Giá xăng lập kỷ lục mới, Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế

 Video: Giá xăng lập kỷ lục mới, Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế

Hiện giá xăng đã tiến sát mốc 27.000 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay.

Giá xăng dầu tiếp tục leo thang

Ngày 1-3, liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục chiều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước. Theo đó, mỗi lít xăng A95 tăng 550 đồng, lên mức 26.830 đồng/lít; xăng E5 tăng 540 đồng, lên mức 26.070 đồng/lít. Nếu tính từ tháng 12-2021, đây là lần thứ sáu liên tiếp giá xăng tăng.

Không chỉ giá xăng mà giá các mặt hàng dầu cũng tăng khá mạnh. Cụ thể dầu hỏa tăng 470 đồng, lên mức 19.970 đồng/lít. Dầu diesel tăng 510 đồng, lên 21.310 đồng/lít và dầu mazut tăng 530 đồng, lên 18.460 đồng/kg.

Bộ Công Thương cho biết thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt do xung đột giữa Nga và Ukraine; nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu xăng dầu tăng do các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành ngày 21-2 và ngày 1-3 là 111,345 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5, tương đương tăng 2,84% so với kỳ trước; 114,207 USD/thùng xăng A95, tương đương tăng 3,22%... Đây là những lý do khiến giá xăng dầu trong nước tăng theo.

Liên bộ Tài chính - Công Thương cũng thông tin, tại kỳ điều hành lần này, liên bộ chi quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng A95 là 220 đồng/lít, tăng 110 đồng so với đợt điều hành trước. Còn với xăng E5, dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut vẫn giữ nguyên mức chi quỹ.

“Nếu không chi quỹ bình ổn thì giá xăng còn tăng cao hơn, như xăng A95 sẽ tăng 767 đồng/lít và giá bán đến tay người dùng là 27.054 đồng/lít” - Bộ Công Thương giải thích thêm.

Giá xăng đã tiến sát ngưỡng 27.000 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trình phương án giảm thuế

Ngày 1-3, theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án giảm thuế xăng dầu. Theo đó, phương án tập trung vào hướng điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu.

“Bộ Tài chính trình phương án này theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng. Theo đó, ngày 22-2, Thủ tướng trong công điện về điều hành xăng dầu đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế BVMT đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28-2-2022” - nguồn tin cho biết.

Tuy nhiên, nguồn tin từ Bộ Tài chính cho hay thẩm quyền quyết định điều chỉnh thuế BVMT thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên khi được Chính phủ thông qua, đề xuất sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cơ quan điều hành giá xăng dầu nên tính đến phương án đề xuất giảm thuế đối với xăng dầu. Bởi hiện mỗi lít xăng A95 đang gánh 4.000 đồng thuế BVMT, với xăng E5 là 3.800 đồng/lít, dầu diesel là 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít.

Bên cạnh thuế BVMT, mặt hàng xăng còn chịu nhiều loại thuế khác: Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng A95 là 10%, xăng E5 là 8%, thuế nhập khẩu là 8%… Chưa hết, mỗi lít xăng còn gánh thêm nhiều loại chi phí khác như lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn, chi phí kinh doanh định mức.

Như vậy, nếu tính bình quân thì trong mỗi lít xăng, thuế và phí hiện chiếm khoảng 42%-43%, còn dầu 21%-27%. Điều này đồng nghĩa với 1 lít xăng A95 giá hơn 26.300 đồng thì người mua phải chịu 11.000-11.300 đồng thuế, phí. Thuế, phí quá cao là một trong những nguyên nhân chính khiến giá xăng dầu Việt Nam cao hơn nhiều nước.

Đáng chú ý, nhiều khả năng giá xăng dầu Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh do biến động giá dầu thô thế giới khi xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine leo thang, cộng với các biện pháp trả đũa Nga của phương Tây và Mỹ. Đơn cử, ngày 28-2 vừa qua, giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng gần 7% lên mức khoảng 105 USD/thùng.

Trong khi đó, tổng quỹ bình ổn xăng dầu hiện chỉ còn gần 900 tỉ đồng, tức không còn nhiều dư địa để xả quỹ. Do đó, việc giảm thuế BVMT và các loại thuế, phí khác với xăng cần tiến hành thật nhanh để giảm các cú sốc kinh tế cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, nói nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, giá dầu thô vượt 100 USD/thùng thì ngoài việc sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá phải tính đến công cụ khác là thuế và phí. Trước đó, Bộ Công Thương từng kiến nghị giảm thuế, phí với xăng dầu, như giảm thuế BVMT.

Có thể hai ngày điều chỉnh giá xăng dầu một lần

Một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết vẫn còn tình trạng thiếu hụt tạm thời xăng A95 do nguồn cung chưa ổn định. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ giao chỉ tiêu cho các công ty đầu mối nhập khoảng 2,4-2,5 triệu m3 xăng dầu trong quý II, trong đó gồm lượng xăng dầu thiếu hụt do trong nước giảm sản xuất và 20% lượng nhập khẩu bổ sung để phục vụ nhu cầu phục hồi kinh tế.

Bộ Công Thương cũng cho hay tại cuộc họp giữa bộ với các công ty đầu mối mới đây đã thống nhất cách điều hành theo tinh thần của Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, trong đó có tính đến các tình huống cấp bách, tiệm cận giá thế giới. Cụ thể trước mắt sẽ tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày nhưng khi cần thì điều chỉnh hai ngày/lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm