Sáng 27-3, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến cùng các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ nhằm sớm có những định hướng chỉ đạo, điều hành sản xuất, đảm bảo thắng lợi cho hai vụ lúa còn lại trong năm 2020.
Báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ đông xuân 2019-2020 là hơn 1,6 triệu ha, năng suất lúa ước đạt 68,54 tạ/ha, tăng 1,23 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 11 triệu tấn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá vụ đông xuân năm 2020 tại các tỉnh ĐBSCL đã cơ bản giành thắng lợi. Ảnh: mard.gov.vn
Trong đó, các tỉnh ĐBSCL xuống giống 1,54 triệu ha, giảm 63.000 ha; năng suất ước đạt 69,79 tạ/ha, tăng 2,01 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn.
Các tỉnh Đông Nam bộ xuống giống đạt 77.000 ha, giảm 5 ha, năng suất ước đạt 58,8 tạ/ha, tăng 0,74 tạ/ha; sản lượng 453.000 tấn.
Nhìn chung, tình hình xuống giống vụ đông xuân 2019-2020 tại các tỉnh ĐBSCL được triển khai sớm 20-30 ngày so với vụ đông xuân năm trước. Thời tiết thuận lợi giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít; cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, đến thời điểm này, vụ đông xuân năm 2020 tại các tỉnh ĐBSCL đã cơ bản giành thắng lợi quan trọng, vượt qua ảnh hưởng của hạn, mặn diễn biến phức tạp cực đoan.
Về vụ hè thu sắp tới, Bộ NN&PTNT lưu ý diễn biến hạn, mặn tại ĐBSCL vẫn còn phức tạp nên cần phải điều chỉnh lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa một cách linh hoạt để đảm bảo diện tích, năng suất và sản lượng. Mục đích để đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi đang diễn ra trong và ngoài nước.
Cạnh đó, tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa hè thu để có kế hoạch sản xuất cho vụ thu đông. Khi sản xuất vụ thu đông cũng cần theo dõi sát diễn biến của lũ, bão, dự báo khả năng di trú của rầy nâu và khả năng xâm nhập mặn sớm.
Liên quan đến vấn đề tạm dừng xuất khẩu gạo, lãnh đạo nhiều địa phương ở ĐBSCL kiến nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ xem xét lại chủ trương này.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết sau khi Thủ tướng có quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo thì giá lúa trong dân đã giảm hơn trước 300-500 đồng/kg. Do đó, nếu tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Giá thấp người dân sẽ không xuống giống vụ thu đông nữa.
Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cũng cho biết qua trao đổi với các doanh nghiệp, được biết hiện tồn kho của các doanh nghiệp trên địa bàn vào khoảng 300.000 tấn. Do đó chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo của Chính phủ khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
"Một số doanh nghiệp kiến nghị với những hợp đồng ký trước ngày 24-3 vẫn tiếp tục cho xuất khẩu bởi các doanh nghiệp của Long An chủ yếu xuất khẩu nếp sang Trung Quốc, nếu dừng lại sẽ thiệt hại lớn" - ông Tuyền cho biết.