Giải pháp tháo gỡ hàng ngàn tỉ 'mắc kẹt' tại cửa khẩu

Tình trạng ùn tắc hàng xuất khẩu sang Trung Quốc (TQ) ngày càng gia tăng không chỉ tại các cửa khẩu đường bộ mà đường biển cũng gặp khó khăn. Trong bối cảnh trên, các doanh nghiệp (DN) Việt phải xoay xở đủ cách để giảm thiệt hại.

Thiệt hại lớn vì bị phong tỏa

Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood, cho biết 100% mặt hàng trái cây của công ty xuất khẩu đang bị phong tỏa ở một cảng của TQ để kiểm soát dịch, khả năng cao bị trả về. Nếu bị phong tỏa lâu, hàng có nguy cơ bị hư hỏng, thiệt hại lớn.

“Cuối năm là thời điểm sức tiêu thụ của thị trường gia tăng do vào mùa lễ Noel, năm mới, tết. Tuy nhiên, với chính sách kiểm soát dịch khắt khe của TQ như hiện nay thì công ty chắc phải tạm nghỉ tết sớm chứ không dám xuất hàng sang nước này. Bởi ùn tắc ngày nào chi phí đội lên ngày đó, lời không đáng bao nhiêu, có khi thua lỗ. Đó là chưa kể chi phí xuất khẩu tăng cao do cước vận tải biển tăng và khan hiếm container rỗng” - ông Chất lo lắng.

Nhiều công ty khác cũng khốn đốn khi xuất khẩu bằng đường biển lẫn đường bộ sang TQ đều ách tắc. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VN) - VASEP, thông tin: Hiện nay, TQ theo đuổi mục tiêu “zero COVID” nên việc kiểm tra hàng hóa, nông thủy sản rất nghiêm ngặt khiến việc thông quan bị chậm, giá các loại hàng hóa vì thế giảm theo. Ví dụ, nếu trước đây hàng thủy sản xuất khẩu bằng đường biển sang TQ, cả thời gian vận chuyển và hoàn thành các thủ tục tại cảng chỉ mất khoảng một tuần thì hiện nay có khi mất cả tháng vẫn chưa xong.

Chính vì vậy, những năm trước TQ thường chiếm khoảng 17% thị phần hàng thủy sản VN xuất khẩu thì năm nay dự kiến con số này chỉ khoảng 11%-12%. “Ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chính sách siết hàng nhập khẩu từ TQ khiến xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm liên tục” - ông Hòe nêu thực tế.

Trao đổi với báo chí, đại diện Hiệp hội Rau quả VN ước tính với gần 5.000 xe đang mắc kẹt tại cửa khẩu phía Bắc, giá trị hàng hóa tổn thất khoảng 3.000 tỉ đồng.

Hàng ngàn xe chở hàng Việt vẫn đang nằm chờ tại cửa khẩu phía Bắc.
Ảnh: AN HIỀN

Hàng Trung Quốc vẫn đổ vào Việt Nam

Hiện nay, các loại hàng hóa từ TQ vẫn được nhập rất nhiều vào VN. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nước này lên hơn 99 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu có giá trị lớn của VN đều nhập khẩu từ thị trường TQ. Đơn cử như nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nhóm sản phẩm điện thoại và linh kiện; nhóm rau củ quả…

Trong khi đó, ở chiều xuất khẩu, 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN sang TQ đạt hơn 50 tỉ USD, chỉ tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN. 

Cần ký hợp đồng có chứng thư bảo lãnh

Nhiều công ty Việt thừa nhận hiện nay hàng hóa, nhất là nông sản của VN đang lệ thuộc lớn vào thị trường TQ thông qua con đường xuất khẩu tiểu ngạch. Điều này dẫn đến tình trạng mỗi khi phía TQ có thay đổi chính sách thì nông thủy sản VN lại lao đao.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Trương Đình Hòe, một số công ty thủy sản đã chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, có hợp đồng ràng buộc rõ ràng. “Hiệp hội cũng khuyến cáo các DN giảm lượng hàng xuất khẩu tiểu ngạch sang TQ để tránh rủi ro và hạn chế tập trung lượng hàng lớn tại cửa khẩu ở thời điểm này” - ông Hòe nói.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng để tránh tình trạng ùn tắc hàng tại cửa khẩu khi xuất sang TQ, các DN VN cần thay đổi cách thức xuất khẩu với đối tác tại thị trường này. Theo đó, cần đẩy mạnh xuất hàng hóa VN theo hình thức chính ngạch sang TQ và hai bên có hợp đồng, mở L/C (chứng thư bảo lãnh ngân hàng), hợp đồng bồi thường bảo hiểm. Còn nếu hàng hóa xuất kiểu thương lái, tiểu ngạch, buôn chuyến thì chắc chắn sẽ còn rủi ro lớn.

“Bên cạnh đó, TQ là thị trường lớn của nông sản VN nên cần phải phát triển các tổ chức dịch vụ kèm theo như tổ chức giao nhận, thanh toán, bảo hiểm… để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra” - ông Hiển khuyến nghị.

Đồng quan điểm, đại diện nhiều công ty đang xuất hàng hóa theo đường chính ngạch sang TQ cho rằng xuất khẩu chính ngạch dù chi phí có đội lên so với tiểu ngạch nhưng an toàn, giảm được rủi ro. Bởi xuất theo đường chính ngạch thì toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, chứng nhận… đều được chuyển trước cho đối tác TQ nộp lên cơ quan chức năng. Và chỉ khi nào đối tác TQ xử lý xong hồ sơ, giấy tờ nhận hàng thì DN Việt mới chuyển hàng nên an toàn.

Tuy nhiên, để có thể xuất chính ngạch thì cần xây dựng vùng nguyên liệu nông thủy sản đáp ứng các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch; có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, mã vùng, mã vạch... Đặc biệt, DN Việt phải xác định cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm chứ không chạy theo số lượng.

Giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, cho biết để giảm thiểu rủi ro mỗi khi cửa khẩu ùn ứ hoặc thị trường TQ có những thay đổi đột ngột, các DN đang tích cực tìm thêm thị trường mới. Ví dụ, thanh long xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Ấn Độ... để giảm bớt số lượng xuất khẩu sang TQ. Tuy nhiên, một thực tế là thị phần của các thị trường khác còn nhỏ, không thể so với thị trường TQ.

Trong bối cảnh như trên, chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN cho rằng giải pháp trước mắt vẫn là cần tích cực làm việc với phía TQ. Cùng với đó là giảm bớt lượng hàng lên biên giới xuất khẩu sang TQ bằng cách đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thêm vào các thị trường khác.

Về lâu dài, các DN tiếp tục đẩy mạnh chế biến và xem lại cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu, kế hoạch sản xuất, quy hoạch cây trồng, thời vụ để chủ động điều tiết đầu ra trong các vụ mùa tiếp theo. Đặc biệt, nông thủy sản VN phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức... Khi đó, hàng Việt mới không lo cảnh bị lệ thuộc vào thị trường nào.

AN HIỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm