Doanh nghiệp cần điều gì từ Nhà nước khi bình thường mới?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM đã chuyển từ mục tiêu “zero covid” sang sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2. Ở trạng thái bình thường mới, các chuyên gia y tế và chính sách phòng, chống dịch đã khuyến cáo nên áp dụng khung đánh giá mức độ dịch bệnh, ví dụ từ cấp độ 0 đến 4 theo gợi ý WHO, biểu thị từ an toàn đến cực kỳ nguy hiểm.

Trong bối cảnh đó, nhà nước cần có chính sách phân nhóm ngành kinh tế ưu tiên để có thể đưa ra quyết định về mức độ, quy mô, hình thức hoạt động của từng (nhóm) doanh nghiệp trong từng kịch bản giãn cách xã hội cụ thể mà không gây thiệt hại đáng tiếc đối với nền kinh tế.

Cần phân ngành ưu tiên

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định để làm điều này thì vai trò của Bộ Công thương, hay Sở Công thương ở TP cũng như các cơ quan tham mưu là rất quan trọng.

Theo ông Du, các ngành, nghề liên quan đến chuyện ăn, ở, sức khỏe của người dân phải luôn được đảm bảo dù TP trong tình trạng dịch bệnh nào. “Khi cần thì người dân phải được mua thức ăn, nhu yếu phẩm với chi phí hợp lý nhất. Khi ốm đau, cho dù là COVID-19 hay bệnh lý khác, thì người dân hải được tiếp cận chăm sóc y tế sớm nhất… Đó là điều rất quan trọng và cần đảm bảo khi người dân chấp nhận sống chung an toàn với SARS-CoV-2” – ông Du nhận xét.

Lĩnh vực thứ hai cũng rất quan trọng đó là đảm bảo các hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và nước ngoài. Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập và giao thương với các nước trên thế giới, cho nên việc duy trì hoạt động thiết yếu để gắn Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu là rất quan trọng.

“Có rất nhiều vấn đề, tôi không thể chỉ ra đến từng cây kim, sợi chỉ… Việc nghiên cứu, phân loại các nhóm ngành cần ưu tiên hoạt động song hành với chính sách khống chế dịch bệnh là điều mà Chính phủ, các cơ quan tham mưu (các bộ, ban ngành) và bản thân các địa phương với từng đặc thù khác nhau phải tiến hành nếu muốn mở cửa trở lại. Các cơ quan này phải làm việc và đưa ra danh sách các nhóm ngành theo mức cấp thiết, rủi ro, vai trò ảnh hưởng… để các nhà khoa học, người dân, doanh nghiệp cùng góp ý để thống nhất.

Đó là cơ sở để chúng ta áp dụng các biện pháp nới lỏng hay siết chặt theo từng cấp độ khác nhau. Hiện nay, tôi thấy chúng ta chưa đưa ra được các cơ sở thuyết phục khi đưa ra các quyết định về giãn cách xã hội với các nhóm ngành” – ông Du nói.

Các ngành, nghề liên quan đến chuyện ăn, ở, sức khỏe của người dân phải luôn được đảm bảo dù TP trong tình trạng dịch bệnh nào. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhà nước mở cơ chế, doanh nghiệp linh hoạt

Trong bình thường mới, vấn đề mở hay đóng cửa cũng được nhiều người dân và doanh nghiệp quan tâm. Theo ông Du, tư duy sống chung với virus gây bệnh không nên đặt nặng vào hai phương án theo kiểu hoặc là đóng, hoặc là mở.

“Nền kinh tế được ví như một dòng sông, còn việc đóng và mở giống như việc trị thủy hay điều hòa lượng nước. Khi cần điều tiết thì chính quyền có thể điều chỉnh lưu lượng nước để phù hợp với một mục tiêu cụ thể nào đó” – ông Du phân tích.

Từ đó, có thể thấy rằng ở mỗi mức độ điều tiết khác nhau của nhà nước thì doanh nghiệp có thể phù hợp hoặc không phù hợp nữa, dẫn đến quyết định tiếp tục kinh doanh hay rút khỏi thị trường. Đó là điều bình thường. Quan trọng là khi điều tiết thì phải thông tin minh bạch, rõ ràng; có các cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể thích ứng với môi trường mới, còn doanh nghiệp sẽ tự quyết dựa vào lợi ích của họ.

“Như vậy, việc một số doanh nghiệp thông tin muốn rời khỏi Việt Nam hay ở lại nó không quan trọng bằng mục tiêu chính của mình – tạo ra một môi trường mới thích nghi với SARS-CoV-2, trong đó nhà nước làm tất cả các giải pháp phù hợp để tạo ra sự thuận tiện tốt nhất có thể cho hoạt động sản xuất. Còn khi đã quyết định sống chung với virus thì không thể nào như trước đây nữa” – Ông Du nói.

Vấn đề là nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giải pháp cụ thể nào? Theo ông Du, gói ưu đãi và hỗ trợ từ phía chính quyền với doanh nghiệp là rất quan trọng. Ngân hàng Thế giới gần đây đã đánh giá Việt Nam cần phải tăng thêm ngân sách trong hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp chống dịch COVID-19.

Song song đó, có thể thấy khi nhà nước đặt ra các điều kiện để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới chắc chắn sẽ gây ra những “tác dụng phụ” (ví dụ mô hình 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến, thực hiện giám sát dịch bệnh trong khi sản xuất…).

“Như vậy, nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng cách giảm gánh nặng – các chi phí trực tiếp như chi phí xét nghiệm, hỗ trợ người lao động 3 tại chỗ, hỗ trợ chi phí chữa bệnh, tiền thuê mặt bằng phát sinh do phải duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh đang xảy ra...” – Ông Du đề xuất.

Về phía bản thân doanh nghiệp, nếu như trước đây họ không phải đối diện các rủi ro từ SARS-CoV-2 thì bây giờ họ phải đưa ra các phương án quản trị rủi ro liên quan dịch bệnh. Rủi ro có thể là người lao động bị nhiễm, phải cách ly; đối tác phải tạm ngừng hoạt động vì dịch; người tiêu dùng phải thay đổi phương thức mua hàng; và rất nhiều rủi ro khác phụ thuộc từng ngành, nghề trong nền kinh tế.

“Tôi tin bài toán lợi ích thì không ai giỏi tính bằng doanh nghiệp. Họ sẽ biết cân đo đong đếm để đảm bảo phần lợi ích cao hơn phần thiệt hại khi sống chung virus. Điều họ cần nhất là một cơ chế từ phía nhà nước để họ có thể tiếp cận các dữ liệu cần thiết, tự do sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào các mô hình phòng, chống dịch. Ngoài ra, khi họ gặp khó khăn do phải ngừng hoạt động thì cứu trợ từ nhà nước là rất cần thiết” – Ông Du kết luận. 

Vành đai mở cửa vùng TP.HCM

Để mở cửa và thích nghi với bối cảnh mới, sự kết nối giữa các tỉnh, thành là rất quan trọng. Theo ông Huỳnh Thế Du, vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của Trung ương, cụ thể là Chính phủ và các bộ, ban ngành. TP.HCM có thể quyết định các vấn đề chống dịch ở địa phận hành chính TP, chứ không thể tạo ảnh hưởng lên các vùng phụ cận dù rằng họ có thể kết nối và hỗ trợ lẫn nhau.

Tuy nhiên, khi dịch bùng phát, mỗi lãnh đạo đều có trách nhiệm cao nhất với địa phương của mình, rất khó có thể chuyên tâm sang chuyện chống dịch của tỉnh lân cận.

“Cho nên chính quyền Trung ương là nhân tố quan trọng nhất trong chống dịch ở phạm vi liên tỉnh. Chính phủ phải đưa ra các tiêu chí đánh giá tình hình dịch bệnh; cơ chế để các tỉnh, thành thống nhất các lĩnh vực ưu tiên hoạt động; hành lang pháp lý để các tỉnh, thành điều phối vấn đề di chuyển, đi lại, vận chuyển hàng hóa, liên thông thông tin – dữ liệu… Dựa vào đó, các tỉnh, thành có thể họp lại để phối hợp thực hiện chủ trương, chính sách chung của Chính phủ” – ông Du cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm