự ý gia tăng diện tích sản xuất. Mặt khác, do những trường hợp bất khả kháng như dịch COVID-19 xảy ra khiến xoài rớt giá.

Không chỉ khoai lang hay xoài mà thời gian qua, hàng loạt mặt hàng nông sản khác như thanh long, mít, chuối… cũng thường xuyên rơi vào tình cảnh được mùa, mất giá và ngược lại.

Mơ một ngày các bộ ngồi lại với nhau

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá nông sản Việt nổi tiếng thơm ngon, được xuất khẩu ra hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tiếc thay, dù VN nằm trong tốp đầu xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng người nông dân chỉ nhận được những “đồng tiền lẻ” trong chuỗi giá trị. Đến mùa thu hoạch, nỗi lo rớt giá, giải cứu cứ canh cánh trong lòng.

Chính vì thế, vị chuyên gia gắn bó nhiều năm với nông nghiệp, nông dân, nông thôn mơ về một ngày các bộ NN&PTNT, Công Thương, TT&TT… cùng ngồi lại với nhau cho ra bằng được “Bản đồ số về nông nghiệp VN”. Trong bản đồ số này sẽ có thông tin đầy đủ về vùng đất, diện tích, sản lượng cây trồng, vật nuôi, thời gian thu hoạch, năng lực chế biến, khả năng tiêu thụ, thị trường tiêu thụ... để người nông dân, DN dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin. Đặc biệt, bản đồ công khai và dễ truy cập thông tin.

“Khi gặp khó khăn, chúng ta hay đổ lỗi cho cơ sở, người nông dân mà không thấy trách nhiệm của các bộ, ngành. Rõ ràng liên kết giữa các bộ, ngành rất kém. Nhà nước tốn rất nhiều tiền cho xây dựng cơ sở dữ liệu nhưng nó chỉ là những điểm nhỏ không được cộng lại với nhau nên không thành cơ sở mang tính quốc gia. Một số cục, vụ của ngành nông nghiệp cũng có số liệu nhưng ngay cả tôi là chuyên gia nông nghiệp nhiều khi vẫn phải bỏ tiền túi đi mua số liệu từ các bộ. Đó là chưa kể số liệu hiện giờ vẫn chưa chính xác” - chuyên gia Hoàng Trọng Thủy chia sẻ.

Do vậy, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng việc xây dựng bản đồ số của nông nghiệp là việc cần thiết phải làm. “Nếu Chính phủ, các bộ, ngành không vào cuộc thì người nông dân vẫn sẽ phải vật lộn trên cánh đồng. Chuyển đổi số, cách mạng 4.0, tổ chức lại sản xuất, vấn đề thị trường... chính là ở đây” - ông Thủy nhấn mạnh.

Cần làm ngay, vướng đến đâu gỡ đến đó

Từ phía địa phương, ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: Nếu xây dựng được Bản đồ số của nông nghiệp VN thì... quá hay.

“Nội dung này có thời gian chúng tôi cũng từng suy nghĩ tới nhưng chưa hình thành được. Đây thực sự là mô hình hay. Trong thời đại số như hiện nay, chúng ta nên có những chương trình, đề án để kết nối nông sản, giúp cho việc trồng trọt và tiêu thụ nông sản khớp hơn. Tỉnh Khánh Hòa đã có đầy đủ dữ liệu về vùng trồng, DN... nên nếu mô hình này được triển khai, tỉnh sẽ phối hợp được ngay thôi, chắc không có gì khó khăn” - ông Ninh nhấn mạnh.

Trong thời gian chờ đợi Bản đồ số của nông nghiệp VN ra đời, cách đây một tháng, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng được trang web về nông sản với tên miền “chonongsankhanhhoa.vn”. Trên trang web này có danh sách các mặt hàng từ thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến đến địa chỉ các DN, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh… để giới thiệu, kết nối.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN Đặng Phúc Nguyên cũng đánh giá bản đồ này sẽ phục vụ rất tốt cho vấn đề sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông sản sau này.

Bởi khi có bản đồ số, nông dân, địa phương sẽ nắm bắt được quy hoạch sản lượng, cây trồng để có hướng sản xuất thích hợp. Các cơ quan nhà nước, DN, người tiêu thụ trong và ngoài nước cũng nắm được thông tin để có đầu tư làm ăn bài bản, hiệu quả hơn.

“Trước mắt mình cứ làm, sau đó hoàn thiện dần, vướng đến đâu gỡ đến đó” - ông Nguyên nói.

Sẽ xây dựng kho dữ liệu cung - cầu nông sản

Trao đổi với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết bộ sẽ xây dựng kho dữ liệu cung - cầu nông sản.

Bộ trưởng chia sẻ: “Tôi được biết có những lúc vì không khớp về thông tin, như tình trạng hành tím Vĩnh Châu ở Sóc Trăng bị rớt giá còn 5.000-6.000 đồng/kg thì trên mạng, người ta thông tin rằng tại sao ở Đắk Lắk họ vẫn mua với giá 45.000 đồng/kg. Như vậy, rõ ràng câu chuyện kết nối thị trường nội địa có vấn đề. Những thông tin bất cân xứng, tạo ra dư thừa một cách cục bộ, chỗ cần thì không có, không vận chuyển được vì không có thông tin”.

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kho dữ liệu và sẽ cập nhật thường xuyên cho các hệ thống phân phối biết rằng ở tỉnh nào đang chuẩn bị thu hoạch nông sản gì, sản lượng bao nhiêu. Các hệ thống phân phối chủ động chuẩn bị phương tiện vận chuyển, kho bãi, giải pháp bảo quản và ký kết hợp đồng với đối tác. Từ đó sẽ hạn chế được tình trạng chỗ cần thì không có như hiện nay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm