Kho báu giữa đại ngàn

Thảo quả được coi là "cây bạc, cây vàng", đã không phụ công những người nông dân vùng cao hết lòng yêu quý và gìn giữ rừng đại ngàn...

Nơi cửa gió, túi mưa

Từ trung tâm thành phố Lào Cai lên năm xã phía tây huyện biên giới Bát Xát, "vựa" thảo quả của tỉnh Lào Cai, thuộc diện khó đi nhất, bởi vừa dốc cao vừa chi chít các loại ổ voi, ổ trâu, ổ gà... Năm nào mưa lũ cũng gây sạt lở và bào mòn, bóc đi lớp đá dăm rải mặt đường, chỉ chừa lại lớp đá gốc lục cục, lởm chởm. Hơn 40 km đường, chúng tôi đi xe máy, mất hơn hai giờ mới đến chợ Mường Hum, phiên chợ nổi tiếng đông vui, với nhiều hàng hóa đặc trưng của Bát Xát và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao biên giới.

Kho báu giữa đại ngàn ảnh 1

Niềm vui được mùa thảo quả

Hỏi chuyện đời sống của nhân dân địa phương, cụ Hoàng Diếu Lìn, 80 tuổi, người Dao, nhà ở ngay đầu chợ nói gọn: "Cán bộ cứ vào chợ thì thấy thôi mà". Ðúng là vậy, rất đơn giản mà xác thực. Tôi vào chợ, khoảng 9 giờ, trong sương mù bảng lảng chưa tan hết, người Mông, người Dao, người Hà Nhì, người Giáy chen vai thích cánh trên từng gian hàng, từng lối đi, mua bán đủ các loại hàng hóa, từ nông sản, đồ rèn đúc, sản vật của rừng đến đồ điện tử, vải vóc, xe máy... được tư thương mang từ dưới xuôi lên.

Ở một góc chợ bày bán ti-vi, bốn chàng trai người Dao ở bản Nậm Giàng, xã Dền Sáng xòe xấp tiền vừa bán thảo quả còn tươi roi rói mua liền bốn chiếc ti-vi mầu, quấn bọc cẩn thận cho vào lù-cở địu trên lưng đi nhẹ tênh, mặt mày hớn hở.

Chợ nằm ngay cạnh con suối Mường Hum nước xanh ngăn ngắt, bắt nguồn từ "túi mưa Ý Tý", đem nguồn nước quý giá phục vụ cho các xã Sảng Ma Sáo, Dền Sáng, Pa Cheo, Bản Xèo, đặc biệt là "vựa lúa" Mường Vi của người Giáy phía hạ nguồn nổi tiếng với nhiều giống lúa thơm ngon, đã trở thành thương hiệu đặc sản của Lào Cai. Xã Ý Tý nằm ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù gió rét, mùa đông thường có mưa đá, băng tuyết.

Do cấu tạo địa hình và khí hậu, trong khi cả huyện Bát Xát gồm 23 xã, thị trấn thì có đến một nửa số đó thường bị khô khát, thiếu nước, nhưng riêng Ý Tý vào mùa mưa thì mịt mù, trắng trời cả tuần, có khi nửa tháng, mưa dai đến mức núi nhão ra, sạt lở mới thôi. Ý Tý được mệnh danh là "túi mưa" của huyện vùng cao Bát Xát, với lượng mưa trung bình năm hơn 2.000 mm.

Nhưng chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã tạo cho Ý Tý bao điều kỳ thú, mà nổi tiếng là "rừng treo nguyên sinh" và "kho tiền giữa đại ngàn", với những nghệ nhân người Hà Nhì, người Dao hết mực yêu quý rừng, rất giỏi mở ruộng bậc thang và trồng thảo quả, đang làm đổi thay diện mạo nông thôn vùng cao nơi đây.

Kho báu

Năm nay, theo chỉ đạo của huyện, mùa "lên núi hái tiền" (thu hoạch thảo quả) lùi lại muộn hơn trước khoảng hơn một tháng. Vợ chồng Lý A Páo, ở thôn Khu Chu Lìn, xã Sảng Ma Sáo mang theo gạo, thực phẩm, nồi niêu... dựng lán trại ngay giữa rừng già Ý Tý để thu hái và sấy quả khô. Thu hoạch muộn thời tiết rét hơn, phải làm khẩn trương, nhưng bù lại năng suất tăng thêm 25% - 30%, do thảo quả già, chắc hạt.

Vốc một nắm thảo quả đã sấy khô trên tay, hương thơm sực nức, Páo bảo: "Năm nay giá bán tăng hơn năm ngoái 12.000 đồng, được 80.000 - 85.000 đồng/kg, một kg thảo quả bằng 10 kg thóc tốt đấy". Chỉ tay vào bụi thảo quả (giống như cây giềng ở miền xuôi) sum suê, mọc nép dưới tán một thân gỗ lớn, phía dưới gốc chi chít quả chín đỏ ửng mầu bồ quân, Páo nói: "Người Dao mình coi nó là cây bạc, cây vàng, trên rừng này không có cây nào so được đâu. Như cái bụi thảo quả này, sẽ hái được khoảng 20 kg quả tươi, sấy được 6 kg quả khô, bán được tiền bằng 70 kg thóc đấy. Có vài ha thảo quả là thành triệu phú thôi mà, không khó đâu".

Anh Páo cho biết, nương thảo quả của gia đình rộng năm ha, năm ngoái thu hái được khoảng bốn tấn quả tươi, sấy khô được gần một tấn, bán ngay tại cửa rừng được hơn 600 triệu đồng. Năm nay không bị mưa đá, thảo quả được mùa, vợ chồng anh dự tính thu 1,3 tấn quả khô, trị giá khoảng một tỷ đồng.

"Từ đầu vụ thu hoạch tháng 10 đến giờ, nhà mình đã sấy được khoảng 800 kg rồi, còn đang thu hái tiếp. Mình vừa bán đi 300 kg quả khô được 23 triệu đồng để mua hai cái xe máy, dùng để chở thảo quả ra chợ Mường Hum bán được giá cao hơn" - Páo khoe với tôi, nụ cười thật tươi.

Ðang mùa thu hoạch thảo quả, hầu như các gia đình của mấy xã Sảng Ma Sáo, Dền Sáng, Trung Lèng Hồ, Ý Tý đều cắm lều trong rừng để thu hái và sấy thảo quả. Ðộ này, trong rừng già Ý Tý có đến 80 lò sấy thảo quả đang đỏ lửa, khoảng cuối tháng 12 là kết thúc vụ thu hái. Chủ tịch xã Sảng Ma Sáo Lý A Dua tính sơ sơ, mỗi ngày, riêng khu rừng treo Ý Tý này "hiến tặng" cho người dân nơi đây hàng trăm triệu đồng. Ðúng là mùa hái tiền của đồng bào các dân tộc vùng cao Bát Xát.

Kho báu giữa đại ngàn ảnh 2

Thảo quả trồng dưới tán rừng già ở xã Ý Tý, Bát Xát, Lào Cai

Vốn là cây mọc hoang, còn có tên là đò ho, thảo đậu khấu, thảo quả có tên khoa học là Amomum Tsao. Bộ phận dùng là hạt của quả; có vị cay ngọt, tính ấm, vào hai kinh tỳ, vị; tác dụng táo thấp, trừ hàn, trục đờm, làm thuốc giải độc, mạnh dạ dày, ấm trung tiêu. Thảo quả được trồng trên núi cao, nơi có nhiệt độ thấp quanh năm, dưới tán cây rừng để tránh ánh sáng mặt trời.

Người ta gieo hạt thảo quả như gieo mạ nhưng sau hai năm mới được cấy. Sau khi cấy ba năm thì cho thu bói được khoảng 1/3 năng suất, đến năm tiếp theo bắt đầu thu ổn định. Thảo quả là loại cây lâu năm, cho thu hoạch trong 40-50 năm với năng suất bình quân 1,5 tấn quả tươi/ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát Nguyễn Ðức Ca cho biết, cả tỉnh Lào Cai có 5.700 ha thảo quả thì riêng huyện Bát Xát chiếm 2.650 ha, trong đó năm xã: Mường Hum, Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và Ý Tý được coi là "vương quốc" của loài thảo dược quý này. Hằng năm, Bát Xát xuất khẩu khoảng 700 tấn thảo quả khô, thu về chừng 50 tỷ đồng.

Nhờ có thảo quả, người dân vùng cao đã xóa được nghèo và làm giàu. Mỗi năm, Bát Xát có khoảng 200 - 300 hộ thoát nghèo thì rất nhiều trong số đó là nhờ trồng thảo quả. Trong số mấy trăm hộ giàu ở vùng cao Bát Xát thì hộ nào cũng có từ 4 đến 8 ha "cây bạc, cây vàng" này, tiền tích lũy được cũng từ đó mà ra.

Thôn Hồng Ngài ở nơi thâm sơn cùng cốc của xã Ý Tý, không có lấy một mảnh ruộng bằng, nhưng hơn 30 hộ dân tộc Mông, Dao ở đây đều có tiền gửi tiết kiệm ở Ngân hàng Nông nghiệp Bát Xát, từ 30 đến 200 triệu đồng, nhờ trồng thảo quả dưới tán rừng già, rừng đầu nguồn, theo mô hình trang trại.

Lên "túi mưa" Ý Tý, ở độ cao hơn 2.000 m, tôi đến thăm "vua" thảo quả Phu Lò Dé ở bản Sín Chải 1 gồm toàn người Hà Nhì, sống trong những ngôi nhà trình tường đất hình vuông, lác đác mấy nhà hình tròn giống như dân du mục Mông Cổ, lợp ngói xi-măng sáng lóa. Ông Dé nhận bảo vệ hàng chục ha rừng phòng hộ, dưới tán rừng ông trồng 8 ha thảo quả, hằng năm thu được từ 1,2 đến 1,6 tấn quả khô, bán cho tư thương đến tận cửa rừng cân hàng, thu về chừng 900 triệu đến 1,3 tỷ đồng.

Năm này dồn sang năm khác, có nhiều tiền, ông Dé cho gần 200 hộ nghèo vay không tính lãi để sản xuất, giúp 15 hộ có hoàn cảnh khó khăn ở trong xã nuôi trâu sinh sản để lấy nghé. Ông Phu Lò Dé được bà con suy tôn gọi là "ông ngân hàng" của bản. Khi tôi hỏi: Sao không gửi tiền ngân hàng để lấy lãi, ông cười bảo: Lộc của rừng cho thì mình đem giúp bà con để mọi người cùng giữ rừng tốt hơn. Bao nhiêu năm nay, người vùng cao Bát Xát hưởng lộc của rừng và yêu quý, bảo vệ rừng như tài sản của nhà mình là vì thế.

Gắn với bảo vệ rừng đầu nguồn

Ðặc tính tự nhiên của cây thảo quả là sống dưới tán rừng già, từ độ cao 800 m trở lên, với ánh sáng yếu, đây phần lớn là rừng phòng hộ đầu nguồn của các sông, suối ở Lào Cai. Ðể thảo quả phát triển, người trồng thảo quả phải phát dọn những cây nhỏ, chỉ để những cây to, tán rộng làm tàn che cho cây thảo quả. Nếu để cây rậm quá, thiếu ánh nắng mặt trời cây thảo quả sẽ không phát triển được, nếu nắng quá thì cây cũng bị chết.

Từ đó người trồng thảo quả phải dọn cây rừng rất sạch, trong diện tích rừng trồng thảo quả các cây mọc tự nhiên không có thế hệ nối tiếp, khi những cây to già cỗi đến lúc gãy đổ, thì diện tích cây đó che bóng trở thành đất trống đồi núi trọc. Mặt khác, để sấy khô một tấn thảo quả tươi phải cần từ 10 đến 12 m3 củi bằng thân gỗ to, tiêu tốn nhiều gỗ rừng. Mặt tích cực của trồng thảo quả là đã mang lại lợi ích lớn cho người dân, những khu rừng trồng thảo quả được người dân bảo vệ rất tốt.

Ðể phát triển cây thảo quả gắn với bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai chỉ đạo các địa phương áp dụng các biện pháp tổng hợp, từ quy hoạch vùng thảo quả, áp dụng quy trình thâm canh, đến thu hái, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của mô hình trang trại rừng - thảo quả ở vùng cao.

Trước đây, thảo quả mọc hoang dại trong rừng, theo hướng dẫn của cơ quan khuyến nông, đồng bào dân tộc đã nhận khoán bảo vệ rừng, trồng thành vùng tập trung, phát cỏ, bón phân NPK, thu hái đúng thời điểm, cải tiến lò sấy đa dụng, nhờ vậy nâng cao năng suất lên 30%. Hiện nay, tỉnh Lào Cai đang ứng dụng kỹ thuật sử dụng thuốc kích thích tạo rễ, ra hoa, đậu quả, rút ngắn thời gian cho thu hoạch và nâng cao năng suất khoảng 40% so với quy trình trồng tự nhiên; đồng thời khảo nghiệm đưa giống thảo quả xanh Ấn Ðộ vào trồng dưới tán rừng già ở Bát Xát, Sa Pa và Văn Bàn.

Với ưu thế dải thích nghi rộng, năng suất cao gấp ba lần và giá bán cao gấp nhiều lần (khoảng 12 USD/kg tại thị trường Ấn Ðộ), cây thảo quả xanh mở ra triển vọng làm giàu bền vững cho người nông dân vùng cao Lào Cai.

Bài và ảnh QUỐC HỒNG (báo Nhân Dân)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm