Hàng Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam: Tiêu hủy và khởi tố

Liên quan đến vụ Công ty Kim Lan nhập khẩu bốn tấn xí muội, táo, bánh kẹo... từ Trung Quốc nhưng lại ghi sản xuất và đóng gói bởi doanh nghiệp này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Phòng Chống buôn lậu và Kinh doanh trái phép (Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương) khẳng định: Công ty Kim Lan đã vi phạm hành vi gian dối về xuất xứ. Theo quy định, bốn tấn thực phẩm khô gồm táo, me, xí muội và kẹo này được gọi là hàng giả. Đã là hàng giả thì phải tịch thu và tiêu hủy. Hơn nữa, số hàng này thuộc nhóm hàng lương thực thực phẩm, mức phạt là rất nặng, nếu trị giá 30 triệu đồng trở lên sẽ bị khởi tố. Đây là vụ rất lớn, chúng ta cần phải xử lý thật nghiêm.

Từ hàng thiết yếu đến công nghệ cao đều giả xuất xứ

Phòng Chống buôn lậu và Kinh doanh trái phép cũng cho biết việc gian lận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đã diễn ra từ nhiều năm nay. Về mặt hàng, vi phạm rất phong phú, đa dạng, từ các mặt hàng thiết yếu đến các mặt hàng điện tử đắt tiền. Nói chung, hầu hết các hàng hóa vi phạm ghi nhãn là hàng có chất lượng kém và nhái xuất xứ các thương hiệu nổi tiếng của các nước công nghiệp hiện đại như giày Adidas, quần bò Levis, máy tính xách tay Sony...

Hàng Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam: Tiêu hủy và khởi tố ảnh 1

Tuy nhiên, đại diện của Phòng Chống buôn lậu và Kinh doanh trái phép cảnh báo: Hiện tượng những hàng kém chất lượng được sản xuất tại các nước lân cận với Việt Nam được nhập về và ghi xuất xứ Việt Nam đang gia tăng. Hành vi này cần kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ hàng trong nước chứ không các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng nội, nông dân trồng hoa màu sẽ gặp khó khăn.

Vị đại diện trên cũng cho biết khi hàng đã vào trong nội địa, về nguyên tắc là trước khi đưa hàng lưu thông ra thị trường thì các DN nhập khẩu phải ghi thêm nhãn bằng tiếng Việt. Trong đó phải có tám nội dung: tên hàng, nước sản xuất, thành phần cấu tạo, hạn sử dụng..., đặc biệt là tên DN chịu trách nhiệm về hàng hóa. Nhưng khi kiểm tra, hầu hết các sản phẩm đang vận chuyển từ nơi mua hàng và các điểm lưu kho thì đều vi phạm về nhãn, nhất là các hàng được tiểu thương mua gom từ các chợ sát cửa khẩu như Đông Kinh, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh).

Có một bất cập hiện nay là do mức thuế nhập khẩu khác nhau nên nhiều đơn vị nhập khẩu đã ghi xuất xứ từ những nước trong khối ASEAN để chịu mức thuế nhập khẩu thấp. Còn nhiều lô hàng nhập từ nước quanh ta thôi nhưng lại ghi nhập từ Đức, Mỹ để đánh lừa người tiêu dùng. Khó khăn hiện nay là do công tác kiểm tra của cơ quan hải quan quy định khi hàng nhập khẩu lại được phân ra ba luồng, quản lý theo chế độ rủi ro. Nếu hàng vào luồng xanh, nghĩa là đây là các DN ít vi phạm nên chỉ kiểm tra xác suất 10%. Quy định này đang bị nhiều DN nhập khẩu lợi dụng.

Đây là hành vi gian lận thương mại

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định: Một lô hàng không vượt qua giai đoạn gia công chế biến đơn giản như phân loại, đóng gói, san, pha trộn, lắp ráp... thì không bao giờ được nói là sản xuất ở nước đó.

Nếu hàng sản xuất ở nước nào đó mà đem về đóng gói, ghi nhãn là sản xuất tại Việt Nam thì đây được coi là hành vi gian lận thương mại. Rõ ràng DN lợi dụng uy tín của sản phẩm mà ngành hàng mang lại để bán hàng. Chính hành vi này của DN khiến người tiêu dùng trong nước có cảm giác bị lừa mà nghi ngờ các sản phẩm cùng loại. Điều đó khiến cho DN làm ăn chân chính sẽ bị thiệt hại.

Ông Huỳnh kiến nghị cơ quan quản lý chức năng nên có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn việc này nhằm bảo vệ sản phẩm trong nước cũng như các DN sản xuất nội địa. Cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý thị trường cần phải giám sát chặt chẽ việc này khi chủ trương chúng ta khuyến khích người tiêu dùng trong nước dùng hàng Việt.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm