Họp khẩn tìm giải pháp cung ứng thực phẩm cho miền Nam

Từ 0h ngày 19-7, 16 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ.

Trước tình hình đó, trong sáng 18-7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã cùng chủ trì cuộc họp trực tuyến để tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho miền Nam.

Nhiều tỉnh lo vướng mắc ở khâu vận chuyển

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết các chợ đầu mối trên địa bàn không chỉ cung ứng cho TP.HCM mà còn cung cấp cho các địa phương khác. Hiện ở TP.HCM đang thiếu 3 triệu quả trứng/ngày.

Quang cảnh cuộc họp tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: CTV

Ông Phương đề nghị Bộ NN&PTNT cung cấp thông tin về nguồn hàng để Bộ Công Thương có thể làm việc với các chợ đầu mối, từ đó phân phối hàng hóa hợp lý.

"Chúng tôi rất cần các vùng sản xuất được bảo vệ, không thể để tình trạng cấm nông dân ra khỏi nhà, gây khó khăn cho nguồn cung, dẫn đến hàng hóa tăng giá cao" - ông Phương nhấn mạnh.

Đại diện tỉnh Hậu Giang, bà Nguyễn Thị Giang, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết một số mặt hàng tại đây đang tăng giá do tâm lý người dân tăng mua tích trữ. Tại chợ, giá bán các loại nông sản cần thiết tăng từ 30-40% nhưng giá thu mua trong dân không tăng.

Đáng chú ý, nhiều địa phương như Hậu Giang, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bình Dương... đều phản ánh và bày tỏ lo ngại việc vận chuyển nông sản gặp khó do công tác kiểm soát qua chốt kiểm dịch, làm kéo dài thời gian, gây tỷ lệ hư hỏng cao, làm đội giá bán. Các tỉnh kiến nghị thông nút thắt ở khâu vận chuyển.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá tình hình sắp tới sẽ thay đổi từng giờ, tính chất thời điểm hiện tại như đang là thời chiến. Do vậy, dự kiến tình hình hàng hóa sẽ có nhiều xáo trộn, khan hiếm, giá cả cao.

Hiện các chợ đầu mối ở TPHCM dừng hoạt động làm thiếu hụt hàng hóa cho người dân và cũng gây nguy hiểm cho cả các tỉnh khác do thiếu đầu ra, thiếu nơi cung cấp hàng hóa.

Thứ trưởng Hải đề nghị không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh mới áp dụng Chỉ thị 16. Các siêu thị hiện có tổ chức thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, tăng giờ bán, tăng các điểm bán lưu động.

Trong mọi tình huống không để đứt gãy chuỗi cung ứng

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị TP.HCM cần xác định rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nêu một số giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn hiện tại trong cung ứng hàng hóa cho nhân dân. Theo đó, Bộ trưởng kiến nghị các địa phương có nguyên liệu cần nắm rõ việc thu hoạch có khó khăn gì để phản hồi lại với ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam nhằm đưa ra phương án thích hợp.

Về vấn đề vận chuyển, doanh nghiệp đang sợ rủi ro nên Bộ trưởng cho rằng cần có chính sách thật thông thoáng để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

“Hiện nay, do tình hình không như bình thường nên Nhà nước sẽ tham gia vào quá trình vận hành của thị trường, còn nếu khó khăn hơn nữa thì Nhà nước sẽ phải đảm nhận hết vai trò phân phối, cung ứng cho người dân” – Bộ trưởng Hoan nêu ý kiến.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá tình hình sắp tới sẽ biến chuyển rất nhanh. Diễn biến dịch phức tạp và nghiêm trọng nên việc cung ứng hàng hóa là vấn đề rất quan trọng. Nếu thiếu hàng thiết yếu thì người dân không đủ lực dập dịch. Đói khát và túng thiếu sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề xã hội.

"Trong mọi tình huống không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu" - Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng, lúc này hai ngành Công Thương và NN&PTNT cần đoàn kết để thực thi các nhiệm vụ chung. Đó là cần đánh giá tình hình nhu cầu hàng hóa chính xác, từ đó mới đưa ra hướng giải quyết. Hai là chủ động kết nối cung cầu ở các địa phương, phải rõ đầu mối giao - nhận. Muốn kết nối được phải nắm được nhu cầu. Duy trì chợ đầu mối, chợ truyền thống kèm theo những biện pháp phòng dịch.

Ba là phối hợp các ngành khác như Giao thông, y tế để làm tốt lưu thông, điều tiết hàng hóa. Cạnh đó, cần xác định được nguồn hàng cung ứng từ vùng sản xuất như thế nào, nếu có xảy ra đứt gãy thì kịp thời có hướng giải quyết.

Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh chủ trì phối hợp lực lượng chức năng địa phương để kịp thời xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, nâng giá, trục lợi, buôn bán hàng giả, kém chất lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm