Các đơn vị kinh doanh hàng thiết yếu trên địa bàn TP.HCM cho biết đến hôm qua (24-8), họ vẫn còn gặp rất nhiều vướng mắc khi lưu thông vận chuyển, giao hàng cho khách hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do người giao hàng, xe chở hàng vẫn bị chặn tại các chốt dù có mã QR và thiếu giấy đi đường (GĐĐ).
Khách gọi rất nhiều nhưng không giao gas được
Ông Danh, chủ một đại lý gas ở quận 8, kể: Ngày 23-8, ông làm hồ sơ xin cấp GĐĐ cho hai nhân viên và được hẹn chiều 24-8 lên nhận. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, ông lại nghe thông tin mẫu GĐĐ mới sẽ do cơ quan công an cấp nên không biết giấy do quận cấp có hiệu lực nữa hay không.
“Giấy phép vừa được cấp lại phải đi xin cấp mới. Chúng tôi rất lúng túng, rối như tơ vò vì không biết phải làm thế nào cho đúng. Khách hàng gọi gas quá chừng mà cửa hàng không thể giao được.
Khi đánh liều chở gas đi thì có chốt nói hiện nay người dân không đi chợ thì giao gas làm gì. Họ còn bảo một là chịu phạt, hai là quay về, chọn đường nào. Thế là nhân viên đành quay về, không dám đi giao gas dù khách đang rất cần. Không biết mai mốt ra đường có phải quay về lại nữa không” - ông Danh lo lắng.
Đồng cảnh ngộ, ông T, đại diện một công ty gas ở quận 12, nêu thực tế: Công ty đã được Sở GTVT TP.HCM cấp mã QR có giá trị đến ngày 31-7. Sau đó, đến ngày 1-8, Bộ GTVT ban hành văn bản hướng dẫn thời hạn sử dụng của giấy nhận diện phương tiện kèm mã QR cấp cho xe vận chuyển hàng hóa đi/đến qua các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16.
Ban đầu giấy đi đường cho nhân viên giao gas do Sở Công Thương TP.HCM cấp, sau đó chuyển sang quận/ huyện, nay đến cơ quan công an cấp nên nhà kinh doanh gas rất rối. Ảnh: TÚ UYÊN
Tuy nhiên, sáng 24-8, khi xe vận chuyển gas của công ty qua một số chốt kiểm soát, lực lượng chức năng quét mã QR thì không hiện ra lộ trình, thông tin công ty đã đăng ký với Sở GTVT TP.HCM. Công ty trình ra văn bản của Bộ GTVT nhưng vẫn bị lập biên bản vi phạm.
“Chúng tôi cho rằng Sở GTVT TP.HCM phải tự gia hạn trên hệ thống để khi lực lượng kiểm soát chốt quét mã QR đảm bảo hiện lên thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời sở cần ra văn bản gửi cho công an 24 quận, huyện là đang áp dụng theo văn bản của Bộ GTVT cho đến khi có thông báo mới, chứ như hiện nay mỗi địa phương làm mỗi kiểu khiến nhà kinh doanh rất khổ” - vị đại diện công ty gas trên kiến nghị.
Đại diện một số công ty kinh doanh gas khác cũng cho hay họ đã gửi danh sách cấp GĐĐ đến các cơ quan chức năng nhưng có nơi xử lý, có nơi chưa trả lời. Trong khi đó, nếu không có GĐĐ thì không thể giao gas cho người dân được.
Không xuất khẩu được, doanh nghiệp chỉ có “chết”
Nhiều nhà xuất khẩu cho hay: GĐĐ do Sở Công Thương TP.HCM cấp không còn hiệu lực nên nhân viên không thể đi làm thủ tục kiểm dịch, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), khai hải quan... khiến hàng xuất khẩu nằm chờ, trễ tàu, thiệt hại rất lớn.
Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood, cho hay GĐĐ cho nhân viên công ty làm thủ tục xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Hiện hàng chục container trái cây chờ xuất khẩu nhưng nhân viên không xuống được cảng thì hàng không thể lên tàu, không xuất khẩu được thì doanh nghiệp chỉ có “chết”.
“Từ ngày 23-8, TP.HCM giãn cách nghiêm ngặt nên GĐĐ của công ty không được chấp nhận. Hôm 23-8, công ty liên hệ với Sở Công Thương TP.HCM để xin cấp GĐĐ cho nhân viên nhưng rốt cuộc giấy này chỉ sử dụng được trong ngày 24-8. Lý do là vừa có thông báo mới, GĐĐ từ ngày 25-8 phải do công an cấp. Hiện công ty đang kẹt 30 container thanh long tại cảng” - ông Chất nói.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho biết GĐĐ của nhân viên làm thủ tục xuất nhập khẩu lại phải chờ cấp mới; vì các GĐĐ trước ngày 23-8 đều không có giá trị. “Nếu ngày mai xin được giấy thì chúng tôi đỡ lo, chứ không xin được thì hàng hóa xuất khẩu không biết tính sao” - ông Tùng lo lắng.
Chọn phương án ngừng xuất khẩu gạo sang EU vì theo ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH VRICE, quy định của thị trường EU là hồ sơ khai để được hưởng thuế suất ưu đãi phải hoàn thành trong ba ngày. Nếu quá ba ngày, hàng đã xuất đi mà nhân viên công ty không đến làm kịp thì không được cấp C/O và không có giấy thì không được EU cho hưởng thuế suất ưu đãi.
“Hiện tại, nhiều công ty có hàng xuất đi EU đều phải hoãn hợp đồng hoặc hủy hợp đồng vì không đảm bảo thời gian làm đúng hồ sơ xuất khẩu, xin cấp C/O, kiểm dịch, khai hải quan…” - ông Có nêu thực tế.
Trước những khó khăn trên, các nhà sản xuất, kinh doanh kiến nghị TP.HCM cần có hướng dẫn rõ ràng, thống nhất và tránh thay đổi liên tục để tránh thiệt hại cho các nhà xuất khẩu. Bên cạnh đó, các chốt chặn trên đường cần thống nhất chủ trương, cách làm để tránh gây khó khăn và làm đứt gãy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Ùn ứ tại điểm trung chuyển hàng ở Bến xe trung tâm TP Cần Thơ.
Ảnh: ANH HÀO
Sở Công Thương phản hồi về giấy đi đường gặp khó Trước các khó khăn của nhà sản xuất kinh doanh, ngày 24-8, Sở Công Thương TP.HCM có công văn gửi các đơn vị liên quan việc cấp GĐĐ cho doanh nghiệp sản xuất từ ngày 23-8 đến 6-9. Cụ thể, UBND TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cấp GĐĐ cho các đối tượng, trong đó có “nhân viên các ngành phục vụ sản xuất”. Nhân viên thực hiện thủ tục cấp C/O, tài liệu, chứng từ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xuất nhập khẩu; chứng từ tài chính (L/C); chứng từ vận tải; chứng từ hải quan... Đây là các đối tượng thuộc nhóm “nhân viên các ngành phục vụ sản xuất” đã được nêu tại Công văn 2800. Theo đó, Sở Công Thương đề nghị các đơn vị trên xem xét cấp GĐĐ cho người lao động của các công ty sản xuất, kể cả các công ty thương mại cung cấp nguyên vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất trên địa bàn. “Sở Công Thương chỉ cấp GĐĐ cho nhân viên của các công ty chuyên cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, tức các công ty cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp” - công văn nêu rõ. Bất cập quy định đổi tài xế, sang hàng Sau khi TP Cần Thơ ra văn bản yêu cầu các phương tiện từ nơi khác đến TP phải đăng ký trước, đồng thời tất cả phải đến điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa để sang hàng hoặc đổi tài xế, ngay lập tức các doanh nghiệp đã phản ứng. Chị Trâm, chủ một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ, chia sẻ: Xe của chị vận chuyển nhiên liệu đốt lò hơi đi cung cấp cho các tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long. Sau khi văn bản của TP được ban hành, xe của chị sau khi đi giao nhiên liệu trở về Cần Thơ lại bị yêu cầu đổi tài xế dù đó là xe không. “Lực lượng làm việc tại điểm trung chuyển hàng yêu cầu chúng tôi phải có giấy có mộc đỏ của Sở Công Thương. Thực hiện việc đăng ký theo yêu cầu của TP, chúng tôi đã gửi email một ngày rồi, phía cơ quan chức năng thông báo đã nhận chứ không trả lời gì thêm. Trong tình hình dịch bệnh như thế này, chúng tôi đi lại có được đâu mà đòi văn bản mộc đỏ. Rồi họ yêu cầu đổi tài xế, nếu đổi xong thì tài xế đi đâu về đâu, trong khi đó là công dân của Cần Thơ” - chị Trâm bức xúc. Nhiều công ty khác cũng cho biết tương tự. Chính vì quy định bất hợp lý trên mà ngày 24-8, tại điểm tập kết hàng hóa ở Bến xe trung tâm TP Cần Thơ, hàng trăm phương tiện không biết xoay xở ra sao đành đậu lại tại bến dẫn đến ùn ứ trầm trọng. Thậm chí, nhiều tài xế chở hàng tuyến Bắc - Nam chờ 20 tiếng chưa vào được TP Cần Thơ. Trưa cùng ngày, giám đốc và hai phó giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ đã có mặt tại đây để thị sát thực tế và bàn hướng giải quyết. Sau đó, PV liên hệ với ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP, để hỏi về hướng giải quyết, tuy nhiên ông này không trả lời. CHÂU ANH |