Đội ngũ DN tư nhân phải vững mạnh

Ngày 27-9, Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2013 với chủ đề kinh tế Việt Nam 2013 và triển vọng 2014, nỗ lực thực hiện ba đột phá chiến lược tiếp tục diễn ra xoay quanh các giải pháp vực dậy nền kinh tế. Vấn đề “nóng” nhất là việc tìm hướng đi cho doanh nghiệp (DN) tư nhân và nguồn vốn để tái cơ cấu.

Hoạt động DN cần bình đẳng

Muốn kinh tế phát triển, các DN nhà nước và DN tư nhân phải được hoạt động trong môi trường bình đẳng. Những gì DN tư nhân chưa làm được thì phải tạo điều kiện cho họ làm. Không thể nói tư nhân không đủ điều kiện làm nên để DN nhà nước làm thì không bao giờ có được đội ngũ DN tư nhân đủ lớn và năng động để tạo ra động lực phát triển kinh tế. Thực tế ở nhiều quốc gia đều cho thấy chỉ có DN tư nhân mới đủ năng lực vực dậy nền kinh tế, cho nên Việt Nam không thể đi ngược lại.

Phát biểu của ông Hồng Trương, giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. Đa số đều cho rằng không nên áp đặt các chính sách lên các DN tư nhân mà cần cho họ có tiếng nói.

Đội ngũ DN tư nhân phải vững mạnh ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang trao đổi với các đại biểu bên lề diễn đàn. Ảnh: V.LONG

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh chỉ ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của DN đang rất phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, vận tải, sữa, dược phẩm... Tất cả đều liên quan đến cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực thi pháp luật. Trên cơ sở đó, nếu “lợi ích nhóm” không được kiểm soát thông qua công khai minh bạch, có sự giám sát của dân, báo chí, cơ quan pháp luật thì mục tiêu cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả của DN và nền kinh tế còn xa vời.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nói hiện có sự phân biệt đối xử giữa ba thành phần, trong đó đa phần DN có quy mô lớn là DN nhà nước, DN FDI và DN tư nhân thân hữu nắm giữ các nguồn lực. Còn các DN khác bị chèn ép không lớn lên được. Do đó cần tái cơ cấu tạo môi trường kinh doanh phân bố nguồn lực và chính sách khuyến khích công bằng, hiệu quả hơn.

Vấn đề chính là vốn

Trước mắt, chuyên gia kinh tế Đặng Đức Thành cho rằng giải quyết ngay những vấn đề ngắn hạn, đặc biệt cần sớm ban hành Luật Đầu tư công. Hơn nữa, khi Nhà nước bơm vốn phải biết chắc vốn đang có ở các DN, nếu không càng bơm càng lỗ. Và phải đưa ra các chỉ tiêu giám sát tài chính vĩ mô như về nợ xấu ngân hàng để quản lý đồng tiền.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, phải có nguồn vốn để tái cơ cấu. Nhìn lại con số lạm phát cao những năm qua, cần xác định thực sự chúng ta đã làm mất đi tài sản của Nhà nước và nhân dân bao nhiêu? “Nhưng tôi cho rằng nó không mất đi mà mất hút, tức là từ chỗ này rơi vào chỗ khác. Nên bây giờ Nhà nước phải bù lấp bằng nguồn vốn của mình cộng thêm nguồn lực của xã hội để quay lại đầu tư, giúp DN trả nợ xấu, đảm bảo an sinh xã hội” - ông Hồ khẳng định - “Phải nhìn nhận một điều nếu không có vốn thì làm sao tăng trưởng được? Vấn đề chính là vốn!”.

Ngoài ra, ông cho rằng không nên lấy chế độ sở hữu nhà nước, kinh tế nhà nước làm chủ đạo, có như vậy mới mong kinh tế khởi sắc.

Phát biểu kết thúc diễn đàn, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, đánh giá cao những đóng góp rất thực tế trước tình hình kinh tế đất nước đang gặp nhiều thách thức. Sự phục hồi kinh tế đang chậm lại nên trong hai năm còn lại khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,5%, vì hiện nay nguồn vốn chủ yếu dựa vào tín dụng của ngân hàng.

“Từ những ý kiến trên tôi đề nghị Ủy ban Kinh tế phải tập hợp và lựa chọn ra tham luận có ý tưởng sâu sắc để trình Quốc hội nhằm có những bước đi đúng, giúp kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững” - bà kết luận.

Bức tranh kinh tế 2014 sẽ sáng hơn

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 không mấy khác biệt so với những nhận định từ Diễn đàn Kinh tế mùa xuân (tháng 4-2013), tức chưa thoát khỏi trì trệ. Nhưng điểm tích cực nổi bật là các chỉ báo kinh tế vĩ mô được cải thiện theo hướng ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng cao, bình ổn được tỉ giá.

Để đánh giá tổng quan kinh tế năm 2013, cần nhìn cả một giai đoạn, bắt đầu từ năm 2008, khi mà nền kinh tế lâm vào tình trạng bất ổn vĩ mô. Những khó khăn đặt ra từ đầu năm 2013 là hệ quả cuối cùng của giai đoạn này.

Từ đánh giá tổng quan đó cho thấy năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ. Tuy nhiên, bức tranh chung vẫn sáng hơn hai năm 2012 và 2013.

Do đó, có thể dự báo trong năm 2014, tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%. Nhiệm vụ chính trong năm 2014-2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm